Trong cuộc sống lẫn công việc, kỹ sư phần mềm Nguyễn Hoàng Giang luôn nỗ lực tìm cách vượt qua mọi khó khăn và cho thế giới thấy rằng nhiều người như anh chỉ muốn được tự do khám phá những điều mình thích. Chàng trai 23 tuổi đến từ TP.HCM đã trúng tuyển sang Singapore làm việc cho Grab hồi tháng 2.2017. Mặc dù bị khiếm thị từ nhỏ song Hoàng Giang cho biết anh là người “rất thực tế” và “không thật sự quan tâm” về khiếm khuyết của mình.
“Tôi biết ngồi đó mong ước điều này điều kia chẳng giải quyết được gì. Tôi cứ cố gắng làm cho tốt mọi việc mỗi ngày, hôm nay phải tốt hơn hôm qua”, Giang bộc bạch.
Chinh phục thử thách
Chính thái độ tích cực đó giúp Giang xuất sắc vượt qua vòng kiểm tra trên mạng và 3 vòng phỏng vấn kỹ thuật trực tiếp bằng tiếng Anh để nhận được lời mời sang Singapore làm việc, trở thành lập trình viên khiếm thị đầu tiên của Grab tại nước này và khu vực Đông Nam Á.
“Anh ấy còn là lập trình viên khiếm thị đầu tiên tại Singapore nữa”, ông Ken Chua, Giám đốc These Ability - một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật ở Singapore, nói với Đài Channel NewsAsia. Vượt qua 400 ứng viên khác, Giang là một trong 8 người được tuyển vào Grab trong đợt tuyển dụng của anh.
|
Công việc hằng ngày của Hoàng Giang là hỗ trợ phát triển một số tính năng cho ứng dụng Grab, chỉnh sửa giao diện cho thân thiện hơn với người dùng khiếm thị như anh. Đối với Giang, công việc này không quá phức tạp. Anh thừa nhận có nhiều khó khăn khi làm việc tại Singapore, nơi có nhiều người tài giỏi song anh không quá nao núng. Khó khăn anh gặp phải trong công việc chỉ là xử lý giao diện, màu sắc nhưng thường thì mọi người trong nhóm giúp anh khá tận tình.
Tự tin nơi xứ người
Kể từ khi bắt đầu làm việc hồi tháng 2, Giang được công ty hỗ trợ trong việc sinh hoạt ở văn phòng bằng cách dán các số chữ nổi cạnh nút bấm thang máy, dán tên thức uống cạnh các nút trên máy pha cà phê và dán tên Giang lên bàn làm việc cho anh dễ tìm.
Một mình sống và làm việc tại Singapore, Giang nhanh chóng thích nghi với cuộc sống nơi đây. Giang cho biết anh thuê nhà ở và thường tự đi làm bằng xe buýt, tàu điện ngầm hoặc Grab. Anh thấy có cảm giác an toàn hơn khi đi ngoài đường phố và người dân nước này cũng rất thân thiện. Chẳng hạn, các bác tài xế xe buýt sẽ thông báo cho Giang khi xe đến nơi anh cần xuống.
Có một điều Giang không thích là anh hay bị người khác cho tiền giữa đường và trả tiền ăn khi anh mua thức ăn ở quán, ngay cả khi anh đã từ chối. “Tôi muốn được đối xử bình đẳng như bao người bình thường khác vì tôi vẫn làm việc mà”, Giang nói. Thậm chí một số người bạn của anh cũng đề nghị trả tiền ăn cho Giang, song anh luôn từ chối.
Bản thân Giang nghĩ rằng không chỉ người khiếm thị mà cả những người khuyết tật khác “đều có quyền tự lập”. “Dĩ nhiên họ cần giúp đỡ bởi vì khiếm khuyết của họ, song họ cũng cần được tự lập, làm những điều mình thích”, Giang nhấn mạnh. Anh cũng nhắn nhủ các bạn khiếm thị mạnh dạn thử sức mình khi có cơ hội và bớt tự ti.
tin liên quan
Chàng kỹ sư ô tô thành tỉ phú cam Canh, bưởi DiễnHoàng Hữu Quốc, tỉ phú 36 tuổi (thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) tốt nghiệp Đại học bách khoa, chủ một tiệm phụ tùng ô tô phát đạt tại Hà Nội nhưng anh quyết định về quê trồng cam, nuôi cá…
Bình luận (0)