Mở trang sách giáo khoa cũ, bồi hồi nhớ ngày khai trường xưa

05/09/2021 08:35 GMT+7

'Sáng đầu thu trong xanh. Em mặc quần áo mới. Đi đón ngày khai trường. Vui như là đi hội'. Bạn còn nhớ những câu thơ này trong sách giáo khoa cũ thì hẳn bây giờ cũng bâng khuâng xao xuyến.

Đó là những vần thơ “Ngày khai trường” của tác giả Nguyễn Bùi Vợi, trong sách giáo khoa cũ, mà thế hệ 8X, 9X còn rất nhớ. Trong trang sách giáo khoa năm xưa, viết về mùa thu, ngày khai trường, tôi còn nhớ có bài “Cái trống trường em”, “Quyển vở của em”, “Cánh đồng mùa thu”…
Lên THCS, chúng tôi được học “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, thật vui là bây giờ các em học sinh vẫn được học những dòng văn trong trẻo: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”.

Bài thơ khiến bao thế hệ học trò bâng khuâng nhớ ngày khai trường

Ảnh Lê Hải Đoàn

Hôm nay ngày 5.9, ngày khai trường. Cuộc đời của mỗi người, ít nhiều cũng đều có những kỷ niệm chẳng thể nào quên cho ngày đầu tiên được đến trường, cũng như ngày đầu tiên được trở lại trường sau 3 tháng hè.
Tôi còn nhớ vẹn nguyên cái cảm giác những ngày trước khai trường cả tháng đã cẩn thận cắt từng tờ giấy báo hay tờ lịch treo tường để bọc lại những cuốn sách giáo khoa cũ.
Ngày trước, một bộ sách giáo khoa có thể truyền tay nhau tới mấy anh chị em trong nhà. Thế nhưng “cũ người mới ta”, những ngày mùa hè được lật mở từng trang sách, xem từng bức tranh trong đó là cảm giác đã lắm.

Hình vẽ minh họa trong sách giáo khoa cũ đơn giản với màu xanh lam

Ảnh Lê Hải Đoàn

"Cánh đồng mùa thu" những dòng văn trong trẻo về những ngày thu yên bình trong sách giáo khoa cũ

Ảnh Lê Hải Đoàn

Ngày đó các trò được nghỉ nguyên cả 3 tháng hè, chỉ có đến trường tập trung vài buổi rồi bắt đầu khai giảng, đúng nghĩa một năm học mới bắt đầu. Bởi vậy, học sinh ai cũng háo hức. Bộ đồ mình sẽ mặc trong ngày khai trường được treo lên gọn gàng trước cả tuần. Trước 5.9, trò nào cũng sợ mưa lớn, thậm chí nơm nớp không ngủ được cả đêm, vì sợ lễ khai trường không được diễn ra.
Những ngày này, tôi ngồi lật mở những trang sách giáo khoa cũ, bao ký ức về ngày khai trường ngày mình còn thơ bé, ở ngôi trường trên đỉnh đồi trở về sống động.
Đó là tiếng trống trường, thanh âm xa chúng tôi suốt 3 tháng hè, bây giờ khiến nhịp tim ai cũng rộn ràng khi nghe thấy nó từ xa. Đó là tà áo dài của cô giáo trong nắng mùa thu. Là màu đỏ của hoa phượng còn sót lại vài đốm lửa trên những tán lá xanh ngắt.

Học trò 8X, 9X còn nhớ những ngày dùng chiếc thước kẻ gỗ, bút chì xanh đỏ và phải dán những chiếc nhãn vở thế này?

Ảnh Lê Hải Đoàn

Hôm nay, 5.9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Nhưng năm nay, không phải ở tất cả các địa phương thì trẻ đều có thể đến trường trong ngày đặc biệt này. Covid-19 xuất hiện đảo lộn nhiều thứ, kể cả ngày khai trường của trẻ nhỏ. Ở TP.HCM, khi mà dịch còn đang căng thẳng, nhiều học sinh đón khai trường từ xa.
Những em nhỏ mới vào lớp 1, các em chưa được trải qua cảm giác đặc biệt của ngày khai trường đầu tiên của đời mình để bước vào cánh cổng trường tiểu học. Các em thiệt thòi khi chưa được gặp cô gặp bạn ngoài đời, chưa biết lớp học thực tế ra sao, chưa được lắng nghe một hồi trống trường rộn rã ngoài đời thật, nhưng đã phải làm quen với những giờ ngồi tập trung trước điện thoại, máy tính để học trực tuyến.

Nhớ lắm những ngày khai trường bình yên, để tất cả trẻ em đều được đến trường

Ảnh Đức Nhật

Hoài niệm những ngày khai trường xưa cũ, những phụ huynh như chúng tôi cũng đang nhớ lắm những ngày khai trường bình yên. Tất cả đều đang mong dịch Covid-19 sớm đi qua, người dân đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, học sinh cũng sớm được tiêm vắc xin như đề xuất, nhịp sống bình thường như vốn có ở thành phố này sẽ sớm trở lại.
Đó sẽ là những ngày nắng đẹp, cha mẹ chở con cái đến trường, ngồi đợi chúng làm lễ khai giảng và bồi hồi nhớ về những ngày đi học của mình. Đó là những ngày trẻ em sẽ được rộn ràng đến trường mỗi sáng, người lớn hối hả đến chỗ làm, dẫu có kẹt xe, nắng nóng hay mưa rào, chúng tôi cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Thế mới thấy, bước qua dịch bệnh, thì yên bình mới là điều mà ai cũng ao ước và trân trọng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.