'Sao mình phải trả lời bạn': Từ 'bắt trend' đến bắt nạt trên mạng

23/10/2019 20:19 GMT+7

Những ngày này, Facebook đang tràn ngập các dòng trạng thái có câu 'sao mình phải trả lời bạn'. Trước đó người ta 'bắt trend' với 'Nhà bao việc', 'Chị hiểu hôn', 'Thanh xuân như một ly trà', 'Cục xì lầu ông bê lắp'…

Trend ở đây được hiểu là xu hướng đang thịnh hành trên mạng xã hội, “bắt trend” là người sử dụng mạng xã hội có những bài viết, cập nhật trạng thái của mình liên quan xu hướng của số đông. Trend có thể bắt nguồn từ câu thoại của một diễn viên trong bộ phim ăn khách, câu nói của một người đang gây chú ý trên mạng xã hội, hay lời một bài hát đang được yêu thích, thậm chí là vụ ly hôn đang gây xôn xao... Có thời gian trend là “Cục xì lầu ông bê lắp” (lời Việt hóa của ca khúc Pumb It Up, được thể hiện bởi Danzel).
Những ngày qua, trend là "Sao mình phải trả lời bạn", bắt nguồn từ câu chuyện một bạn trẻ hỏi tài khoản Facebook Robert Chen, con mèo của anh ta mua ở đâu. Anh này đáp lại “Thế bạn nói xem sao mình phải trả lời bạn”.

Cục xì lầu ông bê lắp cũng trở thành trend

Ảnh chụp màn hình

Anh này cũng đưa hình hình ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại này lên mạng, kèm lời bình luận chê người hỏi anh ta là vô duyên... Câu chuyện được share mạnh trên mạng xã hội, và nó trở thành… trend, nhiều hình ảnh chế về câu “Sao mình phải trả lời bạn” sáng tác. Câu chuyện đã đi xa hơn, khi Robert Chen chủ thể của trend này bị tấn công trên mạng xã hội, người ta vào trang cá nhân của anh chửi bới, xúc phạm khiến anh này phải đóng trang cá nhân của mình.
“Từ 'bắt trend' đến bắt nạt trên mạng xã hội là một khoảng cách, nếu chúng ta không tỉnh táo, sẽ trở thành bắt nạt người khác, và gây tổn thương cho những người bị nhắc tới”, đó là bình luận của Đỗ Ngọc Bích, 28 tuổi, làm tự do trong lĩnh vực sáng tạo nội dung (freelancer copywriter).

“Bắt trend” cần có đạo đức người viết

Nhìn nhận dưới góc độ một người làm marketing online, chị Đỗ Ngọc Bích cho biết với người làm nghề viết như chị, trend như “Sao mình phải trả lời bạn”, “Nhà bao việc”, “Thanh xuân như một ly trà” không còn là mục đích giải trí mà là bắt buộc phải theo, bởi những bài viết tuân thủ thuật toán hiển thị và phân phối nội dung của các nền tảng internet marketing như Facebook, YouTube. Những bài viết “bắt trend” sẽ được ưu tiên hiển thị, dễ dàng tìm kiếm trên các nền tảng này. Do đó, khi các bài viết về thương hiệu cho khách hàng nếu bắt trend cũng sẽ đạt hiệu quả hơn.

Người trẻ có quá dễ vui?

Bình luận về hiện tượng câu nói gì cũng có thể trở thành xu hướng trên mạng, từ "Cục xì lầu ông bê lắp" tới "Sao mình phải trả lời bạn", anh Nguyễn Sỹ Hùng, 35 tuổi, nhân viên công ty A.P (đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM), cho rằng người trẻ bây giờ dễ vui quá, cái gì cũng có thể thành trào lưu: “Tôi có cảm giác giới trẻ hiện quá đam mê và tập trung vào trend trên mạng, không tập trung vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng. Có những câu nói mình không hiểu gì, nhưng vẫn phải nói theo mọi người để gây chú ý. Nhiều khi lướt web, thấy những bài viết, câu nói tào lao, tôi bỏ qua và thở dài”.
Tuy nhiên, theo chị Đỗ Ngọc Bích, vấn đề của người làm nghề sáng tạo nội dung, viết content là biết chọn trend để theo, và chọn cách khai thác với từng trend sao cho phù hợp với thương hiệu, không gây tác động tiêu cực tới xã hội, tới chủ thể, nguồn xuất phát của trend đó. Có những trend thú vị như "Thanh xuân như một ly trà", nó nhắc nhở chúng ta hãy trân quý thời gian tuổi trẻ để làm được nhiều điều. Nhưng ví dụ như vụ ly hôn của Song Jong Ki và Song Hye Kyo, ly hôn của vợ chồng ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, “bắt trend” trong những trường hợp này nó đều có khả năng có thể gây tổn thương cho người khác, xâm phạm đời tư của người khác.
Theo chị Bích, hiện tại việc “bắt trend” có nên hay không, và “bắt” như thế nào trong lĩnh vực marketing thì hiện nay chưa có giáo trình hay quy định cụ thể vì content marketing là ngành quá mới. Tuy nhiên người làm trong nghề vẫn phải tuân thủ đạo đức nghề viết, pháp luật nói chung. Đáng tiếc “đạo đức nghề viết” là khái niệm còn quá chung chung và cũng không bắt buộc nên phải trông chờ vào người viết, vào lãnh đạo công ty truyền thông, và vào chính khách hàng của công ty. Khách hàng và độc giả là người quyết định cuối cùng.

Trend thôi chưa đủ, cần chất lượng

Chị Thiệp Ngần, quản trị Fanpage Giáo dục tiểu học, Đồng hành cùng con có hơn 5.000 người theo dõi trên Facebook, cho biết chị đọc những tài liệu các chuyên gia hướng dẫn phải đăng status hằng ngày để từng chút một ghi khắc hình ảnh bạn vào tâm trí người dùng. Cần viết ngắn, hài hước, độc đáo, có hình ảnh đẹp và phải bắt trend. Lên Facebook ai cũng chỉ lướt, khiến họ dừng lại tường nhà bạn 5 giây là thành công. Tuy nhiên cá nhân chị Ngần không tuân theo quy luật này.
“Tôi thấy những câu vẩn vơ, ngắn, đọc chỉ vài giây và dù mắc cười bởi nó bắt trend. Nhưng đến khi đọc chừng vài chục cái status mọi người cùng viết như thế thì thấy nhảm, mất thời gian và mau chán. Chính những bài viết dài và không có hình ảnh bắt mắt mới là những gì tôi dừng lại lâu nhất, đọc trọn vẹn nó và biết ơn người viết. Không hẳn phải là một kiến thức hay bài học gì mới lạ. Mà chỉ cần đó là suy tư trăn trở của chính họ. Nó cung cấp cho mình thêm một góc nhìn khác. Marketing cần 'bắt trend', nhưng cũng cần chất lượng”, chị Ngần nói.
 

Dù người quen, hay chưa quen thì cũng nên lịch sự  

Xung quanh câu chuyện một bạn trẻ hỏi 'con mèo mua ở đâu' từ một tài khoản không quen biết - Robert Chen - trên mạng xã hội và người này bị phản hồi là vô duyên, mất lịch sự, nhiều bạn trẻ đã đưa ra ý kiến của mình.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, 24 tuổi, làm việc tại tòa nhà 311 Điện Biên Phủ, TP.HCM, cho biết chỉ bắt chuyện với người quen, người đã có mối quan hệ, có tương tác qua lại, trừ trường hợp đặc biệt cần gấp hay mối quan hệ làm ăn thì mới bắt chuyện.
“Ông bà ta có câu: 'Lời chào cao hơn mâm cỗ' vì vậy để bắt chuyện đàng hoàng thì nên chào hỏi, giới thiệu tên, nói lý do vì sao mình biết đến người đó rồi mới đến vấn đề mình cần hỏi”, Mỹ Duyên cho biết.
Việc chào hỏi trên mạng xã hội khi nhờ hoặc đặt vấn đề với ai đó rất quan trọng, anh Lê Hoàng Tuấn, 22 tuổi làm nhân viên văn phòng tại Q.5, TP.HCM, cho biết: “Cho dù người chưa quen, hay đã quen biết thì cũng nên lịch sự chào hỏi trước khi vào một vấn đề nào đó”.
Không nhắn tin, tranh cãi với người lạ
Chị Lê Thị Thanh Nhi, 25 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết chị không bao giờ nhắn tin với người lạ. “Nếu một ai đó nhắn tin cho mình mà mình không quen biết thì sẽ không nhắn lại, còn ai mà bình luận vấn đề mình không thích hay có những lời khiếm nhã thì mình không bình luận lại, không tranh cãi”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết nếu nói chuyện qua mạng xã hội, đặc biệt với người lạ, chúng ta cũng phải lịch sự và cần có nội dung cụ thể. “Nếu mình có trả lời thì nội dung phải chứa nhiều giá trị, không mang hướng tiêu cực, không sáo rỗng, xuyên tạc, lời lẽ tục tĩu...”, chị Duyên chia sẻ.
Tấn Đạt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.