Người trẻ thành thị đi tìm… tết

01/02/2019 08:16 GMT+7

Không có phiên chợ dưới gốc đa già nơi cổng làng, không có xao xác tiếng gà gáy ban trưa một ngày cuối năm khi mà cái tết đã cận kề, tết thành thị có những đặc trưng riêng.

Tết theo cách của riêng mình

Nhiều ý kiến cho rằng, tết bây giờ nhạt hơn ngày xưa. Nhưng với nhiều người trẻ, họ vẫn tự mình đi tìm một cái tết đậm đà theo cách của riêng mình.
Bắt đầu cho các lớp học tại trung tâm ngoại ngữ của mình ở chung cư Green Bay Garden, đường Hoàng Quốc Việt, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh nghỉ từ ngày 25 tháng chạp, chị Trương Mai Hạnh, 28 tuổi và chồng cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua một số thực phẩm tại siêu thị gần nhà, mua hoa đào và hoa tươi trang trí nhà cửa, lên kế hoạch sẽ thăm gia đình hai bên nội ngoại trong 3 ngày tết. Ngày mùng 10 tháng giêng, các lớp học bắt đầu khai xuân nên vợ chồng anh chị Hạnh có thời gian để đi du lịch Sa Pa (Lào Cai) vài ngày, lấy tinh thần cho một năm làm việc mới.
“Đã là bà mẹ một con nhưng tôi vẫn háo hức chờ tết giống như ngày mình thơ bé. Tôi thích cái cảm giác ngủ dậy trễ một chút, tỉnh giấc thấy cái lạnh bên ngoài, ngửi mùi nhang trầm thơm dìu dịu, ngồi thảnh thơi pha một ấm trà, cắn chút hạt dưa, mứt bí, cùng chồng con nói những chuyện vui. Tết bây giờ không còn ai coi trọng phải mâm cao cỗ đầy, quan trọng là nấu một hai món ngon, cả nhà ai cũng thích rồi ngồi ăn với nhau, không vội vội vàng vàng lo trễ giờ làm như những ngày trong năm”.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, 35 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần du lịch Sao Hạ Long, Quảng Ninh cho hay những ngày trước tết là có không khí hơn cả, nhiều năm qua anh và con trai luôn “giành” việc đi vào làng hoa tại huyện Hoành Bồ cách nhà 20 km để có thể tự tay chọn lựa những chậu cúc, lay ơn đẹp nhất cho tết.
“Vợ và mẹ tôi ở nhà vo gạo và đỗ xanh, chuẩn bị gói bánh chưng. Nhiều nhà trong khu phố tôi chung tiền mua đủ nguyên liệu để cùng luộc một nồi bánh chưng cho có không khí, để trẻ con biết được mùi vị tết”, anh Cường nói.
Chị Bích dạy con làm vườn, thu hoạch rau ngày tết Thúy Hằng

Đừng để mệt vì tết

Với chị Đỗ Ngọc Bích, 28 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư truyền thông & thương hiệu IMI Hạ Long, tết thành thị với những người làm công chức như chị vô cùng bận rộn, gấp gáp, đặc biệt lúc trước tết. Đa số mọi người trong nhà chị đều làm đến 27 tết mới được nghỉ, chỉ có 3 ngày 28, 29, 30 để dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị các món ăn. Mùng 4, 5 là coi như hết tết, chuẩn bị quay lại guồng công việc, chưa kể có khi phải trực tết, xử lý sự cố phát sinh xuyên kỳ nghỉ.
“Có những năm, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở thành thị, nhắc đến tết thì chỉ thấy mệt mỏi, nhiều người còn kêu tết nhạt hơn ngày xưa. Tôi phải mất một thời gian mới hiểu được nguyên nhân vì sao tết 'mệt' đến thế, bởi mình không vui tết, không cảm nhận cảm giác sum họp mà chỉ thấy âu lo: lo tiền sắm sửa, lo biếu xén chúc mừng người này người kia, lo tiền mừng tuổi ít quá sẽ bị chê, tiền cho người này người kia không đủ xông xênh, lo di chuyển đi thăm hết nhà này tới nhà khác… Tôi dần nhận ra, những cái đó ngày càng xa rời ý nghĩa thật của ngày tết. Nếu mình càng đầu tư thời gian tiền bạc công sức vào đó thì mình càng khó tận hưởng cái tết thực sự”, chị Bích nói.

Do đó, hai năm trở lại đây, gia đình chị Bích cân nhắc, điều chỉnh dần những thứ ưu tiên, thực sự cần cho tết, cảm nhận thấy tết thật sự là niềm vui. Ví dụ, chị không mua sắm quá nhiều quần áo hay đồ ăn, đồ trang trí không cần thiết. Tránh lãng phí do đồ ăn hỏng, dư thừa; tránh những món đồ dùng một mùa rồi bỏ; không chúc tết những mối quan hệ xã giao mà mình không có quan hệ tình cảm, công việc thật sự gần gũi; không đặt nặng giá trị lì xì, để nó đúng nghĩa là tiền chúc may mắn tượng trưng.
Chị Bích bộc bạch: “Chúng tôi lo tết cho gia đình làm theo sức của chính mình, không cố chạy đua theo nhà người khác, quan trọng nhất là mọi người có thời gian bên nhau. Khi bỏ được những việc không thiết yếu thì mới có thời gian cho gia đình. Tôi có con nhỏ và hiểu rằng, không phải cứ sắm sửa đắt đỏ cho con mới là tết, thay vào đó, hãy nghĩ đây là dịp tốt để cùng con chia sẻ việc nhà, học cách yêu thương bằng hành động, yêu lao động... Tết khi đó đúng nghĩa là dịp sum họp, là ngày của gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.