Trung tá mê... đồ ăn sẵn!

11/11/2017 09:38 GMT+7

Ở Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu (Tổng cục Hậu cần), mọi người thường gọi khẩu phần chế biến sẵn là 'đồ ăn sẵn'.

Còn trung tá - thạc sĩ Lưu Anh Văn, Trưởng phòng Quân lương, được gắn biệt danh “người mê đồ ăn sẵn”, vì anh rất say sưa nghiên cứu khẩu phần ăn cho bộ đội.
Tuýp đồ ăn cho trinh sát đặc nhiệm
Năm 2001, tốt nghiệp chuyên ngành quân nhu của Học viện Hậu cần, chàng sĩ quan trẻ Lưu Anh Văn (sinh năm 1978, quê ở Kiến Xương, Thái Bình) được điều về công tác tại Kho 205 thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần. Thấy Văn say sưa tìm tòi, có tố chất nghiên cứu khoa học, lại đúng dịp Cục Quân nhu chuẩn bị thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu, nên cấp trên cử anh đi học chuyên ngành công nghệ thực phẩm tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong mấy năm học, Lưu Anh Văn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến việc ăn uống của bộ đội, tích lũy kiến thức trong nhà trường để áp dụng vào những đề tài khoa học của cơ quan.
Về lại đơn vị, anh dành nhiều thời gian đi thực tế cơ sở. Năm 2005, khi đi thực tế huấn luyện dã ngoại dài ngày ở Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), thấy bộ đội mang vác nặng, dụng cụ cấp dưỡng cồng kềnh trong khi việc nấu ăn trong điều kiện tác chiến đòi hỏi tính cơ động cao, bí mật, bất ngờ, rất phức tạp, nên anh Văn có ý tưởng sản xuất khẩu phần ăn cho bộ đội thật nhỏ gọn, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe. Sau đó, anh mày mò nghiên cứu, cùng đồng đội xây dựng công thức, sáng chế một số khẩu phần ăn đặc biệt. Nổi bật nhất là 2 loại khẩu phần KCB01 và KCB02.

tin liên quan

Vịt biển ra đảo
Gần 6 tháng qua, với nhiều cố gắng, Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã nuôi thành công bước đầu đàn vịt biển hơn 500 con, đang phát triển tốt, trọng lượng gần 3 kg/con.
Khẩu phần KCB01 tiện dụng dạng gói, trọng lượng 445 gr/gói nhưng cung cấp năng lượng từ 1.371 - 1.453 Kcal, thích hợp với bộ đội sử dụng khi hành quân dã ngoại và diễn tập huấn luyện chiến đấu. Quá trình dừng chân, chỉ cần đổ nước vào gói là hơn 10 phút sau đã có bữa cơm đủ chất dinh dưỡng. Ăn xong, có thể sử dụng đồ uống có trong khẩu phần, giúp cơ thể sớm hồi phục sức khỏe. Về bao gói bảo quản, KCB01 sử dụng loại bao bì chất lượng cao, có thể chịu được va đập cơ học và giảm tối đa trọng lượng mang vác cho bộ đội.
Còn với khẩu phần ăn dạng tuýp KCB02, trung tá Văn nghiên cứu chế biến từ thịt, tinh bột biến tính, dầu ăn, sữa, rau gia vị... Dù chứa nhiều chất khác nhau, nhưng trọng lượng mỗi tuýp chỉ 145 gr, cung cấp khoảng 290 - 300 Kcal. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là tất cả thức ăn đều được thanh trùng ở nhiệt độ cao, có thể bảo quản trong 6 tháng không sợ hư hỏng, rất phù hợp với bộ đội đặc nhiệm, người nhái. Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong đặc công hải quân, trinh sát đặc nhiệm của Tổng cục 2.
Tuy nhiên, đề tài anh Văn tâm đắc nhất lại là “Nghiên cứu chế biến khẩu phần ăn tự hâm nóng cho bộ đội biên phòng”. Đề tài này đoạt giải nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân 2012.
Quá trình đi thực tế, trung tá Văn nhận thấy bộ đội rất cần được ăn nóng, nhất là lực lượng bộ đội biên phòng thường xuyên phải đi tuần tra dài ngày, không có điều kiện tổ chức đun nấu. Đây là đề tài anh ấp ủ từ năm 2009, khi tham khảo mẫu khẩu phần ăn chế biến sẵn tự hâm nóng của quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, phải qua thời gian dài nghiên cứu, phân tích, anh mới có thể kết hợp hài hòa những ưu điểm của khẩu phần ăn nước ngoài cho phù hợp với đặc điểm, khẩu vị của bộ đội VN. Khẩu phần ăn này dựa trên cơ chế tự hâm nóng, chỉ cần đổ nước nguội vào cũng có thể nở ra, không cần phải nấu.

tin liên quan

Lính trẻ 'thử lửa'
K’Di (21 tuổi) nhà ở thôn 4, xã Đinh Trang Thượng, H.Di Linh (Lâm Đồng). Sau khi tốt nghiệp THPT, K’Di xung phong đi nghĩa vụ quân sự. 
Khẩu phần đặc biệt của bộ đội tàu ngầm
Thời gian qua, trung tá Văn và các cộng sự đã nghiên cứu thành công hàng chục đề tài cấp cơ sở và trên cơ sở. Trong đó, nhiều đề tài mang tính thực tiễn, mới lạ, dễ áp dụng, như “Nghiên cứu, lựa chọn nguyên liệu và kiểu dáng bao bì tuýp ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt”; “Chế thử tuýp ăn liền vị ngọt phục vụ lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt với thời gian bảo quản 12 tháng”; “Hoàn thiện quy trình sản xuất khẩu phần ăn đồng bộ cơ chất hâm nóng phục vụ bộ đội biên phòng”; “Xây dựng thực đơn khẩu phần ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu ngầm của Quân chủng Hải quân”; “Xây dựng và hoàn thiện khẩu phần ăn phù hợp cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới”; “Sản xuất một số sản phẩm ăn liền từ cà chua”; “Chất đốt thay củi phục vụ bộ đội hành quân dã ngoại”; “Thức ăn dạng nén cao đạm phục vụ sản xuất khẩu phần ăn cho lực lượng đặc nhiệm”; “Quy trình chế biến cơm tươi ăn liền”...
Hiện tại, trung tá Văn và đồng nghiệp đang tập trung vào đề tài bảo đảm khẩu phần ăn cho các lực lượng mới thành lập của quân đội. Anh cũng tạm gác việc cơ quan để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với đề tài “Sử dụng các viên nén, đồ uống cho bộ đội” nhằm có được sản phẩm vừa bảo đảm về dinh dưỡng, vệ sinh, phù hợp với đặc thù bộ đội, giá thành rẻ hơn bên ngoài, nhưng có thể áp dụng được cho nhiều lực lượng, dễ dàng trong sản xuất hàng loạt, bảo quản lâu dài...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.