Phán xét người khác, từ vô cảm đến tàn nhẫn

08/10/2018 16:47 GMT+7

Khi nam ca sĩ Tuấn Hưng nhập viện sau khi show ca nhạc kỷ niệm 20 năm ca hát của anh bị hủy, nhiều người trên Facebook nói anh 'làm màu', 'diễn sâu', 'chắc mới đi chơi về mệt quá'…

Thậm chí, có những tài khoản người dùng mạng xã hội chia sẻ ảnh Tuấn Hưng và người nhà đang chăm sóc tại bệnh viện và bình phẩm “Ca sĩ mà đi xăm trổ khiếp nhỉ" hay "Ốm gì mà thần sắc tươi tỉnh, tóc vuốt keo, da trắng hồng”.
Trước đó, một cô bé 14 tuổi ở Thái Bình bị nhiều người đàn ông hiếp dâm tập thể, thay vì cùng phẫn nộ với hành vi phạm tội, nhiều người dẫn đường link của các bài báo về vụ việc lên Facebook của mình kèm nhiều bình luận rất ác ý về phía nạn nhân. “Con bé đó 14 tuổi nhưng cơ thể nở nang, phổng phao lắm”, “Con bé đó chắc cũng ăn chơi, hư hỏng chứ không phải dạng vừa”, đó chỉ là một vài trong số nhiều phán xét rất vô cảm của nhiều người.

Phán xét người khác khi chưa biết rõ sự việc như thế nào đang trở thành căn bệnh khó chữa của nhiều người trẻ. Với sự bùng nổ của các mạng xã hội, trong đó có Facebook, trào lưu phán xét nở rộ và nhiều khi trở thành tàn nhẫn.
“Tôi thật sự thấy cư dân mạng quá kinh khủng. Nếu nạn nhân vụ hiếp dâm là cháu, con của gia đình họ, họ có thể mạnh miệng buông những lời tàn độc như vậy không? Bé gái phổng phao hay hư hỏng, thì người ta có quyền chà đạp và hiếp dâm tập thể em đó hay sao?”, nhiếp ảnh Phùng Sơn làm việc tại TP.HCM lên tiếng vụ bé gái 14 tuổi bị hiếp dâm ở Thái Bình trở thành tâm điểm bị soi mói trên thế giới mạng.
“Cơ quan tôi có một chị mới tái hôn với một người đàn ông trẻ măng, mới ngoài 20 tuổi và chưa từng lập gia đình. Vậy là nhiều người xì xào và bàn tán, người phán chị này bỏ chồng theo trai trẻ. Người kết luận, anh này ham giàu nên lấy vợ già. Mới đây một cô bé đại diện cơ quan đi thi hoa khôi và giành giải nhất, mấy chị trong cơ quan cũng túm tụm lại nói cô bé đó đong đưa, 'mua giải', thật sự nhiều người quá nhiều chuyện”, Hoàng Thị Thu, 29 tuổi, làm việc tại văn phòng đại diện công ty mỹ phẩm L.H.T (đường Nguyễn Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) thở dài.
Jesse, 35 tuổi, người viết sách, quốc tịch Canada sống ở Việt Nam 8 năm, cũng cho hay anh quen với kiểu bị phán xét. “Tây mà cũng biết ăn nước mắm à?”, “Tây mà cũng đi xe đạp cơ?”, nhiều người không hề biết Jesse rành tiếng Việt nên nhiều khi phán xét bằng tiếng Việt ngay trước mặt anh. “Một số người có thói quen phán xét người khác, giống như kiểu đúng rồi...”, Jesse nói.
“Có một bộ phận người luôn không bằng lòng với những thành quả của người khác. Họ luôn phải bới móc, tìm kể cả một dấu tích gì rất nhỏ để hạ thấp người khác. Tôi cho rằng, đó chỉ là sự ghen tỵ, đố kỵ của một số người hẹp hòi”, Nguyễn Ngô Quỳnh Anh, 26 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội thẳng thắn.
MC, ca sĩ Lâm Chấn Kiệt, người thường đứng ra tổ chức nhiều đêm nhạc kêu gọi tiền cho nhiều mảnh đời khó khăn, thừa nhận anh không sốc khi bất ngờ đọc hay nghe được những bình luận ác ý về mình. Sự phán xét từ ngoại hình, giọng hát cho tới những việc làm từ thiện của anh, họ cho rằng anh đang làm điều này vì lợi ích cá nhân, có thể kiếm được chút ít tiền bạc trong số tiền thu được.
“Tôi nghĩ phán xét người khác đã trở thành bệnh nan y của nhiều người, nếu mình quan tâm thì e rằng chỉ mất thời gian, ảnh hưởng tới công việc của mình. Miệng là của người ta, họ nói gì mình không ngăn được. Tốt nhất, việc của mình hãy ráng làm thật tốt, điều tôi sợ nhất là làm những gì sai trái, tự lương tâm mình xấu hổ”, nam ca sĩ quê ở Gia Lai lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.