Nam sinh Nghệ An dựng lán đón sóng 3G học trực tuyến mùa dịch Covid-19

12/04/2020 17:30 GMT+7

Căn lán nhỏ dựng bằng tre nứa, lợp lá cọ được Quang Thế Hà (tỉnh Nghệ An) dựng bên sườn đồi để có sóng điện thoại 3G, là nơi em học trực tuyến trong thời gian nghỉ ở nhà phòng dịch Covid-19 .

Lán học dựng ở nơi trâu, bò cũng không leo được!

Chàng trai người dân tộc Thái Quang Thế Hà hiện là học sinh lớp 10 A10, Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) nằm trong số những học sinh được Đoàn thanh niên nhà trường chia sẻ trên Facebook của trường với sáng kiến dựng lán giữa lưng đồi, tận dụng mạng 3G để học trực tuyến.
Nhờ cô giáo Hà (một giáo viên nhà trường) làm cầu nối và mất gần 1 ngày liên lạc, chúng tôi cũng kết nối được với nam sinh này, khi em đang ở nhà tại bản Cướm, xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
“Sóng điện thoại di động ở bản em phập phù lắm anh ơi, chỉ có mạng 2G mà lúc được lúc không, nên em phải lên đồi tìm nơi có sóng 3G để dựng lán học trực tuyến”, Hà giải thích với chúng tôi qua điện thoại.
hoc-truc-tuyen

Chiếc lán Hà tự dựng bằng tre nứa, mái lợp lá cọ để hứng sóng 3G, là nơi em học trực tuyến

Ảnh Nhân vật cung cấp

Theo lời Hà kể, chiếc lán em ngồi học bài cách nhà ở bản Cướm khoảng hơn 10 phút đi bộ. Để lên tới lán, em phải leo một đoạn đường đồi. Vùng này có sóng điện thoại 3G và Hà cùng chúng bạn đã tìm ra khi chăn trâu bò.
Trời gian chưa học trực tuyến, cô giáo giao bài tập về nhà qua mạng. Mỗi lần làm xong, Hà thường đến khu đồi này để điện thoại kết nối 3G rồi gửi bài cho cô giáo. Nhưng từ khi nhà trường nhắn tin thông báo lịch học trực tuyến, Hà đã nghĩ ngay đến việc phải dựng lán ngay tại đây để học bài.
hoc-truc-tuyen

Lối lên lán của Hà là nơi trâu, bò không leo được

Ảnh Nhân vật cung cấp

“Em bắt đầu dựng lán từ ngày 7.4, hôm ấy là ngày đầu tiên cả lớp học trực tuyến môn văn. Nhưng em phải xin cô nghỉ học rồi tự đi chặt tre, nứa và tìm lá cọ đưa lên đồi dựng lán. Một mình em làm cật lực từ sáng đến chiều muộn thì xong. Muốn lên lán phải leo ngược lên đồi, chỗ ấy trâu, bò không thể leo lên mà phá được”, Hà nói.

Chưa bỏ lỡ buổi học nào

7 giờ 15 phút hàng ngày, lớp bắt đầu vào học trực tuyến, Hà cũng có mặt ở lán, chuẩn bị điện thoại sẵn sàng kết nối 3G và truy cập vào phần mềm học trực tuyến cùng cả lớp.
Cũng theo Hà, mỗi tiết học trực tuyến vẫn đảm bảo thời gian 45 phút, cô giáo giảng bài xong thì giao bài tập rồi hẹn giờ nộp bài, kết nối trở lại với cả lớp để chữa bài trực tiếp. Dù không dễ dàng tiếp thu kiến thức như học tập trung trên lớp, nhưng những buổi học từ xa thế này cũng giúp Hà ôn luyện, củng cố kiến thức cũ và tiếp thu kiến thức mới trong thời gian phải nghỉ học vì dịch Covid-19. Ngoài những tiết học chính, cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt online thăm hỏi học sinh, gia đình ở quê nhà.
“Ngày học ít chỉ có 1 - 2 tiết, ngày nhiều thì 3 - 4 tiết nhưng dù học ít hay nhiều thì em ngồi lại lán cả buổi sáng, không học trực tuyến thì làm bài tập, tận dụng tối đa thời gian có mạng 3G để hoàn thành các bài học, nhiều hôm ngồi học ở lán đến hơn 12 giờ trưa mới xuống đồi để về nhà”, Hà cho biết.
hoc-truc-tuyen

Sau mỗi buổi học, Hà phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà

Ảnh Nhân vật cung cấp

Cũng theo Hà, khi xem ảnh chiếc lán tự dựng để học bài, cô giáo nhắc nhở Hà phải chú ý an toàn, trời mưa thì gửi tin nhắn thông báo, cô sẽ cho nghỉ học. Nhưng nhờ chiếc lán này mà trong tuần đầu tiên học trực tuyến, nam sinh vùng cao này chưa bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào và hoàn thành đầy đủ, đúng tiến độ tất cả bài tập được giao.
Cũng theo Hà chia sẻ, một số khó khăn trong tuần học trực tuyến vừa qua đến từ thời tiết âm u, có mưa, sóng điện thoại yếu và chập chờn, mất kết nối, bài giảng bị gián đoạn. Bên cạnh đó, bản Cướm hiện vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chủ yếu dùng máy phát điện đặt dưới suối, nhà Hà thì có điện năng lượng mặt trời nhưng nhiều ngày không nắng nên điện lúc nào cũng thiếu. Để điện thoại nạp đủ pin cho một buổi học trực tuyến, Hà đi khắp các nhà trong xóm, nhà ai dư điện thì xin sạc pin nhờ.
“Khi khoác ba lô chào bạn bè, thầy cô về quê ăn Tết em không nghĩ kỳ nghỉ này lại dài đến bây giờ, nay cũng chưa biết khi nào được trở lại trường học. Nhà trường tổ chức học trực tuyến, vùng cao chúng em khó khăn, nhất là sóng điện điện thoại yếu, nhưng em cũng sẽ cố gắng để tham gia các buổi học”, Hà nói.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo, vượt khó học tập

Trao đổi với Thanh Niên, cô giáo Trần Thị Thanh Huệ, Trưởng phòng Công tác học sinh, an ninh, Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, cho biết khi bắt đầu nghỉ học do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà trường yêu cầu giáo viên giao bài tập hàng ngày, gửi qua mạng cho học sinh làm để kiểm tra và hệ thống kiến thức. Ở giai đoạn thứ hai, nhà trường gửi bài giảng online và giao bài tập theo các bài giảng.
Hiện nay, các giáo viên được tập huấn sử dụng phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, lịch học phân theo thời khoá biểu như học tập trung, thầy cô theo lịch đó để lên mạng giảng bài. Qua theo dõi, lớp nào ít thì còn 1 - 2 em, lớp nhiều có đến 5 - 6 em không thể tham gia học trực tuyến. Nhóm này là những học sinh người dân tộc thiểu số, nhà ở khu vực không có sóng điện thoại để kết nối internet.
“Khó nhất ở vùng cao không đảm bảo điều kiện học trực tuyến, nhưng sáng kiến, quyết tâm dựng lán để học tập như em Quang Thế Hà đã góp phần lan tỏa tinh thần sáng tạo, quyết tâm vượt khó vươn lên trong học tập cho nhiều em học sinh khác”, cô Huệ nói.
.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.