Thanh niên nông thôn ly hương, Hội Liên hiệp Thanh niên địa phương khó hoạt động

11/12/2019 18:27 GMT+7

Thiếu kinh phí hoạt động, thiếu luôn cả người tham gia hoạt động, vì hầu hết thanh niên nông thôn bỏ quê ra thành phố kiếm sống , là khó khăn của Hội Liên hiệp Thanh niên các địa phương.

Thảo luận tại diễn đàn “Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh” chiều 11.12 trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, anh Trần Trung Kiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), cho biết huyện Thiệu Hóa có đến trên 45.000 thanh niên, 28 tổ chức hội Liên hiệp Thanh niên, nhưng hoạt động vẫn gặp nhiều khó khăn, do thiếu cán bộ (nhiều người phải kiêm nhiệm), thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên.
Xác định việc căn bản nhất là phải phát triển được hội viên, sau đó đến việc phải tổ chức nhiều hoạt động lôi cuốn thanh niên tham gia, nhưng theo anh Kiên, hiện thực hóa việc đó không đơn giản.
“Muốn tập hợp anh em tham gia thì phải quan tâm đến lợi ích của họ, như tổ chức các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế. Thanh Hóa có ban hành Đề án 3815 về hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế và năm ngoái Tỉnh đoàn đã được hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng cho hoạt động này, trong đó, Thiệu Hóa tranh thủ được hơn 1 tỉ đồng”, anh Kiên nói, nhưng cũng cho rằng con số này là quá nhỏ.

Anh Huỳnh Trung Nhân chia sẻ kinh nghiệm thành lập hội Liên hiệp Thanh niên tại doanh nghiệp nước ngoài

Ảnh V.H

Để xóa đói, giảm nghèo, thanh niên Thiệu Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung vẫn phải ly hương kiếm sống. “Đi đâu cũng gặp người Thanh Hóa. Không chịu đói nghèo, học xong cấp 3 là thanh niên đi kiếm sống ở các thành phố lớn, nên rất khó khăn cho hoạt động Đoàn, Hội”, anh Trần Trung Kiên nói.
Chị Vì Kiều Oanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Sơn La, cũng nêu thực trạng tương tự: “Ở Sơn La hiện nay, triệu tập được thanh niên cơ sở tham gia các hoạt động của Hội là rất khó khăn. Ví dụ chúng tôi đề xuất thành phố Sơn La trưng tập cho 500 người là rất vất vả. Số lượng hội viên thanh niên trên địa bàn dân cư có báo cáo trên giấy là từng này, từng này người, nhưng đều đi làm ăn xa”.

Khó thu hút công nhân trong doanh nghiệp tham gia hoạt động Hội

Đại diện hội Liên hiệp Thanh niên của một số doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng "kêu" khó về việc kêu gọi lực lượng tham gia, vì công nhân quá bận bịu với việc kiếm sống.
Anh Huỳnh Trung Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên Việt Nam ở một doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Trà Vinh, cho biết Chi hội đã thành lập gần 2 năm, nhưng đến nay mới thu hút được gần 20 hội viên.
“60% lực lượng công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp là thanh niên, nhưng rất khó tổ chức hoạt động. Mỗi ngày phải làm việc 8 tiếng, tăng ca 2 tiếng là 10 tiếng. Tuần làm việc 6 ngày, thậm chí chủ nhật cũng có khi tăng ca. Chúng tôi không biết tổ chức hoạt động vào lúc nào”, anh Nhân nói.
Để thu hút nhiều công nhân tham gia hơn nữa, anh Nhân kiến nghị nên có chương trình khởi nghiệp cho công nhân, hỗ trợ họ phát triển kinh tế riêng, ngoài thời gian làm ở công ty.
Ngay khi nghe câu chuyện này, đại diện tỉnh Thanh Hóa đã đứng lên đề nghị Trà Vinh chia sẻ kinh nghiệm, vì Thanh Hóa muốn phát triển Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng rất khó tiếp cận với giới chủ.
Theo anh Nhân, “đó là vấn đề cũng nan giải”. Trà Vinh cũng mất vài năm mới thành lập được một chi hội, một phần nhờ Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã cố gắng rất nhiều, một phần do chủ sử dụng lao động đã làm việc ở Việt Nam gần 20 năm và rất có cảm tình với người Việt.
“Tổng giám đốc hiện tại, buổi sáng đi làm thấy công nhân còn cúi đầu chào, nói người Việt Nam rất dễ thương. Nếu người ta đã có ấn tượng tốt với người Việt Nam rồi thì dễ tiếp cận hơn”, anh Nhân nói, đồng thời khuyến nghị các tỉnh nên cố gắng liên kết từ từ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.