Đánh giá tác động của mạng xã hội đối với nhận thức về dịch Covid-19
Khi dịch Covid-19 bùng nổ ở Đức, Huỳnh Lưu Đức Toàn (30 tuổi),
giảng viên khoa Ngân hàng, Trường ĐH kinh tế TP.HCM, hiện đang là
nghiên cứu sinh ngành kinh tế học hành vi, Trường Quản lý Otto Beisheim, quyết định trở về nước và được cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Diên Khánh (Khánh Hòa) ngày 15.3. Sau khi xét nghiệm ban đầu có kết quả âm tính, Toàn được chuyển sang
cách ly tại Trường
Quân sự tỉnh Khánh Hòa.
Đức Toàn (trái) và người bạn chung phòng cách ly đến từ Nga
Toàn cho biết mình không muốn lãng phí toàn bộ thời gian vào việc ăn, ngủ hoặc lên mạng, nên vừa thực hiện nghiêm túc việc cách ly, Toàn vừa bắt tay vào nghiên cứu về vấn đề
thời sự nóng bỏng đang thách thức toàn cầu:
dịch Covid-19. Nghiên cứu này của Toàn được tài trợ bởi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đề cập tới vai trò của các yếu tố kinh tế xã hội và việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đối với nhận thức rủi ro của người dân về Covid-19 tại Việt Nam.
Toàn chia sẻ: "Nghiên cứu của em dựa trên việc khảo sát 391 người ở lứa tuổi từ 15 đến 47 thông qua bảng câu hỏi điện tử. Những vấn đề mà bảng khảo sát muốn hướng đến là người sử dụng
mạng xã hội đánh giá mức độ rủi ro của virus Covid-19 đến sức khỏe như thế nào, việc nhận biết các thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin đồn thất thiệt (được định nghĩa là chưa được xác nhận từ Bộ Y tế hoặc tổ chức y tế thế giới WHO) trên mạng xã hội ra sao...".
Từ khảo sát này, Toàn nhận thấy tại TP.HCM, nhận thức về rủi ro do từ dịch Covid-19 cao hơn các địa phương khác. Lý do vì tại thời điểm khảo sát, TP.HCM công bố thông 2 cha con nhiễm
virus Corona chủng mới đến từ Vũ Hán được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vấn đề tiếp theo Toàn kết luận là mạng xã hội có tác động "cùng chiều" đối với nhận thức về rủi ro của người dân về dịch Covid-19. Theo đó, những người thường xuyên sử dụng mạng có nhận thức cao hơn, phản ứng nhanh hơn về rủi ro của dịch Covid-19 so với những người ít hoặc không đọc tin tức thường xuyên. Tuy nhiên, lượng thông tin quá lớn và việc sử dụng quá mức các phương tiện truyền thông đại chúng về Covid-19 lại có thể góp phần khiến một số người phản ứng thái quá, hoặc gia tăng sự sợ hãi cũng như cảm giác bi quan.
Mong người dân có nhận thức đúng về dịch Covid-19
Toàn nhìn nhận: "Trong thời điểm thông tin về dịch Covid-19 gần như 'chiếm sóng' toàn bộ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, rất nhiều người cho rằng lượng
tin giả, tin sai có tỷ lệ tới 7/10. Đặc biệt, tại tỉnh có bệnh nhân dương tính với Covid-19, thì thái độ đúng đắn về dịch Covid-19 trên mạng xã hội sẽ có khả năng làm giảm nỗi sợ hãi và hoảng loạn của mọi người. Điều này đòi hỏi các hành động khẩn cấp từ cả Chính phủ và toàn xã hội. Hiểu được các yếu tố quyết định nhận thức rủi ro trong dân chúng là rất quan trọng, từ đó có cách thức phổ biến thông tin một cách phù hợp, nhằm giúp người dân tin tưởng, có nhận thức đúng và chính xác về dịch để không chủ quan và cũng không hoang mang, sợ hãi".
Đức Toàn trong một hội thảo quốc tế
Bài báo được đăng trên tạp chí Economics Bulletin (Tạp chí khoa học có tên dịch tiếng Việt là Bản tin Kinh tế xuất bản lần đầu năm 2001 do giáo sư John P. Conley tại ĐH Vanderbilt làm tổng biên tập), nằm trong danh mục tạp chí quốc tế SCOPUS Q3. Theo Toàn, tạp chí này cung cấp thông tin khoa học miễn phí và cực kỳ nhanh chóng trên toàn bộ cộng đồng các nhà nghiên cứu kinh tế. Trước khi đăng, bài báo của Toàn được phản biện kín bởi một nhà khoa học, biên tập viên phụ trách là giáo sư Stéphane Mussard (Đại học Nîmes, Pháp) và Tổng biên tập. Dữ liệu nghiên cứu của Toàn sẽ được công bố rộng rãi để các nhà khoa học từ nhiều nước có thể so sánh, đối chiếu và tìm hiểu kinh nghiệm từ Việt Nam.
Hiện tại Toàn vẫn tiếp tục nghiên cứu các dự án tiếp theo về Covid-19 trên lĩnh vực chuyên môn của mình như: Làm sao để người dân Việt Nam chủ động đeo khẩu trang nơi công cộng? Làm cách nào để người dân Việt Nam tự nguyện khai báo y tế hằng ngày thông qua ứng dụng trên điện thoại? Làm sao để thúc đẩy những hành vi phòng chống dịch: rửa tay, hạn chế ra đường và giữ khoảng cách 2 mét? Những câu hỏi này đều là lĩnh vực chuyên môn kinh tế học hành vi của Toàn đang nghiên cứu tại CHLB Đức. Bên cạnh đó, gần đây nhất, Toàn còn nằm trong nhóm tình nguyện viên nghiên cứu của 10 trường ĐH hàng đầu thế giới (như Harvard, Oxford, Princeton...) trong thu thập dữ liệu hành vi chống lại dịch Covid-19.
Có được kết quả này, Toàn cho biết mình rất cảm ơn các bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khoẻ, các anh bộ đội, hậu cần tại Trường Quân sự tỉnh Khánh Hòa đã cung cấp mọi điều kiện tốt nhất để Toàn có thể nghiên cứu. "Cuối cùng em chỉ muốn chia sẻ thêm một thông điệp: Cảm ơn thời gian cách ly đã cho em có thể bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước dịch Covid-19. Nhờ đó em có được khoảng lặng trong suy nghĩ để tiếp tục cố gắng nghiên cứu và dù là làm một việc nhỏ nhất, đóng góp một hạt cát bé nhỏ trong công tác phòng chống dịch cũng là một điều may mắn hơn là suy nghĩ tiêu cực trong giai đoạn này", Toàn bày tỏ.
Bình luận (0)