Theo chân nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

13/08/2020 07:14 GMT+7

Mỗi ngày các nhân viên lấy mẫu xét nghiệm cấp cơ sở xông pha tiếp cận hàng ngàn người về từ vùng dịch Covid -19 để phục vụ công tác chung là chống dịch.

Đi đến tận nơi lấy mẫu

Như thường lệ, 12 giờ, chiếc xe cấp cứu chở nhóm “tác chiến” rời Trung tâm y tế Q.2, TP.HCM đến tận nhà người nghi nhiễm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Con đường di chuyển của xe cấp cứu thường chỉ loanh quanh khu vực P.Thảo Điền hoặc xa hơn là các phường khác thuộc Q.2. Trên xe gồm 4 thành viên, 1 tài xế, 1 nhân viên quản lý hồ sơ, 2 kỹ thuật viên lấy mẫu. Đồng hành bên ngoài xe cấp cứu là Nguyễn Quốc Phi (nhân viên Trung tâm y tế Q.2), cũng là một trong những người luôn ở tuyến đầu chống dịch tại P.Thảo Điền. Nhiệm vụ của Phi là đi đến nơi điều tra lịch trình, theo dõi thông tin người về từ vùng dịch.
Kỹ thuật viên Nguyễn Xuân Thành chuẩn bị ống nghiệm trong lần đi lấy mẫu

Kỹ thuật viên Nguyễn Xuân Thành chuẩn bị ống nghiệm trong lần đi lấy mẫu

Khi xe cấp cứu tới nhà của một gia đình nghi nhiễm, dược sĩ Nguyễn Tấn Phát (33 tuổi) và kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Xuân Thanh (27 tuổi) nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, đánh mã số ống nghiệm và chuẩn bị vào nhà lấy mẫu. Lần này nhóm lấy mẫu của một gia đình người nước ngoài đang trong diện cách ly tại nhà
Phát và Thanh hoàn thành công đoạn rồi bước ra cổng. Trên tay mỗi người cầm bình sát khuẩn tự xịt khử khuẩn cho nhau rồi lên xe trở về. Đó là một trong hàng trăm lần đi lấy mẫu từ ngày có dịch của cả hai. “Công việc đi lấy mẫu này sợ lây nhiễm thiệt, nhưng anh em tụi tôi luôn nâng cao tinh thần, bảo đảm đúng quy trình an toàn thì cũng đỡ lo hơn chút”, Thanh quay sang nói sau khi hoàn thành quy trình lấy mẫu trong ngày.
Những ngày gần đây, Phi và các anh em gần như phải làm việc hết tốc lực, vì làn sóng lây nhiễm từ Đà Nẵng bùng phát. Phi cho biết đây cũng là làn sóng người lần thứ 4 ở vùng dịch về địa phương phải điều tra dịch tễ.
“Lần đầu có khoảng 400 người từ Trung Quốc về P.Thảo Điền, lần 2 là những người Hàn Quốc, đến lần 3 là những người liên quan Buddha Bar và lần này là người về từ Đà Nẵng”, Phi cho biết.

TP.HCM sắp hoàn thành việc xét nghiệm Covid-19 cho người về từ Đà Nẵng

“Phi thần chết tới”

Trên tuyến đầu chống dịch từ tháng 3 đến nay, Phát cho rằng công việc lấy mẫu là thật sự nguy hiểm. Điều lo sợ nhất của Phát là tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp với người nghi nhiễm, dễ bị lây nhiễm sẽ lây lan cho cộng đồng. Đến giờ, Phát không nhớ nổi mình đã đi lấy bao nhiêu mẫu và gặp bao nhiêu người. Thậm chí nhiều lần đích thân Phát lấy mẫu của những người sau đó có kết quả dương tính.
Còn Thanh trước khi tham gia chống dịch đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống. Khi tiếp cận người được lấy mẫu, Thanh buộc phải nghĩ trong đầu họ là người đang bị dương tính. Có như vậy để bản thân cẩn thận và cảnh giác hơn khi tiếp cận. Ngoài ra, để vừa bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
“Từ ngày đi chống dịch tôi hầu như hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Nhớ có lần đi lấy mẫu xét nghiệm về gặp trời mưa. Sáng hôm sau tôi cảm thấy bị sốt, hơi mệt và nhức đầu. Lo quá tôi chạy vào nhờ mọi người lấy mẫu mang đi xét nghiệm gấp. Nhưng may quá tôi âm tính”, Phát kể lại.
Thời gian đầu tham gia chống dịch, Phát hầu như phải ở tập trung tại khu cách ly Q.2. Có khi đến 3 tháng trời không thể về nhà gặp vợ con. Đỉnh điểm khi dịch bùng phát tại Buddha Bar, Phát cùng mọi người làm việc không ngừng nghỉ. Tâm lý ai cũng luôn sẵn sàng.
Thanh cho biết thêm: “Tôi thì có vợ cùng 2 con nhỏ ở nhà. Trong thời gian đi chống dịch thì vợ cũng hiểu cho mình. Tôi phải lo công việc cho tốt trước đã rồi lo việc nhà sau. Đợt đầu đi lấy mẫu tôi phải cách ly không ở nhà hơn tháng. Những lần về lấy đồ muốn thăm con chỉ đứng từ xa nhìn con chứ không dám đến gần. Nhớ lắm mà biết sao được, cũng không biết diễn tả cảm xúc lúc đó của tôi như thế nào nữa. Còn lần này tôi đi cũng cả tuần chưa về nhà. Tôi chỉ gọi điện bằng hình ảnh cho vợ và con thôi”.
Trong bữa cơm trưa vội tại nơi tập trung lấy mẫu, Phát kể lại có những chuyện trải qua. Như cảnh có người tỏ ra khó chịu khi buộc phải lấy mẫu. Có người sợ bị kỳ thị, người khác thì dị nghị nhất quyết không cho xe cấp cứu đến nhà. Có người thông báo đến điểm lấy mẫu vẫn không đến đành phải chạy xe cấp cứu đến tận nhà. “Bây giờ tôi đi đến đâu người ta sợ. Tôi đến nhà người ta gọi tôi là “Phi thần chết tới” vì tôi đến nhà nào, gặp ai là người đó một là dương tính, hai là phải đi cách ly”, Phi chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 12.8: Lo ngại vì bệnh nhân 867 ở Hà Nội không rõ lây từ đâu

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng trạm y tế P.Thảo Điền - Bùi Quang Đức - cho biết lực lượng trẻ chống dịch Covid-19 ở đây trên dưới 10 người. Mỗi lần lấy mẫu đến cả ngàn người nhưng công việc vẫn phải nỗ lực hoàn thành kịp tiến độ. Mặc dù 3 tháng nay anh em vẫn chưa nhận được đồng lương nào nhưng vẫn cố gắng làm việc. Các bạn trẻ có khi phải vay mượn tiền trả tiền thuê trọ và nuôi vợ con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.