Thanh Niên 35 năm phát hành số đầu tiên: Gieo niềm tin cho bước đường tương lai

17/12/2020 08:37 GMT+7

'Nhờ bài báo mà tôi được người thân trong gia đình tin tưởng hơn, biết bây giờ tôi làm công việc cụ thể ra sao”. Đó là tâm sự của Đặng Trung Hiếu, nhân vật trong bài viết trên Báo Thanh Niên cách đây không lâu.

Khoảng cuối tháng 10.2020, tôi được sự giới thiệu từ một người bạn về chàng trai đang trong hành trình khởi nghiệp bằng nghề khá lạ, không theo trào lưu nào, không bỏ phố về quê, không mở quán bán hàng hay kinh doanh đồ thời thượng. Chàng trai này “đi ngược xu thế”, hướng đến giá trị khởi nghiệp bằng bộ môn khoa học mà hầu như ít bạn trẻ nào dám theo đuổi: làm tiêu bản động vật.
Hiếu khẳng định nghề này đã có từ rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam hoàn toàn mới mẻ, rất ít người dám theo đuổi nó bởi quá khô khan, cực nhọc, khó học và nhất là khó kiếm được tiền nếu tay nghề kém. Mỗi sản phẩm làm ra điều phải đẹp, đạt đúng tiêu chuẩn vì sai lầm không dành cho nghề này.
Thấy điểm khá đặc biệt, tôi bèn đến gặp Hiếu tìm hiểu để viết bài. Thực sự khi nghe anh giới thiệu về các mô hình tiêu bản, tôi mới hiểu được việc chế tác không phải người nào cũng làm được. Rồi Hiếu kể với tôi về hành trình, về cách mình đến với nghề sau thời gian dài ra trường làm việc. Từ một người học về thiết kế đồ họa, Hiếu lấn sân sang làm tiêu bản chỉ vì đam mê khoa học mẫu vật động vật. Anh ở nhà tự học bằng sách, lên mạng tìm kiếm thông tin. Từ những tiêu bản côn trùng, anh ra chợ mua thêm cá, gà... về nhà rồi tự tay mình thực tập. Thời gian sau, anh làm được nhiều tiêu bản hơn, hợp tác với các bảo tàng lớn như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Nam Cát Tiên để làm những tiêu bản động vật rừng quý hiếm. Những cá thể động vật hiếm cũng một tay Hiếu chế tác cho các bảo tàng này.
Trong lần gặp lại thứ hai, anh chia sẻ nhiều dự định sắp tới của mình. Nhìn vào mắt Hiếu, tôi không khó nhận thấy khát khao mãnh liệt với dự án khởi nghiệp của anh. Tuy vậy, trước đó Hiếu từng chia sẻ với tôi nhiều điều anh còn trăn trở. Đó là khi bắt tay vào làm, gia đình chưa thật sự hiểu được công việc của Hiếu ra sao. Đến khi bài báo Chàng trai mua cá ngoài chợ về học làm tiêu bản đăng trên báo Thanh Niên, mới có một số thay đổi nhất định. Một số đơn vị sau khi đọc báo Thanh Niên đã liên hệ, mời Hiếu hợp tác vài dự án làm tiêu bản lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Mới đây,  khi gặp lại phóng viên Thanh Niên, Hiếu cho biết: “Bây giờ gia đình có niềm tin về công việc của tôi hơn”. Sự tin tưởng dù nhỏ nhoi nhưng đối với Hiếu đó là niềm tin lớn để vững bước tiếp tục trên con đường đầy khác biệt của mình. Và đó chính là những gì mà Hiếu cần nhất lúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.