‘Từ vụ cháy Carina, tim tôi nhói đau nhớ thảm cảnh cháy nhà 23 năm trước’

27/03/2018 14:30 GMT+7

'Căn nhà chúng tôi bốc cháy dữ dội cùng gần 40 căn nhà ven kênh Hàng Bàng. Ba tôi thẫn thờ nhìn tất cả gia tài hóa tro bụi. Mẹ ôm 5 anh em tôi vào lòng: Đừng nhìn nữa, tài sản quý giá nhất đây rồi', chị Võ Thị Thu Nguyệt chia sẻ.

Trong một quán cà phê ở quận 3, TP.HCM, tiếng chị Võ Thị Thu Nguyệt, 29 tuổi chậm rãi, thổn thức. Sau khi vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra tại chung cư Carina khiến 13 người chết, những gì xảy ra trong đêm hỏa hoạn với ngôi nhà của chị, ngụ trên đường Phan Văn Khỏe (gần chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM) hiện về rõ ràng như mới chỉ hôm qua.
“Đó là một đêm tháng 5 năm 1995, tôi 6 tuổi. Căn nhà bằng gỗ, lợp tôn bên dòng kênh bắt lửa rất nhanh, chẳng mấy chốc nhà tôi và hàng chục căn nhà san sát bùng cháy dữ dội. 5 anh chị em tôi được lùa dậy, ba mẹ tôi không kịp mang theo bất cứ giấy tờ hay tài sản gì. Tôi vẫn nhớ như in lời mẹ nói với ba trong đêm kinh hoàng ấy, khi ba còn đang tiếc của, nhìn mọi thứ bị hóa tro: “Đừng nhìn nữa, tài sản quý giá nhất ở đây rồi”, chị Nguyệt bồi hồi.
Theo lời chị Nguyệt, điều may mắn nhất là trong số khoảng 40 căn nhà sát nhau bị cháy, không có ai thiệt mạng, dù sau đó tất cả đều trong cảnh màn trời chiếu đất. 5 anh em chị Nguyệt - tài sản lớn nhất của ba mẹ chị - khôn lớn, được học hành nên người, từ hai bàn tay trắng của ba mẹ và trên nền đổ nát của căn nhà cháy.
"Ba tôi một tay bế em trai, một tay dắt tôi đi bán vé số"
Chị Nguyệt chưa thể quên những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn đủ đường. Trong nhà không còn một đồng bạc lẻ, có 5 người con cách nhau đúng 2 tuổi, ba mẹ chị Nguyệt làm đủ nghề từ bán nhang đèn, tạp hóa, đến bán vé số, đạp xích lô chở hàng để các con được ăn cơm no, được đến trường.
Ba mẹ chị Nguyệt và 5 người con đẻ, 1 người con rể (chị Nguyệt đứng thứ 2 từ phải sang) Ảnh nhân vật cung cấp
“Tôi và ba đến tá túc trong nhà tình thương ăn mì tôm của người cứu trợ, các anh chị tôi mỗi người được gửi đến nhà bà con ở tạm vài ngày. Mẹ tôi dựng tạm một cái lều trên nền đất cũ để ở và giữ đất. Vài tháng sau, có một cô nào đó không quen biết nhưng thương ba mẹ tôi nghèo khổ, đông con đã cho mượn tạm căn nhà để ở nhờ. Nghèo đến mấy, ba mẹ tôi vẫn không cho phép ai nghỉ học, chúng tôi đến trường nửa ngày, nửa ngày còn lại đi bán vé số giúp ba mẹ”, chị Nguyệt nhớ lại.
Đến bây giờ chị Nguyệt vẫn chưa thể quên những ngày tháng nắng cũng như mưa, ba chị một tay bồng người em trai mới 4 tuổi, một tay dắt chị, khi đó 6 tuổi, đi lang thang khắp các con đường quanh chợ Bình Tây bán vé số. Lớn lên một chút, chị Nguyệt tự cầm vé số đi bán dạo, mỗi lần bán hết 5 tờ lại chạy về nhà hớn hở khoe ba, rồi lại mang 5 tờ đi tiếp. Lam lũ từ nhỏ, da chị Nguyệt ngăm đen, đến lớp bị các bạn trêu chọc là con nhà nghèo, con nhà bán vé số, chị Nguyệt vẫn thản nhiên. Lúc nào chị cũng cố gắng trở thành học sinh giỏi nhất.
“Ba tôi ăn chay trường từ năm 1983, làm việc nặng nhọc suốt nên ba chẳng to khỏe như ai. Mỗi lần đi xích lô chở hàng lên cầu, ba không thể đạp mà phải xuống đẩy xe. Để tiếp thêm năng lượng cho mình, vừa đẩy xe, ba vừa lẩm nhẩm nhiều lần 'cố lên, mình còn vợ và các con ở nhà'. Sau này, khi nghe mẹ kể lại chuyện này, tôi càng thương ba mẹ nhiều hơn, nước mắt ứa ra”, chị Nguyệt xúc động.
 
Chị Nguyệt, người kể lại câu chuyện với Thanh Niên Thúy Hằng
Đến nay, ba mẹ chị Nguyệt người 67 tuổi, người 65 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Cả 5 anh chị em của chị Nguyệt đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Một chị gái của Nguyệt đang làm hướng dẫn viên du lịch tại Đài Loan, 2 người làm tài xế, chị Nguyệt và một chị gái khác nối nghiệp ba mẹ bán nhang đèn ở cửa hàng tại nhà.
Điều quý giá trong suốt bao nhiêu năm qua, từ lúc gian khó đến bây giờ cuộc sống đủ đầy, đại gia đình chị vẫn đầm ấm, sống quây quần bên nhau. “5 anh chị em tôi lúc nào cũng ríu rít, thương yêu nhau, hiếu thảo với cha mẹ. Bây giờ có facebook, chúng tôi lập cả một nhóm để 5 anh chị em có thể trò chuyện mỗi ngày, tâm sự những điều vui buồn”, chị Nguyệt kể.
"Tôi mong ba mẹ có một căn nhà khang trang”
“12 năm trước, khu tôi ở lại cháy, vài căn nhà hàng xóm của chúng tôi bị thiêu trụi, mẹ tôi nhìn ngọn lửa thì ngất lịm vì sợ hãi và ám ảnh. Đến tận bây giờ, bà rất sợ cháy. Lúc nào trước khi đi ngủ bà cũng kiểm tra bình gas, điện thật cẩn thận, có mùi khét là lập tức nói các con tìm kiếm”, chị Nguyệt kể.
Ba mẹ chị Nguyệt và các cháu Ảnh nhân vật cung cấp
Khu ven kênh Hàng Bàng từ năm 1995 đến nay mang tên Xóm nhà cháy, đánh dấu kỷ niệm buồn 23 năm trước. Trên nền ngôi nhà cháy năm xưa, 10 năm trước, gia đình chị Nguyệt đã cùng nhau xây lại một ngôi nhà kiên cố, vững chãi hơn, tuy nhiên, nơi này đang thuộc diện giải tỏa. Lúc nào, 5 anh chị em của Nguyệt cũng đau đáu nỗi niềm, bao giờ có thể cho ba mẹ một căn nhà khang trang?
Chị Nguyệt bộc bạch, có ở trong đau thương, mới thấu hiểu đau thương. Hỏa hoạn là điều khủng khiếp. May mắn là chúng tôi còn đủ gia đình, rất nhiều người đã vĩnh viễn mất đi người thương yêu nhất sau thảm họa… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.