Mũ bảo hiểm thông minh

08/10/2018 07:04 GMT+7

3 năm tâm huyết với sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh, chàng sinh viên Trần Đăng Khoa của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM rất mong muốn đưa được sản phẩm ra thị trường để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông do bia rượu.

Sản phẩm nhiều điểm cộng
Hiện nay Trần Đăng Khoa, sinh viên năm thứ 2 ngành tự động hóa, mỗi ngày vẫn dành thời gian để chăm chuốt cho dự án của mình.
Khoa nói: “Hằng năm xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân do bia rượu là không ít. Em muốn làm một điều gì đó để hạn chế vấn nạn trên”.
Hiện tại, chức năng chính của sản phẩm là có thể phát hiện và cảnh báo người lái xe khi phát hiện có nồng độ cồn, và báo địa chỉ cho người nhà đến đón hoặc hỗ trợ người lái xe có thể gọi taxi một cách đơn giản và nhanh nhất.

Theo đó, thiết bị sử dụng cảm biến nồng độ cồn để phát hiện người lái xe có uống rượu bia hay không. Kết hợp với những vi điều khiển có kích thước nhỏ, giá thành thấp nhưng tính ổn định cao, sử dụng ít điện năng, đã được tính toán và đưa ra hướng giải quyết tốt nhất để có thể xử lý chính xác và giải quyết được nhiều bài toán phức tạp. Sau khi phát hiện có sự cố, thiết bị sẽ gửi thông tin qua mạch thứ 2, độc lập hoàn toàn với mạch ở trên mũ để thực hiện các thao tác đã được cài đặt trước như định vị vị trí, nhắn tin...
“Mũ có một cảm biến để phát hiện người lái xe có đội mũ bảo hiểm vào hay không, nếu người lái xe không đội, thì thiết bị sẽ không cho kích hoạt relay (rơ le - công tắc điện tử) trên ổ khóa xe, làm cho xe không thể nổ máy được. Do đó, điều kiện ít nhất để người lái xe có thể giam gia giao thông là phải đội mũ bảo hiểm này, nếu không đội, xe sẽ không chạy được”, Khoa giải thích.
Mũ còn có chức năng như: chống mất cắp, chống ngủ gật, báo tai nạn tự động, nhắc nhở bật đèn chiếu sáng...
“Các chức năng này là chức năng mở rộng của dự án, ví dụ như để thực hiện được công việc định vị vị trí và gọi cho người nhà lúc lái xe say rượu thì thiết bị phải sử dụng một module riêng để định vị. Sau đó em tận dụng chính module này để tạo ra thêm chức năng chống mất cắp cho người dùng. Chức năng nhắc nhở bật đèn chiếu sáng để giúp người lái xe không quên bật đèn chiếu sáng lúc tham gia giao thông nhờ cảm biến ánh sáng và kinh phí cũng thấp. Hay chức năng chống ngủ gật sẽ giúp thiết bị phát hiện được người lái xe có tỉnh táo khi chạy xe hay không và đưa ra những lời khuyên tốt nhất...”, Khoa chia sẻ.
 
 
Dự án có tính ứng dụng cao
Tiến sĩ Ngô Thanh Quyền, Trưởng bộ môn tự động hóa Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: “Đây là sản phẩm có tính ứng dụng rất cao và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, giúp giải được bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, để đưa ra được thị trường cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền,vì còn phụ thuộc ở ý thức sử dụng của người dùng”.
Mong sự đồng hành của các cấp chính quyền
Khi thắc mắc về tính an toàn sức khỏe cho người dùng khi sử dụng nhiều cảm biến trên đầu, Khoa khẳng định: “Thiết bị đã được tính toán để giảm thiểu tối đa nguồn điện năng trên mũ. Ngoài ra, mục đích tách thiết bị ra thành 2 mạch chính là để tách các thiết bị có ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tốn điện năng, tốn diện tích ra riêng, nhằm đảm bảo an toàn, nhỏ gọn cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm cam kết đảm bảo được sức khỏe người dùng và nhỏ gọn, hoàn toàn không gây cảm giác vướng hay khó chịu cho người đội mũ”.
“Mục tiêu của em hướng đến là những người muốn bảo vệ tính mạng của họ nhưng khi sử dụng bia rượu lại không thể làm chủ bản thân, thiết bị sẽ đóng vai trò cảnh báo, giúp đỡ. Mục tiêu thứ hai là những đơn vị vận chuyển khách hàng, để các công ty có thể kiểm soát nồng độ cồn trên tài xế của họ nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng”, Khoa nói.
Hiện Khoa đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của người dùng để đưa ra thêm hướng đi mới. Trong suốt 3 năm qua, Khoa đã mang sản phẩm tham gia 5 cuộc thi khác nhau, với mong muốn sẽ được nhiều chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau đóng góp ý kiến giúp Khoa hoàn thiện sản phẩm. Và mới đây, với sản phẩm này, Khoa đã giành được giải nhất cộng đồng và giải ba chung cuộc cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Khoa mong muốn: “Em rất mong được các cấp chính quyền quan tâm để sản phẩm được đưa vào thực tiễn, giúp ích cho nhiều người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.