Nữ bí thư Đoàn phường và đội Shipper áo xanh 0 đồng

12/08/2021 10:41 GMT+7

Ở đâu cần thanh niên tình nguyện , nữ bí thư Đoàn phường Mai Quỳnh Trang lại xuất hiện, dù nơi đó đang là điểm nóng của dịch Covid-19 và không thuộc địa bàn của phường mình phụ trách.

Ấm lòng với “bát cháo quê hương”

Hẹn mãi, tôi mới gặp được Mai Quỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Hồng Sơn, TP.Vinh (Nghệ An), vì chị đang bận trực ở đầu cầu Bến Thủy 2 (TP.Vinh) để phát cháo cho người dân chạy xe máy từ các tỉnh phía nam về quê. Gần suốt cả tuần qua, chị Trang cùng 5 bạn thanh niên tình nguyện khác của P.Hồng Sơn liên tục thay phiên nhau đứng trực ở đây, từ sáng sớm cho đến 22 giờ đêm để “tiếp sức” cho người trở về quê, dù đây không thuộc địa bàn của phường do chị phụ trách.
Chị Trang kể, khi thấy dòng người chạy xe máy trở về quê ngày càng nhiều và họ đã quá mệt mỏi vì mất ngủ và đói sau khi vượt hơn 1 ngàn cây số, chị đến chốt kiểm soát dịch ở đầu cầu Bến Thủy 2 để thị sát. “Ở đó đã có nhiều người hảo tâm mang bánh, sữa, nước uống đến gửi ở chốt để tiếp sức cho người dân, nhưng tôi nghĩ, khi về đến quê hương, có bát cháo nóng để bà con ăn, chắc sẽ ấm lòng hơn”, nữ bí thư đoàn 29 tuổi, nói.

Chị Trang và nồi cháo "tiếp sức" cho người chạy xe máy vượt hơn 1 ngàn cây số về quê

ẢNH: Q.T

Và ngày hôm sau, “bát cháo quê hương” đã có mặt tại chốt kiểm soát dịch Bến Thủy 2. Đó là công sức và tình cảm của chị Trang cùng với các thanh niên tình nguyện P.Hồng Sơn và sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ của phường. Hội chữ thập đỏ vận động chi phí, chị Trang huy động thanh niên tình nguyện nấu và phát cháo.
Nồi cháo 50 lít để bên đường, cạnh chốt kiểm soát dịch ở cầu Bến Thủy 2, luôn được ủ nóng. Có ngày nhóm của chị Trang nấu đến 8 nồi mới đủ vì lượng người trở về quá đông. Chị Trang nói, chị em phải thay nhau đứng ở trạm kiểm soát từ sáng sớm cho đến 22 giờ đêm, nắng nóng, phải mang đồ bảo hộ để phòng dịch và lượng người về nhiều từ vùng có dịch, tiếp xúc cũng khá gần nên cũng không chỉ vất vả mà còn rất sợ lây nhiễm dịch. Nhưng, nhìn những người lao động trở về quê xúc động khi ăn bát cháo từ tay mình nấu, thấy mệt nhọc cũng tan đi.

Đội shipper áo xanh 0 đồng

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại TP.Vinh. Ca nhiễm đầu tiên là nữ nhân viên làm tóc, có lịch trình tiếp xúc rất nhiều người, được phát hiện tại P.Hà Huy Tập, nên ngay sau đó, một số khu phố ở đây phải phong tỏa. Do bất ngờ nên hàng trăm hộ dân ở đây không kịp chuẩn bị nhu yếu phẩm cho 14 ngày bị phong tỏa. Dù không phải địa bàn mình phụ trách và ở cách khá xa, nhưng vài ngày sau, chị Trang nảy ý tưởng thành lập đội shipper áo xanh để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Chị Trang lập nhóm shipper áo xanh 0 đồng trên mạng xã hội, kêu gọi thanh niên tình nguyện tham gia nhóm. Chị kết nối với các bí thư chi đoàn trong các khu phố bị phong tỏa để thông tin cho người dân biết về đội shipper áo xanh để họ đặt nhu yếu phẩm cần mua.

Thành viên trong đội shipper áo xanh của chị Trang đang đi chợ giúp người dân

ẢNH: Q.T

Vì bị hạn chế ra ngoài, nên đội shipper áo xanh đầu tiên này đã trở thành cứu cánh cho nhiều gia đình trong vùng bị phong tỏa. Người dân có nhu cầu mua đồ, liệt kê và nhắn tin cho chị Trang. Chị Trang cùng các tình nguyện viên nữ tập hợp danh sách rồi đi chợ. Các nhu yếu phẩm sau đó được các shipper áo xanh là các thanh niên tình nguyện đưa đến các chốt kiểm soát để giao cho người dân.
Để hạn chế tiếp xúc với người đang có nguy cơ nhiễm dịch, chị Trang đề nghị người dân tính toán để nhu yếu phẩm đủ dùng cho 3 ngày thay vì phải đi chợ hàng ngày. Tuy nhiên, một số gia đình không có tủ lạnh để bảo quản nên hàng ngày, nhóm của chị Trang vẫn phải đi chợ thường xuyên giúp họ.

Đội shipper áo xanh mua và ship nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa

ẢNH: Q.T

Nhưng chuyện “vác tù và hàng tổng” cũng không phải đều nhận được lời khen và sự biết ơn. “Một vài người khó tính, khi nhận đồ vẫn tỏ ra khó chịu khi có điều gì đó khiến họ chưa hài lòng, nhưng tôi nói với các bạn shipper mình phục vụ thì hãy hết mình, hãy cứ vui vẻ, bảo họ nếu cần thì sẽ đổi lại như ý họ”, chị Trang kể.
Thời điểm đó, tại vùng bị phong tỏa này có 14 người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm của chị Trang đã kêu gọi và hỗ trợ cho 14 người này mỗi ngày 2 suất cơm trong suốt 2 tuần bị phong tỏa.
Ít ngày sau, dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều phường ở TP.Vinh. Toàn TP.Vinh bị phong tỏa, trong đó, những khu phố có người nhiễm Covid-19 lại bị phong tỏa thêm một vòng nữa. Mô hình đội shipper áo xanh trở nên rất hiệu quả, được các Đoàn phường, xã nhân lên để hỗ trợ người dân.

Chuyển nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa tại TP.Vinh

ẢNH: Q.T

Không chỉ mua thực phẩm, các shipper này còn giúp người dân trong vùng bị phong tỏa mua thuốc men, đồ dùng, thậm chí sửa máy tính… Từ đội shipper áo xanh này, gian hàng 0 đồng cũng ra đời đã hỗ trợ rất thiết thực cho người dân trong vùng phong tỏa.

Giao hành cho người dân tại chốt kiểm soát dịch

ẢNH: Q.T

Anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, đánh giá mô hình tình nguyện đội shipper áo xanh của chị Trang và gian hàng 0 đồng ra đời đã hỗ trợ rất hiệu quả, thiết thực cho người dân trong vùng phong tỏa. Mô hình này sau đó được Tỉnh đoàn Nghệ An nhân rộng ra nhiều địa phương. Tinh thần nhiệt huyết và sự năng động của các tình nguyện viên trẻ đã hạn chế tối đa sự đi lại của người dân trong vùng đang có dịch, giúp việc khống chế dịch trở nên thuận lợi hơn. 
Chị Mai Quỳnh Trang tham gia và hoạt động Đoàn rất sôi nổi thời còn sinh viên Trường ĐH Vinh. Chị Trang có chồng cũng đang công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ An nên chị nhận được sự chia sẻ của chồng khi tham giá các hoạt động tình nguyện. “Tiếp xúc nhiều với những người có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 cũng lo, nhưng nếu ai cũng sợ thì làm sao chống được dịch”, chị Trang nói. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.