Mở đầu chương trình, PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, giải thích cho bạn trẻ những khái niệm đang được quan tâm như bụi - yếu tố chính trong vấn nạn ô nhiễm không khí hiện nay. Theo đó, những hạt bụi càng có kích thước nhỏ thì sự nguy hại cho sức khỏe càng lớn, càng có khả năng xâm nhập vào cơ thể.
Còn TS Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn sức khỏe môi trường, Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bụi mịn với kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập qua đường hô hấp, xâm nhập vào phổi, tới phế nang, các mạch máu, do đó gây những tác động như khò khè, khó thở, viêm mũi, viêm xoang, nhức đầu, đặc biệt với người bị hen suyễn, tắc nghẽn đường hô hấp thì hệ lụy còn nặng hơn...
Ông Đăng cũng cho biết theo WHO, ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Đặc biệt, ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
TS Đăng cũng khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng cần phải lưu tâm bởi nếu tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm không khí thì lớn lên, chức năng phổi không bình thường, về lâu dài gây nhiều bệnh mãn tính.
Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng cho rằng trước việc ô nhiễm không khí, mọi người có thể tự bảo vệ mình như sử dụng khẩu trang đúng chuẩn, mua máy lọc không khí, hoặc hạn chế ra đường, đóng cửa phòng. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp tạm thời, bởi kể cả khi đóng kín cửa thì bụi mịn vẫn có thể xâm nhập.
“Lâu dài, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi từ chính thói quen của chúng ta, để cải thiện tình trạng không khí. Thay vì đi phương tiện cá nhân, các bạn trẻ hãy đi xe buýt, đạp xe vào ngày đẹp trời; nếu ở nhà mặt đất, hãy trồng thêm nhiều cây xanh, hãy dùng năng lượng tái tạo, ví dụ máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời”, chị Hồng nói.
Bình luận (0)