Những 'chiến binh' hộ tống... sữa mẹ

17/12/2019 07:44 GMT+7

Cứ hễ có thông tin hiến sữa từ các bà mẹ trẻ là những 'chiến binh sữa mẹ' lại lên đường. Họ đi nhận rồi hộ tống những giọt sữa quý giá về ngân hàng sữa mẹ , phục vụ các bệnh nhi sơ sinh và trẻ sinh non.

Những “chiến binh” là những người tình nguyện đi nhận sữa mẹ khắp nơi về ngân hàng sữa mẹ, phục vụ nhu cầu sữa mẹ cho các bệnh nhi sơ sinh, trẻ sinh non. Họ đều là các y bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng - nơi có ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam và là 1 trong 4 bệnh viện tại Việt Nam đạt danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, do Bộ Y tế công nhận.

Vượt 60 cây số để nhận sữa mẹ

Mới sáng sớm, các thành viên đội tình nguyện ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã nhận tin nhắn thông báo có bà mẹ hiến sữa.
Tên người hiến đã quá quen thuộc với đội, đó là chị Hồ Mẫn Liên (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, Đà Nẵng), một mẹ đã hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ từ khi sinh đứa con đầu lòng vào năm 2018. Đến tháng 6 vừa qua, khi sinh con thứ 2, mẹ Liên lại tiếp tục hiến sữa cho ngân hàng.
Từ ngân hàng sữa mẹ, chị Lê Thị Thanh Hương - tình nguyện viên, lên đường đi lấy sữa với gần 16 cây số cả đi và về. “Mẹ Liên thuộc nhóm các mẹ hiến sữa nhiều cho ngân hàng với tổng lượng sữa hiến tặng qua 2 lần sinh là gần 70 lít. Đó thực sự là món quà quý giá, tăng cường đề kháng đối với các bệnh nhi sơ sinh”, chị Hương cho biết.
Ngay khi chị Hương vừa đi thì có một cuộc gọi khác đến ngân hàng sữa mẹ: mẹ VIP Bùi Thị Thúy Lan (TP.Hội An, Quảng Nam). Một “chiến binh sữa mẹ” khác là điều dưỡng Trương Thị Khánh Ly tình nguyện dành hơn 1 giờ đồng hồ nghỉ trưa để đi và về hơn 60 cây số, nhận hàng chục túi sữa từ mẹ Lan. Đến đầu giờ chiều thì sữa “cập bến” tại phòng tiệt trùng ngân hàng sữa mẹ.

Tình nguyện viên Khánh Ly (bìa phải) nhận sữa từ bà mẹ trẻ Thúy Lan hiến tặng

Khánh Ly cho biết mẹ Lan là mẹ VIP của danh sách gần 400 bà mẹ đã và đang hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ. Mẹ Lan cũng là nhóm các mẹ hiến sữa kỷ lục cho ngân hàng với tổng lượng sữa hiến tặng lên đến 105 lít trong gần 7 tháng sau khi sinh đứa con đầu lòng.
“Các mẹ đã làm được điều lớn lao là duy trì nguồn sữa, hiến sữa nuôi các bé sơ sinh bệnh lý. Đội mình chỉ tranh thủ thời gian góp chút công để đi nhận sữa thôi, vì đây thực sự là món quà vô giá đối với các bệnh nhi”, Khánh Ly khiêm tốn chia sẻ.

Sữa mẹ trở thành… công trình thanh niên

Sau những chuyến xuôi ngược đi, về nhận sữa của các tình nguyện viên ngân hàng sữa mẹ, trong gần 3 năm qua, đã có gần 5.450 lít sữa mẹ chất lượng được đưa về tiệt trùng, bảo quản tại ngân hàng sữa mẹ - Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng.
Và điều tuyệt vời hơn cả là có gần 11.000 bệnh nhi sơ sinh, trẻ sinh non tại bệnh viện được hưởng lợi từ sữa mẹ hiến tặng. “Các tình nguyện viên có nhiệm vụ lấy sữa, vận chuyển sữa từ các bà mẹ hiến tặng. Trong quá trình đi giao và nhận sữa, họ sử dụng túi chuyên dụng, có bộ dụng cụ đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ theo chuẩn quốc tế về bảo quản sữa mẹ”, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Nhi, thành viên đội tình nguyện sữa mẹ, cho biết.
Cũng theo bác sĩ Phương, mỗi chuyến vận chuyển sữa mẹ được giới hạn trong 2 giờ đồng hồ trở lại để đảm bảo chất lượng sữa. Khi sữa mẹ được vận chuyển về bệnh viện sẽ được bảo quản theo quy trình chuyên môn cao, với máy móc, thiết bị hiện đại.
Các bé sinh non, bị bệnh lý sơ sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ngân hàng cung cấp sữa miễn phí để có nguồn sữa bảo đảm cho sự phát triển. Bên cạnh đó, số sữa được hiến tặng cũng được xử lý qua quy trình chuẩn để cung cấp cho các bé khác tại bệnh viện có nhu cầu hỗ trợ khi mẹ thiếu sữa, mẹ mắc các bệnh lý, cách ly sau sinh, với chi phí tiệt trùng và bảo quản là 130.000 đồng/100 ml.
“Đây là hoạt động phi lợi nhuận nên số chi phí thu được từ sữa mẹ sẽ được trang trải vào vật tư, trang thiết bị, máy móc tiệt trùng, chi phí vận hành hệ thống bảo quản sữa mẹ”, bác sĩ Phương chia sẻ thông tin.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Đức Toàn, Bí thư Đoàn Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, sắp tới, đội tình nguyện ngân hàng sữa mẹ sẽ được phát triển thành một mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ, tuyên truyền cho hoạt động của ngân hàng sữa mẹ, bao gồm nhiều phân đoạn hoạt động cả trong và ngoại viện, đáp ứng nhu cầu sữa mẹ đảm bảo cho trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý. “Mạng lưới đội tình nguyện phát triển ngân hàng sữa mẹ, vận động, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam cũng chính là hoạt động tình nguyện của các y bác sĩ, là “công trình thanh niên” trong năm 2019 của Đoàn thanh niên bệnh viện”, bác sĩ Toàn cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.