Tiến sĩ Phạm Văn Việt cho biết: “Tôi nghiên cứu về sản phẩm nước rửa tay, dung dịch có tính sát khuẩn từ năm 2017 do môi trường sống có quá nhiều mối lo ngại. Chuyên môn của tôi là vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu, nên tôi vận dụng các kiến thức mà mình đã học tập để nghiên cứu về việc sử dụng hạt nano kháng vi khuẩn, đồng thời cải tiến phương pháp tổng hợp. Công trình này được đăng tải trên tạp chí Journal of Photochemistry and Photobiology B. Biology, một tạp chí uy tín và có chỉ số IF cao, vào năm 2018”.
Sản phẩm nước rửa tay khô của tiến sĩ Việt có tên Ruta. Năm 2018, tiến sĩ Việt đã sản xuất thử nghiệm để dùng trong gia đình. Được sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, sản phẩm này đã được hoàn chỉnh các thủ tục để xin cấp phép của Bộ Y tế. Trước đó, Ruta đã có 12 kiểm nghiệm của Viện Pasteur, trong đó, những vi khuẩn khó diệt như lao cũng bị ức chế.
“Để đạt được kết quả này, ngoài sự cố gắng của bản thân, còn nhờ vào sự dìu dắt và tạo điều kiện rất nhiều của thầy tôi là PGS-TS Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Thầy là người tiên phong sử dụng dung dịch do tôi chế tạo và thôi thúc tôi hiện thực hóa giấc mơ thương mại sản phẩm từ phòng thí nghiệm”, tiến sĩ Việt chia sẻ.
Theo kế hoạch, ngày 7.2, các sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sẽ mang 1.000 chai dung dịch của tiến sĩ Phạm Văn Việt (loại 100 ml) phát miễn phí tại các vị trí có đông người qua lại như bến tàu, sân bay. Tại trường nơi mình công tác, tiến sĩ Việt cũng tặng 50 chai loại 500 ml để cán bộ, giảng viên, sinh viên có thể sử dụng trong thời điểm phòng chống dịch viêm phổi corona được đặt lên hàng đầu.
Nói thêm về việc tặng chai sát khuẩn, tiến sĩ Việt nhận định: “Giữa thời điểm dịch viêm phổi đang bùng phát trên toàn thế giới, trong đó VN cũng đã có 10 ca nhiễm bệnh, ai cũng lo lắng thực hiện các biện pháp phòng chống. Đây cũng là thời điểm các dung dịch sát khuẩn khan hiếm do cung không đủ cầu, tôi rất muốn phát miễn phí dung dịch sát khuẩn này để mọi người dùng. Không chỉ trong mùa dịch, tôi muốn mọi người cùng nhau tạo thói quen thường xuyên sử dụng các sản phẩm vệ sinh hằng ngày để phòng chống bệnh tật”.
Tiến sĩ Việt từng có 30 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế và 7 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước. Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, tiến sĩ Việt cho biết: “Tôi sẽ tập trung vào 2 hướng nghiên cứu chính. Thứ nhất là vật liệu nano ứng dụng trong việc xử lý các vấn đề của môi trường như ô nhiễm không khí, nước bẩn… Thứ hai là tổng hợp các vật liệu nano ứng dụng trong nông nghiệp như chữa bệnh cho cây trồng, kích thích tăng trưởng cho cây. Đây đều là những hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao vào những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu”.
Bình luận (0)