Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thái Thành bỡ ngỡ đến với nghề làm tóc ước mong tự nuôi sống được bản thân, anh từng đạp xe quanh làng ở Bắc Giang cắt tóc miễn phí cho bà con để nâng cao tay nghề. Chật vật để được nhận làm thợ học việc của một tiệm ở Hà Nội, Thành không bỏ phí một ngày nào để học hỏi, anh từng vào cả TP.HCM, vừa học vừa làm.
Trời không phụ lòng người, từ năm 2011 (năm tiệm tóc đầu tiên của Thành được mở cửa) đến nay, chàng trai câm điếc 9x đã giành được liên tiếp các giải thưởng về làm tóc và các bằng khen về những hoạt động vì cộng đồng.
Tiệm tóc của những đôi tay và trái tim
Ngày mới mở, tiệm cắt tóc Thành Nguyễn có địa chỉ ở 55 ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Q.Đống Đa, Hà Nội. Tiệm đó hiện đang sửa chữa, Thành Nguyễn chuyển về ngõ 82 Kim Mã, Q.Ba Đình, xa hơn nhiều cây số, ấy thế mà khách hàng vẫn “chạy” theo.
|
Hồng Nhung, 26 tuổi, nhân viên văn phòng, khách hàng thân thiết chia sẻ: “Tôi làm tóc đã quen ở đây nên ngại sang các chỗ khác, chỉ cần ghi vài dòng ra tờ giấy thích tóc kiểu gì, sấy, hấp ra sao, các bạn ấy biết gu của mình và cứ thế làm, rất ưng ý”.
Ngày hôm nay, Hồng Nhung đưa cả dì của mình đến tiệm, bà Hậu, 46 tuổi, nhà ở phố Đồng Xuân, Q.Hoàn Kiếm lần đầu tiên được gội đầu tại đây tỏ ra rất hài lòng: “Các cháu gãi đầu rất nhẹ, cháu gái còn bóp vai cho tôi và chu đáo sấy khô phần cổ áo bị ướt. Tôi sẽ trở lại đây, nhà xa một chút cũng không sao”.
tin liên quan
Người tốt việc tốt: Gieo ước mơ cho trẻ khiếm thínhSau 13 năm thành lập, Trường khiếm thính tình thương Ánh Sao (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã giúp hàng chục trẻ em khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… vượt qua khó khăn, tự lập trong cuộc sống.
Trên chiếc ghế xoay, chủ tiệm Nguyễn Thái Thành đưa cho cô gái tên Bảo Anh (29 tuổi, nhà ở phố Bạch Mai, Q.Hai Bà Trưng) một kẹp giấy A4, Bảo Anh ghi “chị muốn làm tóc lọn xoăn”. Rất nhanh, Thành viết lại: “Tóc chị xoăn tự nhiên rồi, chị có muốn cắt một kiểu mới hợp với khuôn mặt mình hơn không?”. Bảo Anh cười, nháy mắt, ra hiệu đồng ý, Thành cất kẹp giấy, kéo đưa lên tanh tách.
|
Chia sẻ với chúng tôi, Bảo Anh cho hay, cô ghé tiệm cắt tóc của Thành được 2 năm nay. Trung bình, mỗi tháng đến 2 - 3 lần, gội, dưỡng, hoặc cắt. “Các bạn trẻ câm điếc, có người nói được nhưng không nghe được hoặc ngược lại, tuy nhiên tay nghề rất vững, cho mình cảm giác thoải mái. Tôi rủ nhiều bạn bè, người thân qua đây, vừa để được làm đẹp, vừa ủng hộ tiệm của các bạn”, Bảo Anh nói.
Người khuyết tật làm đẹp cho đời
Thành Nguyễn nằm bên trong một con ngõ nhỏ, vắng tiếng còi xe qua lại, vậy mà từ 10 giờ sáng, tiệm đã kín khách, có người phải ngồi chờ. Tiệm của Thành phục vụ đủ các lứa tuổi, nhưng ghé đến tiệm đông nhất là khách nữ lứa tuổi 20 - 50, đặc biệt là rất hiếm người câm điếc, khách hàng đều là những người bình thường, thậm chí còn rất sành về làm đẹp. Một số ít có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, còn lại, mọi người đều vui vẻ dùng bút, giấy để trao đổi.
Trong tiệm tóc nho nhỏ, chỉ có du dương nhạc từ màn hình tivi, tiếng máy sấy và lách cách tiếng kéo đưa đi đưa lại. Mặt ai cũng vui, chủ tiệm Thái Thành thi thoảng pha trò với những nhân viên, học viên của mình bằng những cái nhăn mặt và những câu đùa bằng ngôn ngữ chuyên biệt.
|
Nguyễn Thái Thành bộc bạch, tiệm của anh có anh là thợ cắt tóc chính, anh có thêm 1 nhân viên, ngoài ra, 9 người làm cùng là các học viên mới. Gắn bó với tiệm của Thành đã từ lâu có Nguyễn Ngọc Quang, câm điếc bẩm sinh, 18 tuổi, nhà ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Mới đây có Nguyễn Việt Long, 21 tuổi, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội (chỉ nghe được tai bên phải, nói ngọng) mới học ở tiệm của Thành được hơn 1 tháng; hay như cô bé Ánh, 17 tuổi, nói được nhưng điếc cả 2 tai cũng mới đến học nghề gội đầu.
Tuy nhiên, ở đây như một mái nhà với Long, với Ánh, buổi tối, sau giờ làm, anh và các học viên, nhân viên cùng thuê một căn nhà bên cạnh tiệm tóc, cùng nấu ăn, chia sẻ cho nhau những khó khăn khác trong cuộc sống. Nguyễn Thái Thành kể, Sau khi tiệm ở ngõ Văn Chương sửa chữa xong, Thành sẽ giữ nguyên tiệm ở Kim Mã này, một lúc quản lý cả 2 nơi. Anh sẽ tuyển đông nhân viên, học viên hơn, tăng thêm cơ hội được làm nghề cho những người cùng khiếm khuyết một phần tai nghe, giọng nói.
Khuyến khích người khuyết tật khởi nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật Hà Nội cho biết ông đánh giá cao mô hình khởi nghiệp của Nguyễn Thái Thành và những bạn trẻ câm điếc khác. Theo ông Hà, việc làm này cần được khuyến khích, nhân rộng.
“Hiện nay tại Hà Nội rất nhiều bạn trẻ khuyết tật đã chủ động tạo cơ hội cho chính mình, tạo công ăn việc làm cho những người cùng hoàn cảnh. Với tiệm cắt tóc Thành Nguyễn, các bạn khiếm khuyết nhưng đang làm đẹp cho người, cho đời, đó là việc làm rất đáng trân trọng”, ông Hà nói.
|
Bình luận (0)