Người trẻ 'giải cứu' nạn nhân bị vướng vào app cho vay nặng lãi

10/06/2020 07:48 GMT+7

Hỗ trợ tư vấn tâm lý, giúp đỡ từng thùng mì, hộp sữa… là cách mà nhiều người trẻ 'giải cứu' các nạn nhân bị vướng vào app cho vay nặng lãi.

Sau khi loạt bài về vay qua app với lãi suất “cắt cổ” được Báo Thanh Niên đăng tải, nhiều bạn trẻ đã kêu gọi các nạn nhân làm hồ sơ, đem bằng chứng đến công an.
Ngồi tại một quán cà phê gần trụ sở Công an TP.HCM, anh N.T.T, 28 tuổi, giáo viên một trường THCS tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), tất bật hướng dẫn các nạn nhân bị vướng phải app cho vay nặng lãi làm hồ sơ tố cáo, tập hợp các chứng cứ trong thời gian qua.
“Tụi mình thường chọn những nơi gần các trụ sở công an, hoặc có anh chị phóng viên, như thế độ an toàn sẽ cao hơn và sẽ được bảo vệ nếu có chuyện xảy ra”, anh N.T.T mở lời.
Anh N.T.T chia sẻ trong thời gian qua thật sự rất cảm ơn Báo Thanh Niên đã có loạt bài điều tra phản ánh Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app, nhờ vậy mà mọi người mới dám đứng lên tố cáo.
Trước đây anh N.T.T là nạn nhân bị vướng vào app cho vay nặng lãi, cũng đã từng đi vay nhiều “đầu” để trả nợ nhưng “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến anh không trả được, thế là “bùng” app… Hình ảnh của anh ngày nào cũng xuất hiện trên các trang mạng xã hội với lời bêu riếu là một người đang trốn nợ. Thấu hiểu những nhục nhã đó, anh quyết định thành lập nhóm để trấn an tâm lý cho những người bị vướng phải app cho vay nặng lãi.
“Mình chỉ cho họ những cách trấn an gia đình để không bị ảnh hưởng về tâm lý nhưng tuyệt đối không trả tiền app, không vay ở đâu nữa. Nếu ai tiếp tục “ngựa quen đường cũ” thì tụi mình không giúp đâu”, anh N.T.T nói.
Mở ứng dụng Messenger, anh N.T.T bảo: “Một ngày biết bao nhiêu tin nhắn cầu cứu: “Anh ơi, em phải làm như thế nào” đó là nhẹ nhất, nặng nhất là đòi tự tử. Nói chung mọi người đều có hoàn cảnh như nhau”.
Được biết, nhóm thành lập từ cuối tháng 4 gồm 3 thành viên chính nhưng đến tháng 5 mới hoạt động mạnh, kiên quyết “xóa sổ” các app cho vay nặng lãi.
Giống như anh N.T.T, chị N.U, 29 tuổi, trú tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), không chỉ giúp trấn an những bạn trẻ bị vướng vào app cho vay nặng lãi mà còn cho từng thùng mì, hộp sữa…
Vẫn nhớ như in, chị N.U kể: “Nhớ nhất là trường hợp có một anh nhắn tin “Mình không biết nương tựa vào đâu khi trong túi chỉ còn 3.000 đồng, đi mượn tiền mà không ai cho mượn, chủ nhà trọ thì đuổi đi”. Lúc đó mình phải đặt một chiếc xe ôm công nghệ cùng bạn này ra Bến xe Miền Đông rồi mua vé xe 400.000 đồng, còn dúi vào tay 200.000 đồng kèm theo lời nói “anh về quê làm lại cuộc đời đi’”.
Thời gian này, những tin nhắn cầu cứu đến với chị N.U ngày càng nhiều. Chị N.U tâm sự: “Nhiều khi không biết người ta là ai, có bạn gọi điện khóc rồi nói giờ em không biết làm gì, con em thì còn nhỏ… Mình thương nhưng tiền thì không thể chuyển cho mọi người, đành gửi vài thùng mì, trứng, sữa...”.
“Các bạn bị app khủng bố dường như bị bạn bè, người nhà xa lánh, có thể mất việc, vợ chồng bỏ nhau. Những người có gia đình ở TP.HCM còn nơi để ở, cái để ăn. Còn mấy bạn sinh viên xa nhà thì lấy cái gì mà sống! Thôi thì trong khả năng của mình, giúp được cái nào hay cái đó”, chị N.U trải lòng.
“Ở giai đoạn đầu, các bạn phải chấp nhận khó khăn, mình không bao giờ chuyển tiền cho các bạn mà chỉ giúp tư vấn tâm lý, mua thức ăn, chống đói qua ngày. Vì mục đích giúp đỡ của mình là mong muốn các bạn thoát khỏi app, tìm công việc khác làm ăn”, chị N.U nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.