Trinh sát trẻ trên trận chiến chống tội phạm ma túy

03/03/2018 09:22 GMT+7

Mới nhìn dáng vẻ bên ngoài của trung úy Lê Hoàng Hảo, ít ai nghĩ rằng anh là trinh sát của Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Trung úy Hảo được đánh giá là người luôn hết mình với công việc, quyết tâm chống tội phạm đến cùng, không ngại hiểm nguy trên mọi mặt trận.
Năm 2013, Hảo học Trường đại học Cảnh sát TP.HCM hệ trung cấp, ngành cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Tháng 9.2015 ra trường, về công tác tại Công an Q.Bình Thạnh. Mặc dù còn trẻ, phụ trách mảng nhạy cảm, nguy hiểm và gai góc nhưng anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến phòng chống tội phạm ma túy.
Hóa thân như con nghiện để thâm nhập đường dây
“Không ít lần phải hóa thân như con nghiện bởi các khu vực nóng về ma túy người ra vô đa số là người nghiện, người bán ma túy nên việc tiếp cận rất khó, khi thấy người lạ các đối tượng sẽ đánh động cho đồng bọn ngay lập tức”, Hảo kể.
Kể về vụ án khiến Hảo nhớ nhất là chuyên án VA516E phá đường dây sản xuất, buôn bán ma túy với quy mô lớn. Hảo nhớ lại, tháng 4.2016, trinh sát phát hiện có một loại ma túy mới xuất hiện với giá cực rẻ mà dân chơi sử dụng trên địa bàn Q.Bình Thạnh.
“Để phanh phui đường dây, chúng tôi đeo bám hơn 1 năm, đôi khi tưởng rơi vào ngõ cụt, không thể phá. Tuy nhiên, sau đó đã bắt giữ kẻ cầm đầu là Trần Ngọc Hiếu (36 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) và 14 đồng phạm. Đường dây này tổ chức chặt chẽ, khép kín từ mua nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển đến mua bán với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, sử dụng hệ thống công nghệ, máy móc tự động khiến cơ quan chức năng rất khó phát hiện”, Hảo nói.
Trinh sát trẻ trên trận chiến chống tội phạm ma túy1
Trung úy Hảo nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018
Bị tai nạn, gãy chân vẫn bò theo đối tượng
Hảo kể lại: “Tháng 3.2017, nhóm của Hiếu thường xuyên chở rác bằng xe tải đi ra từ căn biệt thự cao cấp ở Q.1, Q.7. Anh em quyết tâm thu bằng được các loại rác thải mà nhóm này vứt bỏ, vì đây là manh mối quan trọng để xác định có phải là rác thải sau khi sản xuất ma túy hay không? Tôi được phân công chốt ở đường cao tốc Trung Lương. Đến 2 giờ sáng, khi ô tô chở rác thải đi tới khu vực này thì tôi bám theo”.
Đối tượng chạy xe với tốc độ cao 130 km/giờ, chạy vòng vèo các tuyến đường vắng, không có đèn đường, không nhà dân. Hảo chạy theo nhưng phải tắt đèn xe máy. Đến địa phận tỉnh Đồng Tháp, Hảo tông vào con lươn, té gãy chân nhưng cắn răng chịu đựng bò đến gần chiếc xe tải để xác định được vị trí đổ rác thải vì Hảo biết rằng nếu không cố gắng lúc này thì khó có cơ hội.
“May mắn từ địa điểm bị tai nạn đến vị trí vứt rác thải hơn 100 m nên tôi cố bò lại gần vị trí này và núp ở bụi cây, lấy điện thoại quay lại. Sau đó, nhắn tin vị trí cho đồng đội tới thu rác thải. Quá đau vì chân bị gãy, máu chảy nhiều, tôi nằm trong bụi cây chờ đồng đội đến chở đi trạm xá, do bị nặng nên phải mổ tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP”, Hảo nhớ lại.
Ngày phá án, lực lượng chức năng thu giữ 188 kg thuốc lắc, 35 kg ma túy, 8 ô tô, 10 tỉ đồng, kê biên 3 biệt thự ở Nha Trang, 2 ha đất ở Đồng Nai, 3 tấn tiền chất và hóa chất dùng để sản xuất ma túy cùng nhiều máy móc thiết bị, dụng cụ liên quan.
“Làm trinh sát ma túy, tôi thường xuyên đi tỉnh để theo dõi, có lúc mấy tháng theo dõi 24/24. Không ít lần phải bò trườn giữa đồng ruộng, đi bộ hàng chục ki lô mét trên núi để tìm manh mối. Có lần đang đi theo đối tượng mua bán ma túy ở tỉnh thì tôi nhận tin mẹ bệnh tim phải nhập viện. Mặc dù thương mẹ nhưng phải gạt chuyện riêng qua một bên”, mắt Hảo đượm buồn khi nhắc đến mẹ.
Tâm sự về nghề, trung úy Hảo nói, nếu chọn mảng ma túy thì phải cố gắng, không nản lòng; phải dám đối mặt với nó, hết lòng với nghề, đặt lợi ích của người dân, xã hội lên hàng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.