Sáng tạo máy in gốm 3D

30/08/2019 08:51 GMT+7

Nhóm sinh viên Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Công Trung (Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đã cùng chế tạo thành công máy in gốm 3D delta.

Sản phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng, thân thiện với môi trường và được trao giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, do Sở Khoa học - Công nghệ TP.Đà Nẵng tổ chức.
Lớn lên cạnh làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), ngắm nhìn những người thợ làng nghề cặm cụi quanh năm, vất vả nắng mưa với các sản phẩm gốm, Nguyễn Thành Đô tha thiết muốn làm một “cái gì đó” cho làng nghề.
Và chàng sinh viên khoa cơ khí khởi xướng ý tưởng sáng chế máy in 3D in được chất liệu gốm. Ý tưởng này ngay khi đưa ra đã nhận được sự đóng góp chất xám của những người bạn thân là Dũng và Trung.
Đô cho biết trước khi bắt tay vào sáng chế máy in gốm 3D, nhóm đã thử sức với những sản phẩm như máy tái chế nhựa, máy in 3D nhựa... Với sự hỗ trợ của tiến sĩ Lê Hoài Nam (Phó khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa, Đà Nẵng), máy in gốm 3D đã hoàn thành và tạo ra sản phẩm thử nghiệm hết sức thuyết phục; bởi trên thực tế, ứng dụng in 3D cho vật liệu gốm thuộc hàng “độc”, hàng hiếm ở VN. Theo Đô, thực tế nghề gốm truyền thống VN đối mặt với nhiều thách thức như lao động có tay nghề cao ngày càng hiếm, thời gian tạo hình cho sản phẩm khá mất thời gian…
Nguyễn Thành Đô cho biết mô hình máy in gốm 3D được thiết kế theo cơ cấu robot delta 3 khớp trượt. Qua thực nghiệm, máy in gốm 3D delta thực hiện các chuyển động trơn tru, với ưu điểm là in được các vật dụng bằng gốm không đối xứng, tròn xoay, có hình dáng, hoa văn phức tạp, in các sản phẩm gốm có kích thước thật (cao tối đa 80 cm), thời gian tạo hình vật liệu được rút ngắn nhiều lần so với các sản phẩm in 3D trên thị trường...
Đặc biệt là cụm đầu in và bộ tiếp liệu có chế tạo đơn giản, dễ dàng khi lắp ráp với robot delta. Công Trung cho biết đầu in chính là bí quyết thành công và giá rẻ của máy khi chi tiết này được chế với chi phí chưa đến 1 triệu đồng, kéo theo giá thành của sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm công năng tương tự trên thế giới.
Thành Đô ước mơ nhóm có thể phát triển sản phẩm, để tiến một bước xa hơn, đó là in được những sản phẩm phức tạp hơn, với nhiều kích thước, vật liệu khác nhau, thậm chí có thể in tượng, hay nuôi tham vọng in nhà 3D bằng xi măng hay những vật liệu thân thiện môi trường, có thiết kế phù hợp khí hậu và môi trường sống ở VN.
Tiến sĩ Lê Hoài Nam đánh giá cao về tính sáng tạo và ứng dụng của sản phẩm này. “Không chỉ đa dạng hóa các sản phẩm được in so với bàn xoay tròn truyền thống, thời gian nhanh hơn gấp nhiều lần mà sản phẩm còn được nhóm sinh viên hướng đến phát triển các sản phẩm in có kích thước khủng, làm mô hình giảng dạy, sản phẩm mẫu cho ngành kiến trúc...”, tiến sĩ Nam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.