Tết của những người gác rừng

24/01/2011 10:04 GMT+7

Đêm giao thừa miền núi biên giới năm nào cũng giá rét, thế nhưng các anh vẫn miệt mài từng bước tuần tra.

Giáp Tết Tân Mão, đúng vào dịp truy quét lâm tặc, anh Nguyễn Văn Luyện chỉ kịp điện thoại về nhà báo với người vợ thân yêu: “Em biết đó, năm nào anh cũng phải trực tăng cường mà. Em đừng buồn, ráng lo cho các con em nhé”. Đã nhiều năm qua, đón tết xa nhà, xa người thân không còn xa lạ với những người gác rừng phòng hộ đầu nguồn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đêm giữa rừng già hơi đá lạnh buốt, trong căn nhà gỗ các anh lại chong đèn dầu ngồi canh gác, mắt nhìn đăm đăm vào màn đêm. Cứ  thấy có dấu hiệu khả nghi là các anh lại bật dậy, vội vã lao nhanh vào rừng.

Năm nay, người giữ rừng A Lưới phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi trên toàn huyện có đến 15 tuyến đường công vụ nối dài đến tận biên giới Việt - Lào. Anh Lê Văn Lục cho biết: “Như thành thông lệ, trước, trong và sau tết đều là thời điểm người dân đổ xô vào rừng. Năm nay, khi tuyến đường công vụ phục vụ cho việc tôn tạo, trùng tu cột mốc biên giới Việt - Lào được mở rộng thì tình hình càng trở nên phức tạp”.

Nắm được nhu cầu mua sắm tết, nhiều đầu nậu đã tung tiền ứng trước cho người dân để buộc họ vận chuyển gỗ rừng trái phép. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới, huyện A Lưới nói: “Xác định thời điểm trước và trong tết là thời điểm hoạt động rầm rộ của lâm tặc nên chúng tôi đã thực hiện nhiều chiến dịch truy quét. Mỗi chiến dịch kéo dài 10 ngày, anh em các đơn vị được điều động đóng trại giữa rừng để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng tận cội”.

Vậy là thay vì được ở bên những người thân đón cái tết ấm áp, 20 chiến sĩ bảo vệ rừng của Ban QLRPH A Lưới phải băng rừng, vượt suối để giữ màu xanh. “Nhận được lịch trực mình quen rồi, không buồn nữa, chỉ thương cho vợ con”, anh Lê Thanh Tong tâm sự.

Những người gác rừng thuộc Ban QLRPH A Lưới chủ yếu là những thanh niên vừa mới lập gia đình. Là trụ cột trong nhà, các anh phải gác lại nghĩa vụ của người chồng, người cha để vào rừng. Ngôi nhà cũ không sơn phết, bánh chưng, bánh tét không ai nấu, mọi lo toan các anh đành để lại cho người vợ thân yêu của mình gánh vác. Anh Nguyễn Văn Quang, quê ở huyện Phú Lộc, thổ lộ: “Khi chưa vào nghề, mỗi lần xa nhà tôi hiểu vợ con trông ngóng như thế nào. Đã 4 cái tết trong rừng, cũng nhớ nhà nhưng giữ rừng còn quan trọng hơn”.

Các anh được phân công chốt tại 5 trạm, bao gồm: A Roàng, Hương Lâm, Hương Phong, Mỏ Quạ và Mù Nú, trong đó trạm Hương Phong và Mù Nú là những điểm xa nhất, không điện, không thiết bị liên lạc. Ngày tết đến cũng hạt dưa, mứt bánh, nhánh lan rừng làm cảnh, nhưng thay vì không khí đầm ấm bên nồi bánh cùng cả nhà thì cái mà các anh có chỉ là cây rừng, tiếng hú của vượn.

Một ngày giáp tết, chúng tôi đến trạm Hương Phong - nơi “cửa rừng” và là trọng điểm cần bảo vệ - thì được biết những nhân viên trong trạm đã được điều động đi truy quét lâm tặc. Anh Nguyễn Văn Nam cho biết, nơi chúng tôi đứng chỉ đi thêm vài bước chân nữa sẽ đến bên kia đất bạn Lào. Mặc dù chập choạng tối trời rất rét nhưng trong trạm chỉ còn một người trực, hai người còn lại đang vạch rừng đi tuần.

Nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng già, trạm gác chỉ là một căn nhà gỗ đơn sơ, mỗi khi có cơn gió lạnh thổi qua, ngọn đèn dầu cháy liêu xiêu rồi tắt phụt. Không khí tết đang về, nhưng vẫn còn đó những người đang ngày đêm giữ từng cây rừng trong giá rét, đối mặt với những thủ đoạn nguy hiểm của bọn lâm tặc.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.