Thương trò, bám bản dạy chữ

25/10/2017 09:56 GMT+7

Sau thời gian gắn bó với bà con dân tộc Tà Rẻ, chứng kiến cảnh “đói chữ” của học trò ở đây, các thầy cô giáo đã tình nguyện ở lại.

Họ là những thầy cô giáo Trường tiểu học xã Xốp, H.Đăk Glei, Kon Tum. Cô giáo Đinh Thị Hường cùng chồng là thầy Lê Xuân Vĩnh (đều 29 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu dạy chữ ở đây.
Năm 2009, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hải Dương, Hường rời quê hương Hà Tĩnh vào nhận công tác tại H.Đăk Glei. Ngày ấy, huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum vừa bị ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử. Đường sá hỏng nặng do mưa bão. Từ trung tâm huyện vào đến trường, các cô giáo trẻ phải lội qua nhiều con suối, băng qua những rẫy sắn, ruộng bắp của bà con. Là địa phương có 99% người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Tà Rẻ), việc học tập của các cháu chưa được bà con chú trọng, tỷ lệ học sinh đến trường có thời điểm chưa đầy 70%. Để duy trì sĩ số, ngoài giờ lên lớp, Hường cùng đội ngũ giáo viên trong trường phối hợp với già làng, trưởng thôn đến từng nhà vận động gia đình cho các cháu đến trường.

tin liên quan

Mang con chữ trở về
Với tình yêu nghề, cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo (24 tuổi, xã Trà Mai, H.Nam Trà My, Quảng Nam) đã vượt qua khó khăn đưa con chữ trở về lại với các bản làng vùng cao Nam Trà My, dạy thêm tiếng Ca dong cho cán bộ đóng trên địa bàn.
Cũng giống như Hường, Võ Thị Kiểu (28 tuổi), giáo viên chủ nhiệm lớp 2B, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình nơi rừng sâu này. Kiểu chia sẻ: “Năm 2010, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, mình đến đây nhận công tác. Ngày ấy, nhìn cuộc sống nơi rừng núi âm u, hoang vắng, dân cư thưa thớt trên các sườn đồi, mọi người đều rất buồn...”.
Hường và Kiểu là hai trong số các thầy cô giáo gắn bó với mảnh đất này để thực hiện nhiệm vụ trồng người. Ngoài giờ lên lớp, họ giúp đỡ học sinh của mình mọi thứ. Học sinh thiếu cuốn sách, cây bút, cái cặp, thậm chí đôi dép, bộ quần áo... các thầy cô cố gắng tìm mọi cách để lo cho các em. Mỗi lần ra huyện, đến nhà bạn bè, các cô đều quyên góp sách vở, quần áo cũ mang về cho học sinh.
Cũng bởi thương trò, nhiều cô giáo đã xây dựng gia đình tại xã Xốp, xem đây là quê hương thứ hai của mình. Theo thầy Ngô Hữu Quốc, toàn trường hiện có 5 cô giáo lập gia đình ở lại đây dạy học. Ngoài vợ chồng cô Hường - thầy Vĩnh, còn có các cặp vợ chồng gồm cô Hoàng Thị Nguyên - thầy Hoàng Văn Phụng, cô Võ Thị Kiểu - anh Phạm Văn Thắng (công nhân), cô Đinh Thị Tâm - anh Nguyễn Văn Tình (cán bộ xã Xốp), cô Võ Thị Mơ - anh Trần Văn Tiềm (thợ sửa chữa xe máy). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.