Những sai lầm khi khởi nghiệp

22/10/2019 07:34 GMT+7

Hai từ khởi nghiệp đã trở nên quá quen thuộc với nhiều bạn trẻ , thế nhưng khi bắt đầu vào con đường khởi nghiệp lại vấp phải nhiều sai lầm rất đáng tiếc, dẫn đến những 'trận chiến' tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc và cả tuổi trẻ .

Trong hội thảo “Người trẻ khởi nghiệp” nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM diễn ra ngày 19.10, nhiều diễn giả đã giúp người trẻ tháo gỡ những sai lầm đang vấp phải.

Độ tuổi trải nghiệm rất quan trọng

Mở đầu bằng câu chuyện khởi nghiệp thất bại rất đau đớn của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, sáng lập và điều hành Công ty đông trùng hạ thảo Hector, nhìn nhận: “Rất nhiều bạn bảo tốt nghiệp xong là khởi nghiệp, rồi các bạn bán cái gì? Mình luôn tự tin là từ năm lớp 1 đã biết bán hàng ngoài chợ và tự tin chắc chắn bản thân rất giỏi bán hàng. Nhưng sai lầm là quá yêu sản phẩm, quá thích ý tưởng của mình và tưởng đâu là cả xã hội đều thích và chào đón ý tưởng đó…”, chị Tuyết nhớ lại.
Chị Tuyết khuyên sau khi ra trường nên trải nghiệm một thời gian để học được những bài học quý giá trước khi khởi nghiệp. “Khi chúng ta khởi nghiệp thì luôn mơ ước đến câu chuyện có được tập đoàn ngàn tỉ. Nhưng các bạn đã từng làm cho doanh nghiệp nào ngàn tỉ chưa? Có biết đội ngũ của tập đoàn ngàn tỉ đó như thế nào? Phải ở trong ruột của nó mới biết được và học theo để xây dựng”, chị Tuyết nói.
Nhắc đến câu chuyện độ tuổi khởi nghiệp, anh Tạ Xuân Hiển, sáng lập và điều hành Joolux, nhìn nhận: “Mình khởi nghiệp lúc 33 tuổi, nhìn lại thấy tiếc cho thời gian sinh viên chỉ biết học. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công khi khởi nghiệp từ sinh viên nên nếu nói về độ tuổi phù hợp thì không thể nói chắc được, nhưng mình nghĩ là độ tuổi trải nghiệm phù hợp để khởi nghiệp thì đúng hơn”.
Anh Hiển cho rằng khởi nghiệp từ ghế nhà trường cũng là quá trình để trải nghiệm. Có thể chúng ta thất bại nhưng những dự án tiếp theo sẽ có kinh nghiệm để cơ hội thành công cao hơn.
Đồng quan điểm, chị Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, cho rằng không nên nói quá nhiều về độ tuổi, nhưng việc tham gia vào môi trường khởi nghiệp thì nên sớm. “Việc tham gia có nghĩa là có thể vào bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào, có thể trải nghiệm từ ghế nhà trường cách thức để bắt đầu một mô hình kinh doanh, cách thức để thuyết trình trước nhà đầu tư… Tức là bất kỳ cơ hội nào để được trải nghiệm môi trường khởi nghiệp thì nên tham gia càng sớm càng tốt, nếu bạn có ý muốn khởi nghiệp”, chị Phi khuyên.

Phải tìm ông đỡ, bà đỡ

Với anh Lê Đăng Khoa (“cá mập” của chương trình Thương vụ bạc tỉ, Chủ tịch HĐQT LeGroup Venture), câu chuyện khởi nghiệp thất bại đầu tiên đã khiến anh có tư duy khởi nghiệp phải cần rất nhiều kinh nghiệm. “Đến bây giờ mình nhận thấy nếu muốn khởi nghiệp thì điều quan trọng không phải là độ tuổi nào, mà bạn biết mình là ai, thiếu gì và tìm ai để lắp vào mảng thiếu đó. Chính vì thế, khi đã tạo được sản phẩm khác biệt, hãy đi tìm bà đỡ hoặc ông đỡ để bù khuyết những mảnh ghép rất lớn của công ty”, anh Khoa khuyên.
Đào Trung Trí Dũng, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, thắc mắc: “Làm thế nào để em có thể tìm được một người mentor (đỡ đầu, cố vấn) và tiếp cận được với họ?”. Theo anh Khoa, cách nhanh nhất để tìm được người đỡ đầu là hãy làm cho mình tỏa sáng: “Trước đây, tôi chưa bao giờ muốn trở thành ông chủ mà lại muốn trở thành người làm công giỏi nhất. Người làm công giỏi nhất là người mà ai cũng muốn có mình về đội của họ, nên nếu mình tỏa sáng thì tự động sẽ có người tìm đến”.
Nhắc đến những sai lầm rất lớn của bạn trẻ khởi nghiệp, anh Khoa cho rằng các bạn luôn nghĩ phần của mình là lớn nhất của công ty nên khi đi gặp nhà đầu tư, các bạn đưa ra 10 - 20% cổ phần mà giống như bố thí. Theo anh Khoa, bạn trẻ phải hiểu giá trị lớn nhất của một công ty là sự sinh tồn và làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể thu được lợi nhuận, xây dựng được thương hiệu bền vững… Phải chủ động gặp nhà đầu tư để họ làm chuyện đó giúp bạn, và thậm chí năn nỉ họ vào công ty của mình.
“100% của công ty phá sản là 0 đồng, là âm tiền. Và chúng ta phải ý thức được chỉ cần 30% của một công ty triệu đô thì đó là một câu chuyện rất khác. Nếu chúng ta có một công ty mà mỗi tháng lợi nhuận vài trăm triệu đồng là câu chuyện rất khác so với việc chỉ có một sản phẩm sáng tạo và suốt ngày đi kêu gọi hết nơi này đến nơi khác chỉ để kiếm tiền sinh tồn thêm vài tháng...”, anh Khoa đặc biệt nhấn mạnh.
Theo chị Phi, nhiều bạn trẻ sợ ý tưởng dễ bị đánh cắp nên không bao giờ mang ý tưởng ra để nói với người khác, nhưng đó là một sai lầm. “Thực ra ý tưởng là cái nên cho không, vì những điều bạn thực thi mới là thứ quyết định. Khi có ý tưởng khởi nghiệp nào đó, hãy nói với nhiều người càng tốt, vì chính họ sẽ phản hồi cho bạn biết ý tưởng đó có khả thi và đã có ai từng làm hay chưa”, chị Phi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.