Những sáng kiến về giao thông đáng chú ý

09/12/2018 09:00 GMT+7

“Dạy” máy học điều phối đèn giao thông, tạo thanh chắn tự động chống vượt đèn đỏ hay mắt kính thông minh tự tra Google Maps... là những sáng kiến của sinh viên nhằm giải quyết các vấn đề về giao thông hiện nay.

Máy tính thay người giải quyết kẹt xe
Ở các giao lộ vào giờ cao điểm thường trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ này được quy định thời gian chuyển cố định. Điều này làm gia tăng mức độ kẹt xe do lượng xe di chuyển luôn thay đổi và không cố định. Nếu hướng nào nhiều xe thì nên tăng thời gian đèn xanh và hướng nào ít xe thì tăng thời gian đèn đỏ. Từ những lập luận trên, nhóm sinh viên gồm Hoàng Trung Hiếu, Đỗ Thành Nhơn và Vũ Lê Thế Anh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã sáng tạo nên dự án “Xây dựng mô hình mô phỏng và ứng dụng phương pháp học tăng cường trong tối ưu hóa tín hiệu đèn giao thông”.
Nhóm tác giả của dự án "dạy" máy học điều khiển đèn giao thông (ảnh C.T.V)
Theo Hiếu mô hình gồm 3 mô đun nhỏ được liên kết với nhau. Mô đun đầu tiên có nhiệm vụ phát hiện các phương tiện giao thông trên đường cùng vận tốc của chúng… Mô đun thứ hai điều phối đèn tín hiệu giao thông với phương pháp học tăng cường được huấn luyện để máy tính có thể học điều phối đèn tín hiệu một cách tự động và mô đun thứ ba là xây dựng một mô hình giả lập ngã tư, từ đó có thể thiết kế các kịch bản giao thông và tiến hành thử nghiệm.
Sáng tạo của nhóm đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi lập trình Makerthon do Thành đoàn TP.HCM tổ chức vừa qua trong Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2018.
“Hiện tại có rất nhiều ứng dụng để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tuy nhiên đều bất tiện khi áp dụng tại VN, do đa phần người dân di chuyển bằng xe máy. Nên khó khăn trong việc vừa lái xe vừa xem điện thoại để chỉ đường và còn vi phạm luật giao thông. Chính vì thế, tụi mình sáng chế mắt kính thông minh để giải quyết những khó khăn trên”, Trần Anh Khôi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ.
Mắt kính của nhóm sẽ hiển thị các thông tin giao thông trực tiếp lên mắt kính người dùng. Như vậy, người dùng có thể vừa chạy xe vừa xem thông tin chỉ dẫn của Google Maps, thông tin khi có người gọi điện hoặc nhắn tin đến, thông tin tình trạng giao thông... Không những thế, mắt kính còn hiển thị thông tin thời tiết và hiển thị đề xuất chạy xe với tốc độ bao nhiêu để đúng luật.
Nhóm tác giả của mắt kính thông minh (ảnh C.T.V)
Nói về cấu tạo của mắt kính, Khôi cho biết: “Mắt kính gồm phần thân chứa các chip xử lý và quai đeo, phần mắt kính là một tấm kính trong suốt, trong thân kính có 1 màn hình và sẽ chiếu thông tin lên tấm kính trong suốt. Mắt kính có khả năng kết nối bluetooth và wifi nên có thể hiển thị hầu như mọi thứ điện thoại thông minh hiển thị được. Phiên bản một mắt kính vẫn còn hơi to nhưng hiện tại tụi mình đã tìm được giải pháp để thu nhỏ mắt kính”.
Giải đáp thắc mắc về việc nếu cứ nhìn vào mắt kính thì có ảnh hưởng đến việc lái xe, Khôi nói: “Mắt kính được thiết kế trong suốt, nên nếu người dùng không đọc thông tin thì sẽ hoàn toàn không gây cản trở. Còn trong trường hợp vừa đọc thông tin, vừa chạy xe thì cũng giống việc vừa chạy xe vừa nhìn vào gương chiếu hậu. Nếu người dùng sử dụng quen thì họ chỉ nhìn thông tin trên mắt kính một cách nhanh chóng (vì thông tin được đưa lên cũng rất ngắn gọn và sử dụng ký hiệu chỉ dẫn nhiều hơn thay vì chữ) và lại tập trung vào lái xe, như thế vẫn an toàn tham gia giao thông”.
Với những tính năng mới của sản phẩm, nhóm cũng đã giành giải nhì cuộc thi lập trình Makerthon.
Hệ thống chống vượt đèn đỏ
Hai sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM là Ngô Quốc Nhu và Phùng Văn Hảo vì bức xúc trước tình trạng vượt đèn đỏ của nhiều người hiện nay nên đã nghiên cứu, sáng chế hệ thống chống vượt đèn đỏ tự động.
Hệ thống có 4 thanh an toàn đặt bên dưới làn đường và bộ xử lý trung tâm. 4 thanh an toàn được điều khiển nhờ vào thời gian (xem như tín hiệu) từ những trụ đèn truyền vào bộ xử lý. Khi có tín hiệu đèn vàng thì thanh an toàn từ bên dưới làn đường sẽ nổi lên, đến khi tín hiệu đèn xanh thì sẽ lặn xuống, từ đó xe có thể lưu thông.
Nhóm tác giả của hệ thống chống vượt đèn đỏ (ảnh C.T.V)
“Hệ thống không cần thay thế hoàn toàn mà có thể lắp đặt thêm vào, không mất quá nhiều chi phí. Ngoài việc lấy chính xác thời gian thực ở trụ đèn để có thể xử lý tự động, hệ thống còn được điều khiển tùy theo ý của người quản lý giao thông để tránh trường hợp ùn tắc. Hiệu quả của sản phẩm khá cao khi hạn chế tối đa tình trạng vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông”, Quốc Nhu nói.
Tuy nhiên, điều mà nhóm trăn trở nhất là đưa sản phẩm vào thực tế. “Đây là ý tưởng rất thiết thực và cần thiết cho hệ thống giao thông ở VN nên tụi mình luôn muốn phát triển và áp dụng vào thực tế. Dù biết sẽ gây khó khăn lúc mới áp dụng, vì chưa quen. Nhưng cái gì cũng cần phải có truyền thông rộng rãi”, Quốc Nhu gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.