Thợ làm búp bê khớp cầu trẻ tuổi nhất miền Tây

09/06/2021 12:39 GMT+7

Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của chàng trai Bùi Thịnh Đa (17 tuổi) ở tỉnh Sóc Trăng, những búp bê khớp cầu làm từ đất sét trở nên sống động như người thật.

Đam mê làm búp bê khi mới học lớp 6

Bùi Thịnh Đa (ngụ TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được xem là thợ làm búp bê khớp cầu trẻ tuổi nhất miền Tây. Thịnh Đa nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới trẻ trên mạng xã hội nhờ những tác phẩm búp bê khớp cầu  do chính tay em làm ra cực kỳ chân thật từ cử chỉ đến biểu cảm trên khuôn mặt, đôi mắt…

Mới 17 tuổi, Bùi Thịnh Đa đã có ‘thâm niên’ 4 năm làm búp bê khớp cầu.

ẢNH: DUY TÂN

Búp bê khớp cầu (Ball Jointed Doll, BJD) giống như tên gọi bởi các bộ phận gắn kết với nhau bằng khớp hình cầu và nối dây chuyên dụng bên trong để có thể cử động. Hiện nay, người theo đuổi làm búp bê khớp cầu ở Việt Nam như Thịnh Đa chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Thịnh Đa cho biết khởi nguồn đam mê bắt đầu từ lúc là học sinh lớp 6, khi đó em tình cờ lướt trên mạng và biết đến búp bê khớp cầu rồi ấn tương và bắt đầu tìm hiểu.

Trang điểm cho búp bê.

ẢNH: DUY TÂN

 

Trang điểm cho búp bê.

ẢNH: DUY TÂN

“Em vốn mong muốn sở hữu một búp bê cho riêng mình nhưng loại em thích có giá hàng triệu đồng. Lúc đó còn đang đi học, không tiền mua nên em mua đất sét về nặn thử cho thỏa tính tò mò. Nhưng càng nặn em càng bị cuốn vào và luôn muốn làm cho đẹp hơn. Từ đó em nhận ra đây chính là đam mê của mình”, Thịnh Đa chia sẻ.

Khó khăn đối với Đa là công đoạn làm mịn và thổi hồn vào búp bê.

ẢNH: DUY TÂN

Năm lên lớp 7, Thịnh Đa bắt đầu định hình phong cách cho riêng mình là theo đuổi pop surrealism (trường phái siêu thực), thiên về sự ma mị, bí ẩn. Đây cũng là phong cách khá kén chọn người chơi. Lúc đầu cha mẹ phản đối vì thấy Đa là con trai mà tối này nặn búp bê. Dần dần, từng con búp bê ra đời đẹp mắt, sống động thì cha mẹ em mới hiểu là đây là nghệ thuật nên ủng hộ.

Một búp bê với nét mặt, ánh mắt sống động như người thật.

ẢNH: DUY TÂN

Cầu kỳ trong từng công đoạn

Búp bê khớp cầu được Thịnh Đa làm chủ yếu làm từ chất liệu sứ, polymer và resin. Các công đoạn làm ra một búp bê vô cùng kỳ công, bao gồm: nhào đất, tạo khung xương, nặn, nung, chà nhám, làm mịn, trang điểm, căng dây, làm tóc và quần áo, phụ kiên… Khó nhất là làm mịn và thổi hồn trên khuôn mặt.

Tác phẩm búp bê Vitiligo, cô nàng búp bê mang bệnh bạch biến

ẢNH: DUY TÂN

Các phần cơ thể rời rạc được cho vào lò nướng ở nhiệt độ 120oC khoảng 20 - 40 phút với đất sét. Còn búp bê sứ cần thêm thạch cao và nung ở nhiệt độ khoảng 1.400oC.
“Khó khăn đối với em là công đoạn làm mịn và thổi hồn vào tác phẩm. Làm mịn cần rất nhiều thời gian, còn làm cho có hồn thì bản thân người nghệ sĩ phải đặt hết tâm tư của mình vào đó”, Thịnh Đa nói.

Tác phẩm búp bê Vitiligo, cô nàng búp bê mang bệnh bạch biến

ẢNH: DUY TÂN

Trung bình, Thịnh Đa mất 3 - 4 tháng mới hoàn thiện xong một búp bê và có thể lên tới 3 năm đối với búp bê được làm từ chất liệu sứ.
 Đến nay, Thịnh Đa cho ra đời hàng chục búp bê khớp cầu bằng sứ và tượng. Đặc biệt, búp bê Vitiligo, cô nàng búp bê mang bệnh bạch biến, là một trong những tác phẩm khiến em hài lòng nhất.
“Búp bê làm từ chất liệu sứ rất khó và cần độ tỉ mỉ cực cao. Bởi vậy, suốt hơn 3 năm mài mò nghiên cứu và thất bại không biết bao nhiêu lần mới có thể hoàn thiện được 1 con búp bê đầu tiên”, Thịnh Đa chia sẻ.

Một số tác phẩm khác vô cùng chân thật đến từng chi tiết

ẢNH: DUY TÂN

Do bận bịu việc học nên mỗi ngày Thịnh Đa chỉ dành 1 - 2 tiếng làm búp bê, còn các ngày cuối tuần thì dành nhiều thời gian hơn để lên ý tưởng.
Gần đây, Thịnh Đa bắt đầu có thể kiếm tiền từ nghề làm búp bê. Mỗi búp bê có giá hàng triệu đồng, tùy thuộc vào tác phẩm.
“Hiện em làm theo yêu cầu khách hàng, khách thường đặt theo khuôn mặt của khách hoặc người thân. Em thường xuyên chụp quá trình hoàn thiện búp bê để khách tiện chỉnh sửa, khi nào ưng thì mới đem nung…”, Thịnh Đa cho biết.

Một số tác phẩm búp bê chân thật đến từng chi tiết

ẢNH: DUY TÂN

Sắp tới, Thịnh Đa muốn phát triển thương hiệu riêng và lập kênh YouTube để quay lại quá trình làm ra một con búp bê khớp cầu cho mọi người hiểu hơn về nghề mới lạ này ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.