Thủ khoa 'bật mí' làm bài đạt điểm cao: Khắc phục tình trạng học trước quên sau

06/07/2020 08:00 GMT+7

Còn khoảng 1 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là thời điểm nước rút để học sinh ôn thi cũng như củng cố lại kiến thức. Cần học và ôn thi như thế nào để đạt kết quả tốt nhất? Hãy nghe chia sẻ của thủ khoa...

Các thủ khoa 'bật mí' nhiều các thức giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. 

Tránh bị áp lực thời gian để xử lý tốt đề thi

Thủ khoa khối A Đỗ Ngọc Thành Danh (Đồng Nai) trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, hiện là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết việc lựa chọn hình thức học rất quan trọng. Học trực tuyến qua các trang luyện thi uy tín rất hiệu quả, tiết kiệm được thời gian di chuyển, có thời gian học thoải mái để cá nhân hóa được lộ trình học của bản thân, có thể học với tốc độ của riêng mình.
Hầu như học sinh ôn thi sẽ gặp trường hợp học chương sau quên kiến thức chương trước. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Thủ khoa Danh “bật mí”: “Rất đơn giản, bạn chỉ cần thường xuyên làm thử các bài kiểm tra miễn phí. Khi làm các dạng bài kiểm tra này, bạn sẽ phát hiện ra lỗ hổng kiến thức của mình, quên phần nào thì ôn lại ngay phần đó, cứ như thế sẽ giúp cho bạn có một nền tảng kiến thức vững chắc. Những lỗi quên, sai nên viết vào một cuốn tập để thường xuyên đọc lại, như một cách khắc ghi lần sau không được quên, sai nữa”.
Chia sẻ về việc sắp xếp thời gian học các môn sao cho hiệu quả, thủ khoa Danh nói: “Mỗi ngày mình thường chỉ học 1 - 2 môn trong tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học, và xen kẽ đều đặn, tránh trường hợp để thời gian học một môn cách xa nhau quá. Ví dụ 3 - 4 ngày bạn mới học lý thì khi bắt đầu lại, bạn sẽ bị quên những kiến thức mà hôm trước đã học. Mỗi tối trước khi ngủ, mình cũng thường xem lại hôm nay đã học được gì, giúp cho kiến thức lại ghi nhớ vào bộ não một lần nữa”.
Thủ khoa Danh khuyên các học sinh trước kỳ thi: “Mặc dù đây là giai đoạn nước rút ôn thi nhưng các bạn cũng không nên thức quá khuya để học, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tính hiệu quả sẽ thấp. Sau giờ học có thể nghe nhạc giải trí, lướt Facebook vào những nhóm học tập để xem có các dạng bài nào hay, mới lạ rồi thử sức với nó. Và cũng đừng ngần ngại thể hiện khả năng của bản thân khi giải các bài tập đó cho những bạn khác cùng tham khảo, bàn luận, giúp cho kiến thức của bạn ngày càng được nâng cao. Khi có vấn đề nào đó chưa hiểu thì phải tìm người có kiến thức về phần đó giải đáp, đừng ngại hỏi, có như vậy mới phát triển được”.
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi, theo thủ khoa Danh phải xác định mục tiêu rõ ràng, tất nhiên phải phù hợp với năng lực của bản thân, từ đó có cách ôn tập cho phù hợp. Ví dụ, mục tiêu của bạn đặt ra môn toán phải lấy được 8 điểm thì bạn cần quan tâm 40 - 45 câu đầu tiên. Phải làm thật chắc những câu ở mức nhận biết, thông hiểu, thường sẽ là 30 câu đầu. Tuyệt đối không để sai những câu này, và chỉ dành khoảng 50 phút cho 30 câu này. 40 phút còn lại, các bạn hoàn toàn có đủ thời gian và tỉnh táo để đạt đến câu 40 - 45.
Thủ khoa “bật mí” cách làm bài đạt điểm cao: Khắc phục tình trạng học trước quên sau1

Nguyễn Thị Bích Ngọc

ẢNH: LÊ TRỌNG NGHĨA

Thủ khoa Danh lưu ý: “Khi thi, bạn nên dành 5 - 10 phút cuối để dò lại một lượt, xem có tô nhầm đáp án hay tính toán sai. Bạn có mục tiêu cao hơn thì cần làm nhanh và chính xác hơn nữa, nhưng đừng quá áp lực thời gian mà làm vội, dẫn đến sai những câu cơ bản và cũng không nên đặt mục tiêu làm hết đề”.

Luyện tập thật nhiều để nhớ lâu

Chia sẻ về cách ôn tập và học tiếng Anh, Nguyễn Thị Bích Ngọc (thí sinh duy nhất của tỉnh Bình Phước đạt 10 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019), hiện là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Phải nắm kỹ tất cả các kiến thức có trong sách giáo khoa, vì thông thường đề thi cũng chỉ dựa vào kiến thức chuẩn nên bạn tuyệt đối không để sót kiến thức. Bạn nên xem các đề thi thử của Bộ GD-ĐT và đọc, tự rút ra (có kiểm chứng) về bố cục đề thi để biết cần ôn tập phần nào và phân bố thời gian hợp lý cho từng phần. Rồi mua các sách luyện tập từng chuyên đề, hãy giải từ các bài tập cơ bản đến nâng cao (vì đề sẽ có 2 - 3 điểm phân biệt khá - giỏi)”.
Ngọc khuyên học sinh hãy siêng luyện tập. “Chỉ có luyện tập mới giúp mình ít sai. Hãy luyện nhiều nhất có thể và nhớ chấm điểm ngay sau khi làm chứ đừng làm dồn đề rồi mới chấm, như vậy sẽ khiến mình không ghi sâu được vào đầu các câu đã sai. Các câu sai đó hãy luôn nhớ phải chép lại và tự tìm hiểu hoặc nhờ thầy cô, bạn bè chỉ giúp. Sau đó thì thường xuyên ôn lại các từ vựng, câu mình đã gom nhặt”.
Ngọc cũng lưu ý: “Nên có sổ tay để ghi lại nguyên văn (ngữ cảnh) của những câu mình hay sai. Trong quá trình học và trước khi thi, hãy thường xuyên rà lại các thông tin này. Học từ vựng rất quan trọng và nhớ học cả từ có liên quan, loại từ, từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Chép từ vựng vào sổ tay và luôn mang theo bên mình để có thể xem bất cứ khi nào bạn rảnh”.
Thủ khoa khối A Đỗ Ngọc Thành Danh và Nguyễn Thị Bích Ngọc đều chúc cho các thí sinh năm nay đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.