Nhiều người ngơ ngác với phân loại rác

23/11/2018 15:44 GMT+7

Phân loại rác tại nguồn quá quen thuộc với nhiều quốc gia nhưng lại xa lạ với nhiều người tại Việt Nam. Đó là lý do chúng ta vẫn thấy những thùng rác ngập ngụa đủ rác hữu cơ lẫn trong vật liệu có thể tái chế…

Mới đây, UBND TP.HCM đã ra quyết định số 44/2018 QĐ-UBND, ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM, có hiệu lực từ ngày mai, 24.11.2018.
Tuy nhiên, cho đến sáng nay 23.11, trên nhiều tuyến đường, con hẻm trong thành phố, rác vẫn bị xả bừa bãi, thậm chí ngay ở chân các thùng rác được treo ngay ngắn, người ta vẫn xả rác ngổn ngang. Khi nghe chúng tôi hỏi về “phân loại rác”, nhiều người dân vẫn ngơ ngác cho hay không biết có quy định này và liệt kê ra đủ lý do không thể phân loại rác tại nguồn…
Trong con hẻm 207 đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM, rác được các hộ gia đình cho chung vào đủ các bịch, vứt lẫn lộn thức ăn thừa, chai lọ nhựa có thể tái chế. Một phụ nữ bán hủ tiếu gõ cho biết: “Tôi chưa được nghe phổ biến về quy định phân loại rác tại nguồn, lâu nay vẫn cho chung vào các bịch rồi để trước nhà, để nhân viên tới gom rác mang đi thôi. Tôi có nghe đâu đó người ta nói cần phân loại rác, nhưng chưa biết cách làm như thế nào”.
Rác vất ngay dưới gốc cây trước nhà, người dân vẫn ngơ ngác chưa biết quy định 'phân loại rác' Thúy Hằng
Trên các tuyến đường tại TP.HCM như: 3 Tháng 2 (quận 10), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lê Hồng Phong, An Dương Vương (quận 5), Tạ Quang Bửu (quận 8)… các bịch rác vẫn ngổn ngang trên lề đường, thậm chí ngay dưới chân các thùng rác. Nhiều tuyến đường, có phân bổ các loại thùng rác 2 ngăn với hai màu khác nhau là chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại, tuy nhiên người dân vẫn vô tư không đọc chữ và vứt lẫn lộn các loại rác.
Trịnh Huy Anh, 27 tuổi, trú đường Lê Quang Kim, phường 9, quận 8 cho biết: “Nhân viên gom rác làm việc rất độc hại, vất vả nhưng thu nhập không cao, tận mắt tôi chứng kiến họ bới trong những bịch chất thải của mọi người vứt ra đâu là chai nhựa, đâu là thức ăn thừa, đâu là tã giấy trẻ em... Trước giờ nhà tôi vẫn để riêng một bịch là chai lọ nhựa, bịch kia là rác thải có thể tiêu hủy, thức ăn thừa, bịch còn lại là túi bóng, hộp xốp. Mỗi lần nhân viên gom rác đến nhà, cảm thấy họ nhàn đi một chút, mình cũng vui một chút”.
Đường 3 Tháng 2, trước khách sạn Kỳ Hòa, đằng sau thùng rác có 2 ngăn: rác có thể phân hủy và rác còn lại, người ta vẫn ném rác ra ngoài Thúy Hằng
Chị Lê Thị Hiền, 29 tuổi, trú hẻm 247A đường Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận cho biết cách đây một tuần lễ đã nhận được thông báo của khu phố hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn, đồng thời được tặng một số túi với các màu sắc khác nhau để chứa rác.
Chị Hiền cho hay mọi gia đình trong hẻm của chị chấp hành rất tốt, đường đi sạch hơn, người đến gom rác cũng nhanh chóng hơn. “Việc phân loại rác tại nguồn đã được các nước trên thế giới đi trước mình rất nhiều rồi. Việt Nam cũng nhiều lần nói về phân loại rác nhưng chưa làm mạnh tay và đồng bộ, phân loại rác tại nguồn nhưng lúc thu gom lại tập thể hoặc ngược lại. Tôi hy vọng với quyết định mới đây của UBND thành phố sẽ giúp chúng ta chấp hành nghiêm túc, thành phố sạch đẹp văn minh hơn”.
Chị Bùi Thị Thủy, 27 tuổi, người tiên phong trong việc xây dựng ‘Xã không rác’ tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định cho biết đến nay, sau gần 1 năm triển khai nhận thức của người dân Thọ Nghiệp về phân loại rác tại nguồn, tái chế và xử lý rác đúng cách đã nâng lên rõ rệt. Mới đây, chị Thủy trở lại TP.HCM công tác, chị đã tham gia nhiều chuyến nhặt rác tại các địa điểm công cộng của thành phố như bến xe, công viên...
Chị Thủy chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Tôi ủng hộ quy định của thành phố về phân loại rác tại nguồn và tin đây là một cách làm khả thi. Như tại thành phố Hội An, Quảng Nam tôi đã ở đó một thời gian, người dân tuân thủ phân loại rác, rất hiệu quả. Tôi muốn thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông tới từng hộ gia đình, để họ biết cách phân loại rác đúng cách, hiểu được lợi ích của phân loại rác tại nguồn...”.
Theo quyết định số 44/2018 QĐ-UBND những hộ gia đình, chủ nguồn thải không phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải, sau khi đã nhắc nhở nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý theo quy định.
Tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định (trừ khu vực chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt).
Chất thải rắn được phân loại như sau: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, chủ nguồn thải được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ. Sử dụng các loại túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại.
Bạn đọc có thể tìm hiểu cụ thể về Quyết định số 44/2018 QĐ-UBND tại đây.
Nguồn: Công báo Thành phố Hồ Chí Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.