Sinh viên đau đầu với... 3 chữ T

29/10/2018 07:47 GMT+7

Thời gian, tiền bạc và tình yêu là 3 chữ T mà hầu hết sinh viên đều đau đầu bởi những câu hỏi làm sao quản lý được các khoản này để không ảnh hưởng đến việc học.

Yêu để trưởng thành hơn?
Trong chương trình tọa đàm với chủ đề “Sinh viên với 3 chữ T”, diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM ngày 26.10, Nguyễn Hoài Nam, sinh viên (SV) trường này thắc mắc: “SV có nên yêu hay không, vì ba mẹ thường bảo “lo học chứ đừng có yêu đương”. Và làm thế nào để yêu mà vẫn không ảnh hưởng đến việc học?
Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự, Phó viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế INTIC, để một tình yêu trở nên hữu ích đối với quãng thời gian SV, khi yêu, dành thời gian bên cạnh nhau là chuyện rất dễ dàng nhưng nếu dành thời gian đó để vừa bên cạnh nhau vừa cùng phát triển như cùng học, rèn luyện thể thao... thì dù là một điều rất khó nhưng nếu làm được sẽ rất tốt cho cả hai.
Còn câu hỏi “SV có nên yêu hay không?”, ông Trần Trinh Tường (diễn giả truyền cảm hứng cho người trẻ) hài hước: “Sống độc thân cũng không sao, nhưng yêu thì càng tốt vì bạn sẽ học được rất nhiều. Khi yêu, bạn sẽ biết được cách giao tiếp, hiểu tâm lý phụ nữ nhiều hơn, trở nên ga lăng hơn và đặc biệt tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Còn các bạn nữ khi yêu sẽ trưởng thành và đẹp hơn rất nhiều. Cho nên SV hãy cứ yêu đi và yêu theo cách để làm nhau trở nên tốt đẹp hơn”.
“Tiền đâu mất rồi, tiền đi xa quá”

“Nhẵn tiền vào cuối tháng mà không biết mình đã chi tiêu những gì. Lúc thì chắt chiu, lúc lại “vung tay quá trán”, áy náy mỗi khi thấy bố mẹ lo toan học phí... là câu chuyện lặp đi lặp lại với SV”, Trần Thị Mỹ Ngọc, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ.
Ông Sự khuyên mỗi SV nên gạt bỏ những suy nghĩ sai lầm như “tôi sẽ quản lý khi tôi có nhiều tiền”. Câu này chẳng khác gì câu “tôi sẽ chăm chỉ khi tôi được điểm 10”. Nếu tiền ít mà không quản lý được thì làm sao quản lý khi có nhiều tiền. “Và nếu không biết quản lý tốt những gì ta đang có thì cuộc sống sẽ chẳng bao giờ cho bạn thêm cái gì”, ông Sự nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Sự bật mí những cách giúp SV có thể tiết kiệm được các khoản chi tiêu: “Xin bằng được vào ở KTX; lân la để mượn hoặc xin giáo trình của các khóa trước; phân biệt giữa những thứ cần mua và muốn mua; săn những chương trình khuyến mãi, giảm giá; nên ăn no trước khi đi mua sắm, vì lúc chúng ta đói thì thấy gì cũng muốn mua...”.
Về câu chuyện đi làm thêm, ông Tường chia sẻ: “Hầu hết SV làm thêm nhưng chỉ bán sức lao động của mình để rồi ảnh hưởng đến sức khỏe mà bản thân lại không học được gì. Nếu không tìm được những việc đúng chuyên ngành thì vẫn có thể làm thêm ở công việc khác nhưng vẫn học được nhiều kỹ năng từ công việc đó. Chẳng hạn, làm từ những cửa hàng nhỏ, sau đó xin vào các công ty từ quy mô nhỏ đến lớn để học cách người ta quản lý, vận hành, rồi từng bộ phận làm việc như thế nào. Hoặc bạn có thể tập kinh doanh để ra trường bắt tay vào khởi nghiệp...”.
Ta có quản lý được thời gian?
“Tại sao chúng ta hay ước một ngày nhiều hơn 24 tiếng? Tại sao hay đổ lỗi là ta không có đủ thời gian? Có phải vì không quản lý được thời gian của mình?”, Huỳnh Thị Minh Thư, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, hỏi.
Ông Sự khẳng định: “Thời gian là thứ chúng ta không thể nào quản lý được, nhưng ta có thể quản lý bản thân để kiểm soát tốt được vấn đề này”.
“Hãy viết ra tất cả những công việc phải làm, đặt thứ tự ưu tiên cho danh sách bạn vừa viết ra, lên kế hoạch cho một tuần, học cách nói không và từ chối khi có thể. Đừng quá cầu toàn, kỷ luật với bản thân...”, ông Sự khuyên.
Ông Sự cũng cho rằng thứ tự ưu tiên là điều vô cùng cần thiết. Vì thế, thứ hạng đầu tiên nên dành cho những việc vừa quan trọng vừa gấp, ưu tiên thứ hai là quan trọng nhưng không gấp. Nếu thấy quan trọng nhưng không gấp mà không làm thì sẽ trở thành vừa gấp vừa quan trọng. Lúc đấy cuộc sống sẽ mãi xoay vòng trong áp lực và công việc sẽ không hiệu quả.
“Quan trọng là phải hiểu được giá trị của thời gian. Vì thông thường, khi người ta biết được mình còn bao nhiêu thời gian để làm điều gì đó thì mới quý từng phút từng giây. Chính vì thế, SV năm thứ 3, 4 thường học có hiệu suất hơn SV năm thứ nhất. Nhưng nếu xác định được từ đầu thì sẽ tốt hơn cho bản thân rất nhiều”, ông Sự chỉ rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.