Thanh niên nông thôn khó tiếp cận vốn vay để khởi nghiệp

24/12/2018 16:02 GMT+7

Nhiều thanh niên Đồng Nai gửi gắm đến Bí thư Tỉnh ủy là việc tiếp cận nguồn vốn vay cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn khởi nghiệp, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 21.12 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã có buổi đối thoại với thanh niên trong tỉnh nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất những giải pháp nhằm giúp thanh niên tháo gỡ khó khăn, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi.
Trình bày với Bí thư Tỉnh ủy, anh Lê Phi Long (đoàn viên xã Bình Sơn, H.Long Thành),chia sẻ mặc dù biết tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án xây dựng sân bay Long Thành, tuy nhiên anh và nhiều thanh niên khác ở địa phương vẫn băn khoăn về định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế từ những xã có quy hoạch sân bay cũng như các khu công nghiệp sẽ như thế nào để có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp. Anh Long mong được biết thêm về những chủ trương, định hướng của tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực để vừa giải quyết việc làm cho thanh niên, vừa đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp.
Các đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại
Các đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại Ảnh: Lê Lâm
Trả lời vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ định Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai Phạm Văn Cộng giải đáp thắc mắc cho các bạn thanh niên. Theo ông Cộng, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 11 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, mỗi năm tuyển sinh gần 15.000 SV để đào tạo. Các công ty trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hàng năm từ 60.000-70.000 lao động. Riêng khu vực Long Thành-Nhơn Trạch chiếm khoảng một nửa. Vì vậy, khi dự án sân bay Long Thành khởi công, nếu người lao động muốn có việc làm ngay thì Sở sẽ giới thiệu vào làm tại các doanh nghiệp. Còn ai muốn đi học nghề thì giới thiệu đến các trường nghề. Đối với những người không còn đủ khả năng, sức khỏe để học nghề thì Sở sẽ bố trí vào làm việc lại khu đất rộng 300ha. “Đây là nơi mà trong dự án thu hồi đất UBND tỉnh Đồng Nai dành ra để thực hiện trồng rau sạch, chăn nuôi và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp”, ông Cộng nói.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay

Tại buổi đối thoại, một vấn đề được nhiều thanh niên Đồng Nai gửi gắm đến Bí thư Tỉnh ủy là việc tiếp cận nguồn vốn vay cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn khởi nghiệp, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Anh Đoàn Minh Tuấn, thành viên CLB cây ca cao ở xã Gia Canh (H.Định Quán), cho biết thanh niên làm kinh tế luôn có nhu cầu vay vốn, tuy nhiên việc tiếp cận rất khó khăn. Trong khi đó, đối với Quỹ "Đồng hành với thanh niên Đồng Nai” do Tỉnh đoàn quản lý và nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội dễ vay, lãi suất thấp hoặc không tính lãi nhưng nguồn vốn lại rất hạn chế.
Giải đáp thắc mắc này, Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình cho hay Quỹ “Đồng hành với thanh niên Đồng Nai” là quỹ được vận động tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân. Tổng số tiền của quỹ hiện nay chỉ khoảng 1,1 tỉ đồng đã cho vay hết.
Theo ông Bình từ trước đế nay Sở Tài chính chưa nghe Tỉnh đoàn báo cáo, đề xuất gì về việc cần bổ sung nguồn vốn nhà nước cho quỹ này. “Nếu có, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung vốn nhà nước cho quỹ này ngay”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội (Chi nhánh Đồng Nai) trình bày tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách hiện nay gần 2.300 tỉ đồng, hiện có 106.000 khách hàng đang vay nợ. Ngân hàng cũng đang ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể cho vay, trong đó có Đoàn thanh niên với số tiền 180 tỉ đồng.
Hàng năm Ngân hàng chính sách xã hội đều chú trọng tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên đi học và thanh niên lập thân, lập nghiệp. Qua ý kiến của đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại, lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội hứa sẽ xem xét, nghiên cứu để tăng nguồn vốn cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các bạn thanh niên dễ dàng tiếp cận, vay vốn làm ăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.