Nữ F0 ở TP.HCM khỏi bệnh sau 10 ngày: Trong khu cách ly làm điều bất ngờ

01/08/2021 13:21 GMT+7

Sau 10 ngày cách ly, điều trị, Trang không thể giấu niềm vui sướng khi biết mình khỏi bệnh. Đáng chú ý, những ngày ở khu cách ly, F0 vẫn mang tới những bất ngờ cho các bệnh nhân khác.

Nữ F0 đã điều trị thế nào trong 10 ngày và khỏi bệnh ra sao? Có điều gì đặc biệt về cô gái rất bản lĩnh này?

Cơn ho dài 1 - 2 phút, cảm giác muốn ói hết mọi thứ

Nguyễn Thị Thu Trang, 26 tuổi, sống tại Q.Tân Bình, TP.HCM phát hiện dương tính với Covid-19 vào tối 21.7. Nhà cô có 8 người cùng chung sống (tại 8 phòng riêng biệt), kết quả xét nghiệm cũng cho thấy ngoài cô còn 3 thành viên khác cùng là F0: ông bà ngoại và một người bạn 25 tuổi.
Những ngày đầu, Trang xin y tế địa phương được tự cách ly điều trị tại nhà, vì ông đã 83 tuổi, bà 81 tuổi, sức khỏe yếu, phải di chuyển bằng xe lăn. Tới khuya 27.7, xe y tế đưa họ đi cách ly tập trung tại một trường học ngay trong Q.Tân Bình.

Trường học, nơi cách ly tập trung của 4 người gia đình Trang

Ảnh NVCC

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Trang cho biết, bắt đầu từ ngày thứ 3 và kéo dài tới hết ngày thứ 6, cô cảm thấy mệt nhất. Cô ho nhiều, cổ họng nhiều đờm, đau họng, khó thở, mất vị giác, khứu giác. “Tôi ho rất nhiều, ho sâu, có những lúc cơn ho kéo dài 1-2 phút, muốn ói hết mọi thứ ra. Nhưng bị ho thì tôi uống siro ho, kết hợp chanh mật ong để tăng sức đề kháng và sát trùng vòm họng, thuốc tiêu đờm, ngậm viên thảo dược sát trùng họng để làm dịu cơn ho. Khi khó thở, nhất là lúc ngủ, tôi xoay người nằm nghiêng, tới khi nào thấy mình dễ thở hơn, thường là kê chân lên gối cao hơn để dễ chịu hơn. Khi thức giấc, tôi từ từ ngồi dậy, vươn 2 tay sang 2 bên, tập hít thở nhẹ”, Trang nói. 

Trang chuẩn bị nhiều đồ ăn bổ sung tại khu cách ly, dinh dưỡng góp phần quan trọng trong quá trình điều trị Covid-19

Ảnh NVCC

Dù mệt tới đâu, mất vị giác, khứu giác, ăn uống không có cảm giác ngon miệng, Trang vẫn đều đặn nấu đủ các bữa và ăn hết sạch phần ăn của mình, tăng cường ăn trái cây, rau củ, yaourt, ngũ cốc. Trang đã chích 1 mũi vắc xin Covid-19 vào ngày 29.6 và luôn tự nhủ, mình chắc chắn sẽ khỏi bệnh để chăm sóc cho ông bà.
Trong những ngày đầu cách ly điều trị tại nhà, cô đeo khẩu trang  hoàn toàn, dọn dẹp nhà cửa cho thật thông thoáng, nấu các món dễ ăn, đủ chất, cho ông bà ăn đầy đủ các bữa, uống thuốc, khò nước muối, uống nước chanh ấm, bổ sung vitamin C và các gói bù nước… Ông bà Trang có bệnh nền (ông bị suy thận, đột quỵ; bà bị huyết áp và bệnh xương khớp) nên Trang vẫn cho ông bà uống các thuốc điều trị các bệnh này như trước đó bác sĩ kê.
Trong một đêm cách ly tại nhà, người bạn 25 tuổi sốt hơn 39,5 độ C. Trang cho bạn uống thuốc hạ sốt, lau khăn ấm, ăn cháo với thật nhiều hành, tiêu, ớt, thay áo liên tục khi ướt mồ hôi, cách 1 tiếng lại cặp nhiệt kế một lần. Tới sáng, nhiệt độ về 37 độ C.

Bác sĩ ơi! Hình như em mắc Covid-19 | Trò chuyện trực tiếp cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh trong đại dịch

“Tôi coi nơi cách ly là nhà của mình”

Rạng sáng 28.7, Trang và 3 người thân của mình tới khu cách ly tập trung. Phòng cách ly là một lớp học còn ngổn ngang bàn ghế, Trang lấy hết chăn mang theo tạo thành một cái giường đệm ngay trên bục giảng cho ông bà.
Còn một cái chiếu mỏng, đêm đó lạnh quá, Trang quấn tròn cái chiếu vào người cho ấm. Sáng sớm hôm sau, ông của Trang mệt hơn, bác sĩ tới khám và quyết định chuyển ông tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị.
Ở khu cách ly, Trang cầm chổi, khăn, quét dọn lau chùi sạch sẽ đến khi không còn tí bụi nào, cô cũng hỗ trợ dọn dẹp nhà vệ sinh và làm sạch khu vực trước phòng mình.

Trang xếp chăn nệm mang theo thành chiếc giường cho ông nằm ngay trên bục giảng

Ảnh NVCC

Một góc phòng cách ly của Trang và bà

Ảnh NVCC

Khoảng trời ngoài khu cách ly

Ảnh NVCC

“Tôi không thích than vãn, nó không giúp ích được gì. Ngay đêm đầu tiên tới đây, tôi đã coi nơi cách ly là nhà mình. Mà không thể để nhà mình dơ. Muốn bảo vệ phổi, họng, nhà ở càng phải sạch sẽ. Trước khi để mình không bị virus Covid-19 hạ gục thì chúng tôi cũng không cho phép virus nào khác đánh bại mình cả”, Trang kể lại.
Ở khu cách ly, Trang chứng kiến nhiều chuyện khiến cô có lúc rơi nước mắt. Một bác trai ban ngày còn nói chuyện điện thoại rất khỏe, Trang còn có lúc nhắc bác nói khẽ hơn để người già nghỉ ngơi. Nhưng tới khuya ấy, bác ho rất nhiều, khó thở, phải thở oxy và đưa đi bệnh viện. 
Một bác gái được xếp ở cùng phòng với Trang, chồng của bác ở bên cạnh (ngăn cách nhau bằng 1 vách ngăn), nhưng bác trai không để bác gái làm bất cứ việc gì. Đêm nghe tiếng vợ ho một tiếng, bác chạy ngay sang vỗ lưng, hỏi han. Rồi chốc lát, bác lại chạy ra cửa sổ nhìn vào nơi vợ nằm...

Trang mạnh mẽ, cô luôn nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực. Cô tết tóc cho bà ngoại ở phòng cách ly

Đang cách ly vẫn ‘đi chợ’ góp phần nấu cơm yêu thương

Khu Trang cách ly có rất nhiều F0 là những người già, nhiều người không con cháu nào tiếp tế đồ đạc, thuốc men mà chỉ tự chăm một mình khiến Trang rất thương. Cô chia sẻ yaourt, ngũ cốc của mình cho một bác ăn chay. Cô cũng đặt mua nhiều cam, táo, sữa chua uống…, nhờ các nhân viên y tế lúc chia cơm cho bệnh nhân thì đưa thêm cho các bệnh nhân, để ai cũng được bổ sung thêm vitamin.
Nhưng đó chưa phải là những điều bất ngờ nhất về Trang, một F0 lạc quan, nhân hậu mà chúng tôi đang nhắc tới.
6 năm nay, Trang thực hiện “Bếp yêu thương thứ 6” mang các bữa ăn ngon tới những người có hoàn cảnh khó khăn.
Còn trong lúc Sài Gòn giãn cách xã hội để chống dịch, Trang và những người bạn tăng cường cung cấp hàng ngàn phần ăn mỗi ngày cho khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến nhằm hỗ trợ các bác sĩ, bệnh nhân. Trong khu cách ly, khi sức khỏe tiến triển tốt hơn, Trang vẫn lên mạng “đi chợ” trực tuyến, đặt mua thực phẩm để các chị ở bên ngoài nấu cơm tặng bà con TP.HCM khó khăn trong dịch Covid-19.
“Có một kỷ niệm trước đây mà tôi nhớ mãi. Một bác kia nhận hôp cơm mà không kịp cảm ơn, không kịp lấy cả cái muỗng trong túi nữa. Bác cứ thế lấy tay và cơm trong hộp, cho vào miệng, chưa đầy 2 phút hộp cơm đã hết sạch sành sanh. Họ xin thêm 1 hộp nữa, nói là để tối có cái ăn tiếp. Chúng tôi hay nấu phở, cơm với mực, thịt bò, gà kho hay nấu gà tần thuốc bắc… Với tôi, những món ăn ngon có thể xoa dịu nỗi đau cả thể chất, tinh thần, như một lời động viên ai đó đang gặp khó khăn, nhất là lúc Sài Gòn “bị ốm” thế này, Trang kể, tiếng nói của cô run run xúc động.

Trang đặt mua nhiều táo gửi vào khu cách ly, để chia cho các bệnh nhân

Ảnh NVCC

Trang luôn tin rồi mọi thứ sẽ ổn thôi

Ảnh NVCC

Ông ngoại của Trang với nhiều bệnh nền đang hồi phục tốt, bà của cô cũng vậy

Ảnh NVCC

Hôm qua, ngày 31.7, sau 10 ngày điều trị Covid-19, Trang được thông báo mình đã âm tính. Cô về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe. Người bạn 25 tuổi cũng tiến triển khả quan. Đặc biệt, ông và bà ngoại - 2 người đang có bệnh nền nhưng vẫn kiên cường chiến đấu với Covid-19 và đang hồi phục rất tốt. "Tôi luôn muốn nhắn nhủ với mọi người là nếu có người thân là F0 mà lớn tuổi, có bệnh nền cũng đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh và lạc quan để điều trị", Trang chia sẻ.
Cô gái mạnh mẽ ấy mong chờ lắm, ngày người thân yêu của mình và những F0 khác, ở Sài Gòn và khắp mọi nơi ở Việt Nam cũng khỏi bệnh và sớm trở về nhà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.