Thanh Niên thay đổi đời tôi: Đường đến giảng đường thênh thang hơn

18/12/2020 08:26 GMT+7

Bế tắc, không dám nghĩ đến ước mơ đại học vì những khó khăn bủa vây, nhưng nhờ có Thanh Niên , lối đi ấy trở nên thênh thang hơn...

Nhiều sinh viên đã trải lòng như vậy. Họ thầm cảm ơn những trang báo Thanh Niên đã tạo nên bước ngoặt thay đổi cuộc đời họ.

Đã không còn khóc...

Cách đây vài tháng, Bùi Thị Anh Thư (18 tuổi) là nữ sinh lớp 12 Trường THPT An Nghĩa, H.Cần Giờ, TP.HCM. Mỗi lần nghe ai nói, nhắc tới ĐH là Thư buồn, tủi, bật khóc, bởi em nghĩ đến viễn cảnh con đường học vấn có thể sẽ phải dở dang, dù rằng bản thân học rất giỏi, từng đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30/4... Tất cả chỉ vì gia cảnh nghèo khó của mình.
Cha Thư bị tai nạn giao thông 5 năm trước, bị chấn thương sọ não, mù mắt, nằm bất động một chỗ. Tai nạn ấy khiến cuộc sống của gia đình Thư xáo trộn hoàn toàn, ngày càng trở nên bế tắc và bi đát hơn. Mọi gồng gánh trút lên vai mẹ Thư, bà Phạm Thị Bông (42 tuổi).
“Có bữa ăn trưa chỉ mỗi con cá. Cả gia đình nhìn nhau, rồi chỉ dám ăn nửa con. Nửa con còn lại để dành cho bữa tối”, bà Bông kể trong nước mắt giàn giụa.
Bà Bông làm tạp vụ cho Trường tiểu học Tam Thôn Hiệp với lương vỏn vẹn 3,5 triệu đồng/tháng. Dù tiết kiệm, dè sẻn đến mấy, số tiền ấy cũng không đủ trang trải cả tiền ăn, tiền học cho con cái, tiền thuốc men cho chồng...
Để có tiền gom góp phụ giúp mẹ, hễ ngày nào được nghỉ học là Thư tìm đủ việc làm để kiếm thêm, như đến những cơ sở sản xuất dép nhận quai về làm, hay xin phụ làm cá.. Mỗi ngày, Thư bán cả chục tiếng đồng hồ để nhận lại 20.000 - 25.000 đồng.
Khó khăn bủa vây nên bà Bông mặc định học xong lớp 12 Thư sẽ nghỉ để phụ giúp gia đình. Bà Bông luôn thủ thỉ, nài nỉ Thư: “Thôi, con nghỉ học đi. Kiếm chỗ công ty nào làm kiếm tiền. Chứ nhà mình nghèo quá. Con thông cảm cho mẹ...”.
Những lời thủ thỉ, nài nỉ ấy lặp đi lặp lại hằng ngày, hằng tuần. Mỗi lần như vậy, Thư lại òa khóc hết nước mắt, để xin mẹ cho được đi học: “Con muốn được đi học! Học để vươn lên, thoát nghèo!”.
Và rồi, phóng viên Thanh Niên đã vượt hàng chục ki lô mét đến nhà Thư để tìm hiểu gia cảnh, nghe em thổ lộ ước mơ.
Ngày 16.7.2020, Thư là nhân vật trong bài Nước mắt cô nữ sinh khi nghĩ đến đường vào đại học… được chuyển tải trên mặt báo đến bạn đọc. May mắn thay, bài báo, hình ảnh nữ sinh nhà nghèo hiếu học này đã chạm đến trái tim của nhiều người. Bên cạnh đó, Thư cũng nhận được suất học bổng hơn 15 triệu đồng từ Học bổng Nguyễn Thái Bình và bạn đọc Báo Thanh Niên. Và giờ đây, Thư đã không còn khóc khi nghĩ đến việc bị dở dang chuyện học nữa. Giấc mơ bỏng cháy là được học ĐH đã trở thành sự thật, khi Thư đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
“Chính Báo Thanh Niên đã chắp cánh cho giấc mơ ấy thành hiện thực. Nếu không được Báo Thanh Niên viết, không được Báo Thanh Niên trao học bổng, thì có lẽ sự học của em đã phải tạm dừng”, Thư xúc động chia sẻ. Còn bà Bông tâm sự rằng, bài Báo Thanh Niên viết về Thư đã phần nào đó thay đổi suy nghĩ trong bà, đã củng cố niềm tin và bà quyết định để Thư được tiếp bước trên con đường học vấn. “Một mai Thư thành công, gia đình sẽ mãi nhớ ơn Báo Thanh Niên đã góp phần thay đổi cuộc đời Thư, và cả gia đình tôi”, bà Bông chia sẻ.

Đường học không còn đắn đo

Ngày 19.7.2020, Thanh Niên đăng bài viết Cậu học sinh bữa đói bữa no, đắn đo... “đường học”. Nhân vật chính trong bài là Nguyễn Tuấn Tú, khi đó là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, đã vỡ òa trong sung sướng. Vì Tú biết, có thể, cuộc đời mình sẽ bước sang trang mới, sáng sủa hơn rất nhiều.

Nguyễn Tuấn Tú giờ đã là sinh viên đại học

Ảnh: Lê Thanh

Tú và mẹ là bà Nguyễn Thị Sáu (59 tuổi, quê xã Bình Giang, H.Thăng Bình, Quảng Nam) có cuộc sống quá đỗi cơ cực. Họ chỉ đủ tiền thuê một góc nhỏ trong ngôi nhà rộng lớn để ở. Bà Sáu đi làm thuê đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi Tú ăn học. Tài sản của hai mẹ con chẳng có bất cứ thứ gì. Vì vậy, dù khát khao được là sinh viên nhưng nhìn về thực tại cuộc sống với bao khó khăn, nghiệt ngã nên em không hy vọng mong ước đó trở thành sự thật.
Còn giờ đây, Tú đã là sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Trải lòng với phóng viên, Tú xúc động: “Nếu không có bài viết trên Báo Thanh Niên, không có suất học bổng của Báo Thanh Niên trao cho, thì có lẽ giờ em đang... chạy bàn, phụ giúp quán ăn nào đó, chứ không dám mơ đến giảng đường ĐH đâu. Được nhận học bổng của Báo Thanh Niên với em không chỉ là một động lực to lớn về mặt vật chất mà còn là niềm an ủi lớn lao về mặt tinh thần để vượt qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và đầy thử thách”. Còn bà Sáu chia sẻ: “Vừa rồi Tú nhận được suất học bổng hơn 15 triệu đồng từ Học bổng Nguyễn Thái Bình và bạn đọc Báo Thanh Niên, đó như là một cứu cánh để Tú thực hiện ước mơ trên con đường học ĐH của mình. Tôi cũng có thêm động lực và niềm tin để ở cạnh Tú, chăm lo cho con ăn học thành tài. Tôi thầm cảm ơn Báo Thanh Niên nhiều lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.