Lần đầu xa nhà, ngày tôi lên đường nhập học, vì biết ba đang tưới cà phê, còn mẹ luôn tất bật với gánh hàng rong, nên tôi đã ngỏ ý xin ba mẹ cho phép tự lên đường một mình. Nghe tôi nói, ba mẹ ngạc nhiên lắm vì cô con gái út bé bỏng ngày nào đã đủ can đảm để tự tin một mình bước ra chân trời mới.
Mẹ dẫn tôi đi chợ, sắm cho tôi đủ thứ từ đồ đạc cá nhân, bọc dưa leo, chùm mận, thanh long chín đỏ mọng đến bọc thuốc dự phòng vì nhỏ giờ tôi luôn bệnh tật triền miên. Lần đầu xa nhà, mẹ dặn dò con gái đủ thứ chuyện “trên trời dưới đất” nhiều đến mức tôi thuộc làu làu từng từ, từng chữ. Lúc tạm biệt ba mẹ ở bến xe tỉnh, tôi đã cố kìm nén cảm xúc để ba mẹ yên lòng. Xe vừa xuất bến, bóng mẹ vừa khuất, tôi vội trùm mền và khóc thút thít vì dù sao đây cũng là lần đầu tiên xa nhà. Tôi nằm trên ghế, mắt nhắm tịt, tai nghe mở to gần hết cỡ vì không muốn nghe, không muốn chứng kiến cảnh đám con trai cao hơn mình cả một cái đầu vẫn được mẹ chăm sóc. Rồi tôi tự nhủ “Cố lên! Mày mạnh mẽ lắm mà. Rồi sẽ làm được thôi!”.
|
Xuống xe, táp vào mặt tôi là cơn gió oi nồng nơi đất khách khác hẳn với bầu không khí mát mẻ nơi quê hương “chôn rau cắt rốn”. Giữa bến xe tấp nập người, tôi bắt gặp vô số bạn tân sinh viên từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn, chỉ khác một điều họ có ba mẹ đi cùng, còn mình thì không.
Tôi đứng nép vào một góc của bến xe, tay ôm khư khư chiếc túi đồ nặng chịch, Nhìn hai thùng đồ trước mặt, tôi khẽ thở dài. Ngày lên đường, dù ba đã ngăn cản “Ba cho tiền vào Sài Gòn mà mua, mang từ nhà đi làm chi cho vất vả”, nhưng vì muốn tiết kiệm từng đồng bạc lẻ, tôi cố gắng mang theo đống đồ lặt vặt, nào là đôi đũa, cái bát nhựa, ly uống nước, mền, gối. Mẹ chiều con gái nên đóng gói đồ đạc thật cẩn thận. Mẹ dặn, thấy bạn nam nào thì xúm lại nhờ xách giùm, nhưng tôi ngại nên chẳng dám mở miệng nhờ vả ai.
Trời còn chưa tỏ nhưng Sài Gòn đã huyên náo, nhộn nhịp. Tôi rảo mắt nhìn quanh, thấy cả đám xe ôm đang tranh nhau kéo khách. Mặc dù trong lòng muốn “vẫy” đại một chiếc xe ôm nào để nhanh nhanh đến ký túc xá đăng ký phòng cho kịp giờ, nhưng lại không đủ can đảm ngồi sau lưng người lạ đi giữa màn đêm. Đến khi trời sáng hẳn, tôi cũng đủ can đảm ôm balo ngồi sau lưng một bác xe ôm lần đầu gặp mặt. Cũng chả hiểu sao tôi thấy ở bác sự gần gũi, thân thương. Suốt đoạn đường dài, bác kể cho tôi nghe đủ chuyện. Bác còn dặn: “Lên Sài Gòn rồi ráng học hành nghe con! Đừng ăn chơi đua đòi tội ba mẹ ở quê vất vả!”. Tôi ngồi sau, lắng tai nghe những lời tâm sự của bác. Lòng chợt ấm vì hóa ra Sài Gòn vẫn có những con người dễ thương đến vậy!
|
Thuở ấy, tới ký túc xá đăng ký chỗ ở, lên trường làm hồ sơ nhập học, ở đâu tôi cũng gặp những anh chị tiếp sức mùa thi rất nhiệt tình. Các anh chị tình nguyện viên nhiệt tình phụ tôi bê đồ lên tận phòng, hướng dẫn tôi từ những điều đơn giản nhất từ đi lại ra sao, sinh hoạt như thế nào. Sợ tôi không ăn quen cơm tiệm, mỗi tháng mẹ đều gửi đồ ăn nấu sẵn lên cho tôi. Mở thùng quà của mẹ, tôi bật khóc khi thấy mẹ gói ghém từng thức quà quê, trái ổi chín trong vườn, hũ măng ngâm, hột vịt kho tàu, chà bông, thịt gà kho xả ớt… toàn những món tôi thích ăn. Bạn bè trong ký túc xá cùng cảnh ngộ xa nhà nên giúp đỡ, đùm bọc, coi nhau như anh em một nhà. Mỗi dịp ba mẹ của đứa nào ở quê gửi đồ lên, cả đám hớn hở chạy ra tận cổng ký túc xá đón, cùng phụ nhau bê thùng đồ lỉnh khỉnh, rồi cùng ngồi tụm lại, chia nhau từng củ khoai, trái cóc, trái mận. Những ngày tháng ấy vui vô cùng!
Khắc khoải nhớ thương, cô đơn, lạc lõng là những cảm xúc không thể tránh khỏi của những sinh viên lần đầu xa nhà. Thế nhưng, đây lại là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người. Là cơ hội để những đứa trẻ bé bỏng thoát khỏi sự bảo bọc của mẹ cha và khẳng định tinh thần tự lập của bản thân.
Năm tháng qua đi, giờ tôi đã là cô sinh viên năm cuối, đã tự biết cách hòa nhập với cuộc sống phồn hoa nơi phố thị. Nhớ lại lần đầu xa nhà, tôi bật cười, lòng tràn ngập niềm tự hào khi nhớ về lời hứa năm xưa: “Con làm được! Ba mẹ không cần lo cho con đâu!”.
Bình luận (0)