‘Tôi bảo không cần, chủ quán vẫn mang ống hút nhựa ra’

03/04/2018 07:05 GMT+7

Nhiều bạn trẻ cho biết họ thật sự không cần dùng ống hút nhựa nhưng người bán hàng vẫn mang đến, cắm sẵn vào ly nước.

“Tôi ăn sáng trên một quán bún lề đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP.HCM, gọi ly trà đá. Chủ quán mang ra ly nước có để sẵn ống hút nhựa màu đen, tôi bảo không cần nhưng chủ quán bảo cứ dùng đi, lỡ mang ra rồi, ống hút rẻ không tính thêm tiền nước đâu, đừng lo”, chị Trần Thanh Hiền, 27 tuổi, làm việc tại quận 8 kể lại với chúng tôi.
Chị Hiền cho biết đã quen với hình ảnh ống hút nhựa được sử dụng tràn ngập khắp các nhà hàng, quán ăn, quán nước, dù bình dân hay sang trọng, trong nhà hay chỉ bán dạo. “Mình biết là dùng ống nhựa nhiều sẽ thải ra môi trường nhiều rác thải, tuy nhiên thay đổi thói quen của nhiều người là rất khó. Khi đi chung cùng bạn bè, tôi yêu cầu không cần dùng ống hút, bạn bè nhìn tôi thấy buồn cười, tôi không thấy ngượng ngùng gì, mình nghĩ cái gì tốt thì làm thôi”, chị Hiền nói.
Anh Lê Thành, 25 tuổi, làm việc tại một văn phòng quận 3, TP.HCM cho biết mình thường xuyên hạn chế dùng ống hút nhựa. “Ví dụ tôi đi mua cà phê mang đi, nếu tôi uống ngay, tôi nói chủ quán không cần cho thêm ống hút”, anh Thành nêu ý kiến.
Trong khi đó, anh Mạnh Sơn, 38 tuổi, trú quận 7, TP.HCM cho hay nhiều người đàn ông uống bia cùng anh còn dùng ống hút nhựa cắm vào lon. “Dùng ống hút nhựa với nhiều người đã quá quen thuộc rồi, nó cũng giống như các chị em đi chợ thì đựng cá, thịt trong túi ni lông vậy”, anh Sơn bày tỏ.
 
Ống hút nhựa màu đen ngày càng được nhiều nơi sử dụng Thúy Hằng
Giảm thiểu dùng ống hút nhựa
Mới đây, một số bạn trẻ bắt đầu hưởng ứng trào lưu giảm thiểu ống hút nhựa. Hưởng ứng một nhóm trên mạng xã hội mang tên No Straw Challenge (thử thách không dùng ống hút nhựa), Vũ Quỳnh Vân, 29 tuổi, đang làm việc một công ty liên quan đến nông nghiệp sạch tại huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết cô thường không dùng ống hút nhựa khi đi ăn uống bên ngoài.
“Tôi biết một mình tôi có thể không giúp số ống hút nhựa thải ra môi trường ít đi bao nhiêu. Tuy nhiên tôi có thể truyền cảm hứng cho bố mẹ mình, em trai mình và sau đó có thể sẽ tăng số người lên”, Vân nói.
Chị Bùi Thị Thủy, 27 tuổi, quê ở Nam Định, nhân vật từng đạp xe một mình xuyên Việt để nhặt rác chia sẻ với Thanh Niên, chị có nhiều cách để hưởng ứng việc không dùng ống hút nhựa.
Từ lề đường tới nhà hàng, đâu đâu cũng thấy ống hút nhựa Thúy Hằng
“Tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết rằng, nếu cứ mãi sử dụng nhiều ống hút nhựa và thải ra môi trường, chúng ta sẽ đầu độc môi trường sống của chúng ta”, chị Bùi Thị Thủy nói.
Chị Thủy cho biết hiện ở nhiều quốc gia đã và đang sản xuất nhiều loại ống hút bằng chất liệu khác, cho phép tái chế, không gây nguy hại giống như ống hút nhựa và được cộng đồng hưởng ứng. “Tôi mong ở Việt Nam sớm có loại ống hút như thế”, chị Thủy bày tỏ.
Theo CHANGE (một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở TP.HCM, trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam VUSTA): Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm. Trong đó TP.HCM, thành phố đông dân cư số một Việt Nam, có tới 7.500 - 8.000 tấn rác thải mỗi ngày với 10% trong số đó là rác thải nhựa.
Cũng theo CHANGE, việc rác thải tràn ngập ở đại dương không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống của các sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi ăn phải nguồn hải sản bị nhiễm độc...
"Với thực trạng sử dụng các sản phẩm nhựa tiện dụng thường xuyên ở các nước như Việt Nam, các nhà khoa học báo động rằng nếu con người không sớm nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng hiện tại thì đến năm 2050, số lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cả cá trong đại dương", tổ chức CHANGE cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.