Thu hàng tỉ đồng mỗi năm từ phôi nấm

05/09/2020 07:52 GMT+7

Sau gần 10 năm lăn lộn với nghề làm phôi nấm, anh Nguyễn Xuân Truyện (31 tuổi, ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, H.Hoài Ân, Bình Định) xây dựng được 2 cơ sở sản xuất, doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

Thành công ở “xứ người”

Năm 2011, anh Truyện tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ sinh học rồi đến TP.HCM để thực hiện đam mê làm nấm của mình. Được sự hỗ trợ vốn của gia đình, anh Truyện thuê 3.000 m2 đất ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM), để đầu tư sản xuất phôi nấm bào ngư xám và nấm linh chi. Dù nắm quy trình, kỹ thuật làm nấm từ chương trình đào tạo của nhà trường, lại học hỏi thêm nhiều tài liệu bên ngoài nhưng khi bắt tay vào làm thì anh gặp không ít khó khăn.
“Thanh niên khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là vốn và kinh nghiệm. Tôi được gia đình hỗ trợ vốn ban đầu nhưng kinh nghiệm không có, điều kiện sản xuất thực tế khác xa so với lý thuyết. Phải mất 3 đến 4 năm “lên bờ xuống ruộng”, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm thì cơ sở sản xuất phôi nấm của tôi mới hoạt động ổn định”, anh Truyện kể.
Theo anh Truyện, điều quan trọng khi làm phôi nấm là phải tạo được bịch phôi có môi trường dinh dưỡng cao để nấm phát triển tốt, gia tăng năng suất. Trong quá trình bán phôi nấm cho khách hàng, anh luôn chú ý giữ uy tín và tận tình hướng dẫn cho khách hàng kỹ thuật trồng nấm.
“Người trồng nấm phải am hiểu đặc tính của nó và có đầy đủ kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì dễ thành công hơn. Khách hàng trồng nấm làm ăn hiệu quả thì sản phẩm phôi nấm của mình mới bán chạy được”, anh Truyện nói.
Cơ sở sản xuất phôi nấm của anh Truyện ở xã Vĩnh Lộc A có khách hàng ở khắp các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây nguyên. Theo anh Truyện, hiện doanh thu bình quân của cơ sở này đạt khoảng 8 tỉ đồng mỗi năm. Việc làm ăn ở TP.HCM ngày càng thuận lợi thì anh Truyện càng muốn về quê nhà ở Bình Định để phát triển sản xuất.

Góp phần xây dựng quê hương

Theo tính toán của anh Truyện, cơ sở sản xuất phôi nấm ở TP.HCM nhập mùn cưa của cây cao su và các loại nguyên liệu ở các tỉnh Đông Nam bộ, sản phẩm cung cấp cho khách hàng ở miền Nam, còn mở thêm cơ sở ở Bình Định thì mặt bằng sẵn có của gia đình, nguyên liệu, mùn cưa sẽ nhập ở các tỉnh Tây nguyên, cung ứng phôi nấm cho khách hàng ở miền Trung và Tây nguyên đỡ tốn chi phí vận chuyển... Năm 2019, cơ sở sản xuất phôi nấm của anh Truyện ở thôn Hội Long (xã Ân Hảo Đông, H.Hoài Ân, Bình Định) rộng hơn 1.000 m2 được đưa vào hoạt động. Lần này, nhờ có kinh nghiệm sẵn nên việc sản xuất phôi nấm gặp nhiều thuận lợi. Ngoài ra, anh Truyện còn phát triển kênh “Truyện Nấm” trên YouTube để quảng bá sản phẩm của mình.
Hiện cơ sở sản xuất phôi nấm ở thôn Hội Long có khoảng 15 lao động làm việc liên tục các ngày trong tuần (trả lương theo sản phẩm, mỗi tháng có thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/người) nhưng vẫn không kịp hàng để giao cho khách. Anh Truyện cho biết cơ sở này bình quân mỗi tháng xuất khoảng 120.000 - 150.000 phôi nấm, doanh thu năm 2019 hơn 5 tỉ đồng.
Theo anh Trương Minh Lợi, Phó bí thư Xã đoàn Ân Hảo Đông, việc anh Truyện về quê mở cơ sở sản xuất phôi nấm không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn tạo ra động lực, mơ ước làm giàu cho thanh niên xã Ân Hảo Đông.
“Xã Ân Hảo Đông là vùng đồi núi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế trang trại, nông trại, kinh tế hộ gia đình nhưng chưa được người dân tận dụng. Có anh Truyện tiên phong, hy vọng trong thời gian đến sẽ có nhiều thanh niên ở xã Ân Hảo Đông đầu tư phát triển sản xuất, làm ông chủ ngay tại quê nhà”, anh Lợi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.