Những em nhỏ vất vả mưu sinh mùa dịch

09/05/2020 07:12 GMT+7

Trong thời gian dịch bệnh , những đứa trẻ ở lớp học tình thương phải nặng gánh mưu sinh cùng ba mẹ kiếm sống qua ngày.

Trước đây, cứ vào 6 giờ tối mỗi ngày, tại lớp học tình thương KP.Long Bửu (Q.9, TP.HCM) đều vang lên tiếng ê a đọc bài. Nhưng từ khi dịch bệnh, lớp học cũng tạm đóng cửa, việc học của các em bị ảnh hưởng rất nhiều.
Vất vả gánh mưu sinh với gia đình nên nhiều khi như cô bé Nguyễn Thị Như Ý vừa nhặt ve chai, vừa đọc bảng cửu chương, nhưng đọc được nửa chừng lại quên béng mất tiêu. Vì em đâu có thời gian để ôn bài, cả ngày đi làm với mẹ từ sáng sớm, đến tối về mệt quá em lại lăn ra ngủ để ngày mai có sức đi làm tiếp…

Nhọc nhằn gánh mưu sinh

Trong cái nóng hầm hập từ mái tôn của một xưởng ve chai ở Q.9, cô bé Như Ý phải phụ mẹ làm ve chai từ sáng đến tối. Công việc của Ý là rọc những mảnh bao bì trong chai nhựa, sau đó phân loại rồi cho vào thùng cân ký. Mỗi ngày phân loại được bao nhiêu sản phẩm thì 2 mẹ con mới nhận được thù lao theo đúng với thành phẩm đó. Chính vì ham công tiếc việc, cố tranh thủ từng chút một để có thêm tiền xoay xở trong ngày nên hai mẹ con Ý làm không nghỉ trưa và tối nào cũng ra về khi cả xưởng chẳng còn ai.
11 tuổi, nhưng Ý mới học lớp 3 tại lớp học tình thương KP.Long Bửu, vì gia đình cứ chuyển đi khắp nơi để mưu sinh nên việc học của em cũng bấp bênh theo. “Hễ ai mướn gì làm nấy, ai mướn được thì ở lâu, ai không mướn thì đi tìm chỗ khác mà mần”, chị Nguyễn Thị Tú, mẹ của Như Ý, nói.
Cách đây 3 năm, chị Tú cùng chồng quyết định xin vào làm việc tại xưởng ve chai, thế là Ý cũng tập tành theo cha mẹ phụ việc từ đó. Thời gian gần đây, ba của Ý bị tai nạn giao thông, không còn khả năng lao động. Ý dường như trở thành người lao động chính thay ba.

Sẵn sàng tâm lý dạy lại từ đầu

Anh Trần Lâm Thắng (35 tuổi, bảo vệ khu phố), người sáng lập ra lớp học tình thương này, cho biết mặc dù rất mong ngóng ngày được đón các em trở lại lớp học, nhưng anh cũng rất lo lắng vì sợ các em vất vả mưu sinh quá mà quên hết kiến thức.  Anh Thắng đã vận động xin nước rửa tay khử khuẩn, khẩu trang và dọn vệ sinh sạch sẽ lớp học để sẵn sàng đón các em trở lại.
“Hai mẹ con mần việc mỗi ngày cũng được một trăm mấy, đó là làm ráng dữ lắm mới được vậy. Tiền phòng trọ, ăn uống rồi thuốc thang cho ba nó, nên cứ thiếu trước hụt sau. Cũng tội con bé, tuổi ăn tuổi ngủ mà sáng sớm 5 giờ đã phải dậy để đi theo mẹ. Tôi chẳng biết chạy xe, cũng chẳng có phương tiện gì để đi nên phải dậy từ sáng sớm rồi hai mẹ con lội bộ đến chỗ làm cũng mất gần nửa tiếng”, chị Tú phân trần.

Thành với công việc bán cá

Còn cậu bé Triệu Thái Thành (12 tuổi, lớp 4), cứ vào đầu giờ chiều mỗi ngày lại hì hục chất cá lên xe rồi đạp đi bán. Địa điểm Thành chọn nằm trên vỉa hè, nơi có nhiều công nhân đi ngang qua. Cậu bé ngồi đó, trên chiếc ghế đẩu với quầy cá tự dọn ra. Tuy nhỏ tuổi nhưng việc cân cá, tính tiền, Thành gần như biết trọn.
Cũng nước da đen cháy vì rám nắng như Thành, vài ngày trở lại đây, khi Chính phủ cho phép vé số được phát hành trở lại cũng là lúc cô bé Nguyễn Thị Kim Ngọc (11 tuổi, học lớp 3) lại tiếp tục rong ruổi khắp nơi với việc bán vé số. Gặp chúng tôi vào lúc trưa nắng của ngày đầu tháng 5, Ngọc khoe may mắn đã bán hết được 150 tờ, thế là ngày hôm nay em ấy được về sớm, có thời gian tranh thủ lấy sách vở ra học để đến chiều lại tiếp tục hành trình bán vé số đêm.

Vẫn cố gắng tự học

Dù ngày mưa hay ngày nắng, suốt 4 năm nay chưa có ngày nào Ngọc nghỉ bán, trừ hơn nửa tháng qua vì dịch bệnh phải ngưng phát hành vé số. Bởi thế, Ngọc rất sợ dịch vì không đi bán, gia đình chẳng có gì ăn.
“Bình thường nếu đi học thì con không bán buổi tối, chỉ bán ban ngày, còn nghỉ học thì tối con cũng phải đi bán. Chỉ tranh thủ được giờ trưa về nghỉ thì con học bài, nên hôm nào bán hết sớm là con mừng lắm. Mừng vì có thời gian để về nhà học bài được nhiều hơn. Mà cũng tự con học chứ ba mẹ cũng không biết để chỉ con, nên biết gì thì con học đó thôi ạ”, Ngọc nói.

Ngày cũng như đêm, Ngọc rong ruổi khắp nơi đi bán vé số

Thời gian trước khi chưa có dịch, Thành thường chở cá đi bán buổi sáng rồi đến chiều về đi học. Thời gian nghỉ dịch, buổi sáng Thành ở nhà trông em, nấu cơm, lâu lâu lấy bài ra tự học rồi chiều lại tiếp tục chở cá đi bán đến khi hết mới dám dọn hàng về.
Hôm nào may mắn bán hết nhanh, gương mặt Thành phấn khởi, vừa đạp chiếc xe lọc cọc, cậu bé vừa nghêu ngao hát. Còn hôm nào bán ế, dù ngồi đến tối vẫn không hết cá, Thành lại lủi thủi đi về. Còn nhỏ, nhưng những suy nghĩ của Thành giống như một chàng trai đã trưởng thành. Hôm nào bán được thì Thành biết hôm nay gia đình mình “ấm” rồi, còn bán không được, mặt cậu bé lại buồn xo.
Lúc nhắc về hoàn cảnh gia đình mình, cậu bé rơi nước mắt: “Con thấy nhà con còn nghèo quá, không làm lấy gì mà sống. Những lúc không học, không đi bán, con mới dám đi chơi. Mà đi chơi cũng chỉ đi xung quanh nhà. Con cũng thích học lắm, con nghỉ ở nhà cũng viết chữ cô cho, học thuộc hết bảng cửu chương luôn rồi. Hôm nào con cũng tranh thủ tập viết xong rồi mới đi bán”.
Bé Như Ý đã 11 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa có giấy khai sinh. Thấy con ham học nên cha Ý tìm cách xin cho con vào lớp học tình thương. Buổi sáng Ý đi làm phụ mẹ, đến tối cha Ý lại chở đến lớp để học. Những tháng ngày nghỉ học do dịch, Ý phải làm việc suốt ngày cùng mẹ.
Thỉnh thoảng đang ngồi làm việc, Ý nói với mẹ: “Con sắp được đi học rồi đó mẹ”, rồi lẩm bẩm trong miệng đọc bảng cửu chương. Nhưng khi được hỏi về những kiến thức đã học thì Ý hồn nhiên nói: “Con còn nhớ ít ít bài của học kỳ 1, còn học kỳ 2 chưa học nên con không biết gì hết. Con trông cho hết dịch để đến trường vì ở nhà đi làm nhiều về tối mệt quá là con ngủ luôn, cũng không có ai để chỉ cho con học nên con sợ nghỉ học lâu lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.