Thành công ở những làng thanh niên lập nghiệp

25/02/2021 07:04 GMT+7

Từ những bàn tay trắng lên núi lập nghiệp ở những vùng rừng thiêng nước độc, giờ đây đã có người trở thành tỉ phú. Đó là thành công ở những làng thanh niên lập nghiệp do Tỉnh đoàn Nghệ An gầy dựng.

4 làng thanh niên lập nghiệp tiêu biểu

Từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm của T.Ư Đoàn, Nghệ An đã triển khai xây dựng thành công 4 làng thanh niên lập nghiệp (TNLN), trở thành mô hình tiêu biểu của toàn quốc. Các dự án làng TNLN này đã phát huy hiệu quả tốt với các mô hình sản xuất phát triển kinh tế, được nhân rộng cho nhân dân trong vùng dự án áp dụng.
Kể về sự ra đời của những làng TNLN này, anh Nguyễn Văn Bảo, Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Nghệ An, cho biết phía tây tỉnh Nghệ An là vùng miền núi đặc biệt khó khăn, là vùng trọng điểm về an ninh biên giới. Trước đây là khu trung tâm bọn phỉ hoạt động và là nơi sản xuất, buôn bán thuốc phiện. Vì vậy, tình hình quốc phòng, an ninh rất phức tạp, KT-XH rất kém phát triển. Đây là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, nhưng lại là vùng có địa hình hiểm trở, hạ tầng còn yếu kém, trì̀nh độ dân trí và nguồn lao động có chất lượng thấp, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là du canh du cư.
Vì vậy, TNXP Nghệ An định hướng phát triển lực lượng TNXP là tiếp tục xây dựng mô hình làng TNLN, gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ở xã đặc biệt khó khăn. “Đây được xem như là một trong những giải pháp tích cực của thanh niên góp phần vào việc phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở những vùng miền núi, vùng biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn”, anh Bảo nói.
Tuy nhiên, anh Bảo cho biết từ những vùng đất trống, đồi núi trọc và đất rừng không có giá trị về kinh tế, thông qua việc thực hiện các dự án phát triển KT-XH, các làng TNLN khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai vùng dự án. Đặc biệt, đến nay các hộ tại làng TNLN đã cơ bản ổn định đời sống vật chất; tinh thần đã được nâng cao, các hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. “Cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt do dự án đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần rất lớn vào việc phát triển KT-XH và đời sống của người dân”, anh Bảo cho hay.

Tỉ phú từ rừng thiêng

Để xây dựng thành công các làng TNLN, anh Bảo cho biết các Tổng đội TNXP đã trực tiếp cùng thanh niên vào rừng, tổ chức di dân, khai hoang xây dựng được các vùng trồng cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn, gồm các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh như: vùng trồng cây chè gần 1.000 ha, vùng trồng rừng sản xuất, thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn... Ngoài các cây chủ lực, để khai thác triệt để quỹ đất, nâng cao hiệu quả sản xuất và lấy ngắn nuôi dài, các tổng đội còn tổ chức cho nhân dân khai hoang trồng các cây lương thực như lúa, ngô, cây hoa màu... Bên cạnh đó, các làng đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế như trồng hoa, cây dược liệu; mở rộng mô hình nuôi gà đen đặc sản tại trung tâm làng; trồng rau sạch... “Với điều kiện khí hậu đặc thù phù hợp cho các loại rau đặc sản, rau trái vụ phát triển tốt, cán bộ kỹ thuật của làng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình các loại rau cho thu nhập cao. Mỗi năm các mô hình tại làng đã cho thu nhập trên 150 - 200 triệu đồng”, anh Bảo chia sẻ.
Một trong 4 làng TNLN tiêu biểu được xây dựng thành công ở Nghệ An là làng TNLN Sông Rộ (H.Thanh Chương). Tại đây đã có những tỉ phú làm giàu từ đôi bàn tay trắng. Chia sẻ về ngôi làng này, anh Hoàng Văn Đông, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 tỉnh Nghệ An, cho biết năm 2000, anh xách ba lô vào rừng vận động thanh niên đến lập nghiệp tại đây. “Lúc đi, họ đều là những hộ thanh niên nghèo, đời sống khó khăn, thậm chí tài sản duy nhất mang theo chỉ là chiếc ba lô có vài bộ quần áo. Thế nhưng giờ đây có những hộ dân tài sản lên tới 5 - 7 tỉ đồng”, anh Đông cho hay.
Anh Đông kể khi các thanh niên đến lập nghiệp, ở đây còn là khu rừng thiêng nước độc, đường sá đi lại khó khăn. Các hộ dân được hỗ trợ tiền làm nhà, mua sắm dụng cụ sản xuất ổn định đời sống; được giao khoán đất để trồng rừng, trồng trọt chăn nuôi. “Đến nay, đời sống các hộ dân được nâng cao, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Có những hộ dân đã đầu tư mua máy móc phục vụ việc khai hoang, sản xuất. Và từ bàn tay trắng, giờ ở làng đã có vài hộ dân có giá trị tài sản từ 5 - 7 tỉ đồng. Làng đã thu hút 150 hộ dân với 600 nhân khẩu vào sinh sống, lập nghiệp. Trước đây, việc vận động còn khó khăn chứ giờ có đuổi họ cũng không về”, anh Đông phấn khởi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.