Người trẻ nghĩ gì về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?

18/06/2021 20:15 GMT+7

Các bạn trẻ cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ban hành ngày 17.6 là cần thiết nhằm đảm bảo không gian mạng văn minh.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17.6, áp dụng đối với ba nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Là đối tượng đông đảo nhất sử dụng mạng xã hội, các bạn trẻ cho biết việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là điều cần thiết.

Giúp mọi người dùng mạng xã hội theo chuẩn mực 

Trần Thị Hoài Thắm, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng mạng xã hội hiện nay rất phổ biến và được sử dụng như một công cụ, chi phối rất lớn đến đời sống của người dùng nên cần phải có Bộ quy tắc ứng xử.
“Việc lạm dụng mạng xã hội, dùng mạng xã hội sai cách có thể dẫn tới nhiều vấn đề tiêu cực. Tôi hy vọng Bộ quy tắc sẽ giúp mọi người nắm rõ hơn về cách dùng mạng xã hội theo chuẩn mực nhất định và sử dụng có mục đích, có ý nghĩa hơn trong cuộc sống mỗi ngày”, Hoài Thắm nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Hoài Thắm nghĩ rằng Bộ quy tắc cũng có thể gây ra tâm lý không thoải mái, gò bó cho nhiều người dùng mạng xã hội.
Trong khi đó, Châu Thúy Truyền (22 tuổi), ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM, nhận thấy Bộ quy tắc giúp mỗi người sử dụng mạng xã hội có hành vi ứng xử phù hợp, tạo ra một không gian mạng văn minh hơn.
“Bên cạnh đó, nó còn giúp cho người sử dụng mạng xã hội được bảo mật hơn những thông tin cá nhân, tránh bị giả mạo hoặc lợi dụng vào mục đích xấu”, Thúy Truyền chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, Nguyễn Tấn Lộc (19 tuổi), nhân viên khách sạn tại tỉnh Đồng Tháp, nói: “Tôi thấy đây như là một “bộ lọc” giúp kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội, ngăn chặn hành vi cố tình tung tin đồn thất thiệt, thông tin giả mạo gây hoang mang, ảnh hưởng đến mọi người”.

Nhan nhãn những hội nhóm 'anti', bình luận tiêu cực trên mạng xã hội

Ảnh chụp màn hình

Giảm nội dung không phù hợp với độ tuổi học sinh trên mạng xã hội

Anh Thái Đình Lãm, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường, trị liệu tâm lý và giảng dạy kỹ năng sống tại Trung tâm kỹ năng sống Rồng Việt (TP.HCM), cho rằng hiện nay mạng xã hội được rất nhiều người sử dụng, nhất là đối tượng học sinh - sinh viên.
“Có không ít những bạn trẻ phát ngôn, bình luận cũng như chia sẻ những nội dung hoặc ngôn từ chưa chuẩn mực, thiếu văn minh trên mạng xã hội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, thậm chí ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người xung quanh”, anh Lãm nhận xét.
Do đó, anh Lãm đánh giá Bộ quy tắc ứng xử ra đời trong giai đoạn này là rất cần thiết, giúp các bạn trẻ biết được chừng mực và giới hạn của mình trên mạng xã hội.
“Bộ quy tắc ứng xử giúp tạo thói quen suy nghĩ, đắn đo trước khi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ một điều gì đó trên mạng, để không làm tổn thương đến mình và những bạn khác khi tham gia mạng xã hội”, anh Đình Lãm nói.
Theo anh Đình Lãm, Bộ quy tắc ứng xử cũng giúp làm giảm thiểu nội dung không phù hợp với độ tuổi học sinh trên mạng xã hội; phòng chống bạo lực ngôn từ, hay bạo lực học đường xuất phát từ bất đồng ý kiến trên không gian mạng và giảm thiểu tình trạng bắt nạt trên mạng.
“Nếu được áp dụng đúng cách thì Bộ quy tắc ứng xử sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực về mặt nhận thức, hành vi và cách ứng xử của mọi người, nhất là bạn trẻ ở độ tuổi học sinh - sinh viên, hướng tới xây dựng không gian mạng lành mạnh, văn minh”, anh Đình Lãm nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.