Chiều 18.5, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, do T.Ư Đoàn chủ trì tổ chức.
Chủ trì hội thảo có PGS - TS Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn.
Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ Đoàn đã bàn thảo về việc giáo dục lý tưởng, cách mạng và đạo đức lối sống cho thanh niên hiện nay.
|
Nhà giáo cũng phải được giáo dục
TS Phạm Bá Khoa, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết, việc giáo dục thế hệ trẻ được Bác rất quan tâm nên trong Di chúc của Người có hơn 100 từ Bác nhắc đến giáo dục, thầy giáo, học sinh… "Bác suốt đời chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vì đó là sự nghiệp trồng người; giáo dục không được phép làm ra sản phẩm lỗi, một giáo viên tồi có thể làm hỏng một thế hệ”, ông Khoa nói.
Đồng thời, ông Khoa cho rằng, sự nghiệp trồng người có thành công hay không phụ thuộc vào có đội ngũ thầy cô giáo và những người làm công tác Đoàn, Hội, Đội. Họ phải là những kỹ sư tâm hồn nên bản thân nhà giáo dục cũng cần được giáo dục thì mới đáp ứng được nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, bản thân thế hệ trẻ phải phát huy ý thức tự giáo dục, rèn luyện bản thân để không chỉ trở thành những người có sức khoẻ tốt, mà phải là thế hệ trẻ tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn như Bác mong muốn.
|
Ai đã đánh cắp huỷ hoại tuổi thơ của người trẻ?
Mang tới hội thảo nhiều trăn trở về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong thanh niên hiện nay, PGS - TS Lê Quý Đức, Nguyên phó Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã dẫn chứng nhiều vụ vi phạm pháp luật trong thanh niên. Ông cho rằng hiện tượng khủng hoảng lý tưởng, đạo đức và lối sống biểu hiện ở một bộ phận thế hệ trẻ khi họ đi tìm thần tượng, tung hô thần tượng lệch chuẩn khiến người lớn phải suy ngẫm hai điều. “Thứ nhất, hiện tượng tiêu cực trong thế hệ trẻ hiện nay tại sao lại nổi cộm như vậy? Thái độ của những người có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ lý giải điều đó thế nào? Trách móc, phê phán họ hay tự vấn lương tâm mình, trách nhiệm của mình!”, ông Đức đặt vấn đề
Theo ông Đức, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ có quyền trách cứ, trừng phạt những người trẻ tuổi sa vào tiêu cực và tội lỗi. “Song, vấn đề là với lương tâm và trách nhiệm của mình, cần phải kiểm điểm lại chính mình: tại sao lại để cho một bộ phận thế hệ trẻ sa vào tiêu cực, coi những kẻ gây tội lỗi như thần tượng và tung hô họ. Theo quan điểm “giáo dục vận thông”, trong một gia đình hay trong một xã hội, con cái (hay lớp trẻ) không ngoan có một phần trách nhiệm của người lớn, bố mẹ không thể nói là mình vô can, dù bố mẹ là người tốt hay hiền lành, đức độ như thế nào”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức trăn trở: “Ai đã đánh cắp, ai đã hủy hoại tuổi thơ của chúng theo cách đó? Tại sao chúng ta không bảo vệ được con em mình từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội? Không thể đổ lỗi hoàn toàn do những yếu tố khách quan, bên ngoài tác động đến con em mình được”.
|
Đặc biệt, ông Đức đã chỉ ra cái “gốc” của hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận thế hệ trẻ do hiện tượng tiêu cực trong xã hội (trong đó nhiều người có chức, có quyền trong bộ máy công quyền của nhà nước) “lây lan” sang giới trẻ, khiến giới trẻ suy giảm niềm tin.
“Niềm tin thế tục suy giảm, người ta tìm đến niềm tin tâm linh, tôn giáo. Song niềm tin tâm linh, tôn giáo cũng bị lợi dụng như việc “dâng sao dải hạn” ở một số ngôi chùa, như việc giải “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng. Thử hỏi rằng, những biểu hiện tiêu cực của lớp trẻ hiện nay có là hệ lụy của sự mất niềm tin hay không?”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng cho rằng sự tha hóa đạo đức, lối sống là vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội chúng ta, bắt đầu từ đổi mới (1986) đến nay. Hội nghị T.Ư 4 khóa XII chỉ ra "một trong những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống là tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thao túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Giới trẻ sẽ hành xử như thế nào trước những “tấm gương” của người lớn như vậy, nếu họ không được trang bị một kỹ năng sống đúng đắn?”, ông Đức đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng sự thiếu gương mẫu, thiếu trung thực, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói nhiều làm ít” đã có ảnh hưởng rất xấu đối với giới trẻ. Bởi giới trẻ luôn lấy người lớn làm mẫu mực để hướng tới và hành động.
Theo ông Đức, hiện tượng nói tục chửi bậy trong giới trẻ cũng xuất phát từ việc bức xúc với sự giả dối, thói nịnh bợ, tâng bốc trước mặt, nói xấu sau lưng của một số người lớn (cán bộ, đảng viên). “Việc nói tục, chửi thề trong giới trẻ là biểu lộ phản ứng tiêu cực đối với hiện tượng giả dối, tâng bốc và nịnh bợ của người lớn. Nghe có vẻ phi lý, song đó là một phản ứng tâm lý của giới trẻ theo một lô gic tất yếu”, ông Đức bày tỏ.
Kết luận hội thảo, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, có 11 ý kiến phát biểu và rất có giá trị. Các tham luận đã khẳng định được giá trị, ý nghĩa của Di chúc của Bác. Thông qua tham luận của các chuyên gia, những yêu cầu đặt ra tương đối rõ, cung cấp nhiều vấn đề mong muốn; nhiều góc độ các tác giả tham luận có nêu: đánh giá sau 50 năm thực hiện Di chúc, có nhiều thành tựu của Đảng, Nhà nước, trong đó có Đoàn Thanh niên khi thực hiện Di chúc của Bác, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu… Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề đặt ra với Đảng, Đoàn, các tổ chức chính quyền…
"Xã hội thay đổi phần nào làm phai nhạt lý tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, xu hướng lệch chuẩn, chấp hành pháp luật, bạo lực học đường… và cần sự chung tay của xã hội. Chúng ta cần nhận diện đúng vấn đề thì mới làm được tốt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên. Điều này không chỉ đặt ra cho Đoàn mà còn các cấp các ngành", anh Nguyễn Ngọc Lương nói.
|
Bình luận (0)