Theo sát F0 qua từng cuộc gọi trực tuyến
- Đây là bệnh nhân sinh năm 1999, xét nghiệm ngày 26.8 test nhanh dương tính. Sáng nay không biết trong người em thấy thế nào?
-Họng em không có khàn nữa, vị giác của em so với ngày hôm qua đã tốt lên
-Ăn uống thấy bình thường lại luôn chưa?
-Dạ, vẫn bình thường, ban đầu em không thấy vị, giờ đã có chút vị rồi.
-Theo liệu trình hiện tại, đánh giá cảm quan, bệnh nhân Covid-19, triệu chứng đang thuyên giảm. Mình sẽ theo dõi đến ngày thứ 14, dựa theo triệu chứng hiện tại mình cũng không cần can thiệp sâu gì thêm...
|
Đó là đoạn hội thoại trực tuyến trên nền tảng Zalo, gồm 1 bác sĩ, 1 bệnh nhân Covid-19 và 2 sinh viên ngành y mà phóng viên Thanh Niên có dịp chứng kiến vào hôm 5.9. Trong đó có Trần Thị Phương Thảo ( ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), sinh viên (SV) năm thứ 6 Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Thông qua các phương tiện trực tuyến, các bác sĩ (BS) và các SV ngành y như Phương Thảo đang hỗ trợ từ xa cho F0 điều trị tại nhà.
Phương Thảo đã trở về quê ở xã Cam Thủy nhưng vẫn là điều phối viên của đội hình theo dõi sức khoẻ từ xa cho F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận 8, TP.HCM. Đội hình này gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm có lực lượng y sĩ, BS cùng các SV ngành y. Mỗi ngày, đội hình sẽ nhận danh sách F0 và tiến hành hỗ trợ điều trị cho các F0 bằng cách gọi điện thăm khám và theo sát diễn biến bệnh của F0 mỗi ngày, mỗi giờ.
Phương Thảo cho biết, vì ở TP.HCM hiện tại đang quá tải, đa số F0 đang điều trị tại nhà nên Trường ĐH Y Dược TP.HCM thí điểm mô hình hỗ trợ theo dõi trực tuyến sức khỏe các F0, đầu tiên là ở quận 10. Phương Thảo đã tham gia mô hình từ nửa đầu tháng 8 đến nay, hiện chuyển tiếp sang hỗ trợ địa bàn quận 8.
|
“Mỗi ngày, bọn em sẽ nhận bệnh nhân mới. BS sẽ liên hệ trước với bệnh nhân, xin thông tin để xem bệnh nhân có đồng ý được theo dõi không. Nếu đồng ý thì bọn em sẽ lập group, trong đó có BS, SV y khoa và bệnh nhân, rồi sẽ gọi video với bệnh nhân để đánh giá nguy cơ, đánh giá phân loại từng bệnh nhân, xem bệnh nhân nên theo dõi như thế nào. Nếu thấy nguy cơ thấp, bệnh nhân nhẹ thì SV năm 5, năm 6 trực tiếp theo dõi. Nếu có dấu hiệu trở nặng thì báo lại BS. BS đánh giá, nếu cần can thiệp thì báo lại team (đội hình) hiện trường”, Phương Thảo kể.
|
Ngoài việc hỗ trợ thăm khám và theo dõi sức khỏe của F0 điều trị tại nhà, các SV ngành y như Phương Thảo còn đảm nhận nhiệm vụ điều phối nhân sự của mô hình. Với nhiệm vụ này, mỗi ngày các điều phối viên sẽ liên hệ với các trạm y tế để được gửi danh sách F0 mới của địa phương. Sau đó sàng lọc, phân về các nhóm để theo dõi...
"Có đáng gì đâu so với vất vả ở tuyến đầu"!
Với công việc này, các SV trong đội hình theo dõi sức khỏe của F0 từ xa dường như đêm nào cũng thức đến 2 - 3 giờ sáng, bởi vì thêm một ngày mới, danh sách lại tăng thêm. Chưa hết, trong nhiều tình huống cụ thể, bệnh nhân có thể gọi để giải đáp thắc mắc hoặc báo tình trạng bệnh chuyển biến, bất kể giờ giấc.
“Vất vả thì chắc chắn rồi nhưng làm sao bằng các y sĩ, BS cũng như các bạn SV, tình nguyện viên ở tuyến đầu, đang trực tiếp chăm lo cho các bệnh nhân Covid-19”, Phương Thảo nói.
|
Đánh giá về công việc của mình, Phương Thảo cho biết các điều phối viên là SV có nhiệm vụ giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, hướng dẫn F0 sử dụng thuốc, sinh hoạt, ăn uống đúng để có sức khỏe chống dịch.
"Tuy vậy, cũng có đôi lúc phải làm cả công việc của nhân viên tâm lý để thăm hỏi, động viên tinh thần, tạo cho bệnh nhân có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Đây là những trải nghiệm đáng nhớ trong đời SV của em, là cơ hội để em có thêm kinh nghiệm từ các BS, từ các triệu chứng của bệnh nhân để áp dụng sau khi ra trường, chính thức điều trị bệnh nhân Covid-19”, Phương Thảo tâm sự.
Như tất cả những người đã dấn thân vào nghề y, điều khiến Phương Thảo và các thành viên đội hình điều trị F0 từ xa cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm công việc này chính là những bệnh nhân mà họ theo dõi từ những ngày đầu sau một thời gian điều trị đã khỏi bệnh.
|
“Mặc dù muốn tham gia chống dịch nhưng vì về quê rồi nên chương trình này cũng là cơ hội để tụi em có thể tham gia vào công cuộc chống dịch chung của thành phố”, Phương Thảo tâm sự.
Trước tình trạng quá tải đang diễn ra tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, cùng với đội hình ứng trực tại hiện trường, giờ đây những thành viên của mạng lưới hỗ trợ từ xa như Phương Thảo và các y sĩ, BS, SV ngành y đang trở thành chỗ dựa tin cậy cho các bệnh nhân F0 mắc Covid - 19 điều trị tại nhà.
Bình luận (0)