Những lá thư…
“Mẹ kính yêu. Mẹ ơi con rất nhớ mẹ. Dạo này con hay nằm mơ thấy mẹ. Mẹ cố về sớm nhé. Mẹ phải cố về cho kịp sinh nhật con đấy nhé. Mẹ chắc phải được 6 - 14 điểm A rồi nhỉ. Con nghĩ mẹ thi xong nên về nhà ngay, ở bên đấy lâu chắc chỉ tốn thêm tiền. Con đã được nghỉ hè rồi. Mẹ không viết thư cho con làm con rất buồn. Có hôm con chỉ muốn khóc. Mẹ ơi, ở chỗ mẹ có nóng và mưa nhiều không? Ở đây mưa tầm tã hơn một tuần…”.
Đó là một trong số rất nhiều lá thư mà Nguyễn Đình Nam - kỹ sư hai lần nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt (2011, 2015), viết cho người mẹ khi bà đang học thạc sĩ tại Mỹ.
Lá thư đề ngày 22.5.1994, lúc này anh Nam đang học lớp 7. Bố là giảng viên, mẹ là thủ thư của thư viện Khoa Tiếng nước ngoài, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Năm 1994, mẹ của Nam nhận được học bổng của Viện Harvard-Yenching du học thạc sĩ ở nửa kia bán cầu. Là người sống tình cảm, vốn luôn thân thiết với mẹ, những năm 1990 điện thoại liên lạc khó khăn, nên nỗi nhớ mẹ càng cồn cào. Mỗi lúc đó anh Nam chỉ biết cầm cây bút, gửi gắm nỗi nhớ theo từng con chữ.
“Tháng nào tôi cũng viết gửi mẹ một lá thư, có tháng viết nhiều hơn. Mẹ cũng viết thư gửi lại cho tôi. Mỗi lá thư từ Mỹ về VN mất khoảng 2 tuần, còn chúng tôi gửi mẹ thường phải hơn 4 tuần thư mới tới. Tôi không thể quên, bố thường chở hai anh em ra bưu điện Bờ Hồ trên chiếc xe máy Peugeot ngày ấy để mua tem, gửi những lá thư đó tới mẹ và hồi hộp chờ ngày nhận được hồi âm”, kỹ sư Nguyễn Đình Nam hồi tưởng.
Anh Nam cũng xúc động nói: “Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn còn lưu giữ tất cả những lá thư tôi và em gái gửi cho mẹ trong thời gian bà xa nhà. Mọi thứ để vẹn nguyên trong một chiếc hộp kỷ niệm”.
|
Cảm ơn mẹ vì tất cả
Sau khi học xong thạc sĩ ở Mỹ, mẹ kỹ sư Nam trở về VN, trong 20 năm từ 1997 - 2017 bà là Giám đốc Trung tâm Hoa Kỳ (American Center) thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Mới đây, bà trở lại Mỹ và hiện là thư viện viên tại San Jose (Mỹ). Tiếp tục sống cách xa mẹ nửa vòng trái đất, nhưng nỗi nhớ mẹ bây giờ có thể dễ dàng khỏa lấp hơn nhờ công nghệ. Không cần viết thư, anh Nam vẫn được trò chuyện online với mẹ, thủ thỉ những câu chuyện thường ngày.
Thành công trong sự nghiệp, cũng có tổ ấm nhỏ của riêng mình, kỹ sư Nam càng biết ơn bố mẹ đã cho anh có được ngày hôm nay. Anh bộc bạch trong ngày mà lễ Vu lan đã tới rất gần: “Thật khó để nói về mẹ, tình yêu thương và sự tri ân với mẹ chỉ qua một hai câu. Bố mẹ sinh ra tôi, nuôi dưỡng, cho tôi một nền tảng giáo dục tuyệt vời, tấm gương cha mẹ đã dạy tôi về ý chí, sự cần cù, tận tụy với công việc và sự liêm khiết”.
Trò chuyện với PV Thanh Niên từ nước Mỹ, bà Quản Mai Bình (mẹ của kỹ sư Nguyễn Đình Nam) bồi hồi nhắc tới món quà con trai tặng mẹ trước ngày sang Mỹ năm 1994: “Chiếc cặp tóc nhựa mà Nam chạy ra cửa hàng bách hóa mua cho mẹ đã theo tôi sang Mỹ, mỗi lần ngó tới nó, tôi không thể không cồn cào ruột gan vì nhớ con, nên sau này phải giấu đi thật kỹ. Nhớ thương con quay quắt, nhưng phải gạt hết sang một bên”.
Nói về người con trai của mình, bà bộc bạch: “Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thành đạt và hạnh phúc nhưng là người mẹ thực tế, tôi không bao giờ áp đặt hoặc kỳ vọng quá về con mình, điều đó là sức ép quá lớn đối với một đứa trẻ. Tôi để cho con được tự do sáng tạo, phát triển và đi theo con đường con chọn và mình chỉ luôn ở bên con kể cả khi con thất bại hay thành công để chia sẻ. Đó là tình yêu không đòi đền đáp lại”.
Cách nhà 40 km nhưng vẫn đều đặn viết thư tay
Trần Minh Hằng (28 tuổi, hiện làm nghề tự do) với nhiều vai trò như người dẫn chương trình, thuyết minh phim… ở Hà Nội, có thói quen viết thư tay gửi mẹ từ nhỏ.
Khi Hằng học ĐH và đi làm xa, những lá thư gửi mẹ nhiều hơn và dài hơn. Thường về thăm nhà hai ngày cuối tuần, nhà ở H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ cách nơi Hằng ở trọ tại Hà Nội 40 km, nhưng nhiều năm qua, Hằng luôn chọn cách viết thư tay như một cách để tâm sự cùng mẹ. Những lá thư không gửi qua đường bưu điện, mà có thể để dưới gối, trên bàn… vào buổi sáng trước khi Hằng chạy xe trở lại nơi làm việc, còn mẹ ở nhà có thể bóc ra và đọc. Dù bây giờ công nghệ hiện đại, chẳng khó để viết email hay dùng Facebook, Zalo…, Hằng vẫn thích tâm sự với mẹ qua thư. Đến nay, mẹ của Hằng (bà Nguyễn Thị Thao) đã gần 60 tuổi, vẫn còn cất giữ hầu như nguyên vẹn tất cả những lá thư con gái viết cho mình từ ngày con học ĐH. Lần nào nhớ con, bà Thao mang thư ra đọc cũng đều khóc rưng rức.
|
Bình luận (0)