Qua việc người trẻ mua hàng tích trữ: Xin đừng gây hoang mang cho cộng đồng

08/03/2020 15:09 GMT+7

Qua việc mua hàng tích trữ phòng dịch Covid -19 nhiều bạn trẻ đã lên tiếng về ý thức với cộng đồng của mỗi người. Kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, không hoang mang hay lo sợ.

Sau khi TP. Hà Nội thông báo ca đầu tiên dương tính với virus dịch Covid-19 và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam trong đêm 6.3, từ sáng 7.3, tại các siêu thị, các chợ dân sinh ở Hà Nội và các thành phố khác nhiều người đi mua hàng tích trữ.

Ghi nhận sáng sớm ngày 8.3 tại một siêu thị lớn nằm trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM đã có khá nhiều người dân, đặc biệt là nhiều người trẻ đã mua đồ tích trữ phòng chống dịch Covid-19. Các kệ bán mì tôm trống rỗng, nhân viên siêu thị thêm hàng không kịp tay.

Trước tình hình đó, nhiều bạn đã lên tiếng về ý thức với cộng đồng của mỗi người. Kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, không hoang mang hay lo sợ.

Ông Vương Đình Huệ: “Lo lắng là đúng, nhưng không cần phải tích trữ gì lúc này”

Cần biết đúng sai, đừng hoang mang

Anh Nguyễn Trần Long, 36 tuổi công tác truyền thông tại tòa nhà số 123 võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM,  cho biết: "Tôi thấy mọi người vào các siêu thị, chợ hay trung tâm thương mại để mua đồ tích trữ mà đặc biệt là trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Điều này vô tình cũng góp phần tạo thêm tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Người trẻ tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, tiếp cận được với khoa học, thì đáng lẽ ra phải suy nghĩ thấu đáo, phải biết đâu là đúng sai, đằng này họ cứ ào ào như thể vỡ trận, tôi thấy không hay".

"Tôi thấy cách tốt nhất trong mùa dịch này là cần phải bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang, cẩn trọng trước những thông tin không chính thống, phải tự bảo vệ bản thân mình bằng những biện pháp y tế cần thiết. Qua sự việc cô gái bị nhiễm Covid -19 ở Hà Nội, thì tôi khuyên mọi người hãy sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với cả xã hội, phải trung thực khai báo y tế, phải nghĩ cho cả cộng đồng", anh Long chia sẻ.

Nhiều kệ chứa mì tôm ở siêu thị  trống rỗng

Ảnh: Tấn Đạt

Hàng hóa không thiếu, dân vẫn ra tạp hóa mua mì tôm “phòng hờ” Covid-19

Cần trái tim nóng và cái đầu lạnh

Công tác tại Đoàn Thanh niên TP.HCM, anh Võ Phi Thành Đạt, 20 tuổi cho rằng, hiện nay ngoài công tác chống dịch Covid-19 đang được đẩy mạnh thì bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng đang tăng cường chống các thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Trong đó rộ lên tin đồn và tự tưởng tượng  cảnh sẽ thiếu nguồn cung các sản phẩm lương thực thực phẩm thiết yếu tiêu dùng khi dịch bệnh tiếp tục còn kéo dài. Điều này đã tác động đến lượng cầu tăng đột biến trong  vài ngày hôm nay.

"Về quan điểm cá nhân, mình cho rằng Chính phủ đã có tính toán và lên rất nhiều kịch bản phòng chống dịch trong đó có nội dung đảm bảo nguồn cung trong thị trường. Song mặc khác mình e ngại thêm nếu chúng ta không giữ tâm lý ổn định sẽ gây nhiều suy nghĩ bi quan. Điều này làm giảm đi sức đề kháng trong bối cảnh phòng, tránh dịch Covid-19. Đó là chưa đề cập đến nếu tập trung đổ xô đi mua hàng hoá tích trữ sẽ tạo ra nhiều không gian lây truyền nhiễm hơn (trong trường hợp có người mắc mà không biết). Mặt khác góc độ lớn hơn là sẽ tạo cơ hội cho các gian thương dùng các mánh khoé để trục lợi bất chính khi sức mua trong hoảng loạn", Thành Đạt chia sẻ.

Trong khi đó, Hồ Tuấn Vũ, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết: "Lướt xem trên Facebook thấy các siêu thị ở Đà Lạt cháy các đơn đặt hàng về nhu yếu phẩm như nước lọc đóng chai, mì gói, giấy ăn, dầu gội... mà thấy buồn cho một bộ phận người dân đổ xô mua như thế gây bất ổn thị trường trong nước về cung cầu. Chúng ta cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh, chọn lọc thông tin nào nên xem để có cái nhìn khách quan hơn không chỉ riêng mùa dịch Covid-19 này".

Tuấn Vũ cho rằng người trẻ cần tuyên truyền cho người thân để có cách phòng dịch đúng đắn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tránh ồ ạt mua sắm tích trữ gây bất ổn thị trường, xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.