Là người làm thiện nguyện nhiều năm, Nguyễn Đăng Khoa (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế học viện sẻ chia HVSC) cho rằng làm từ thiện bây giờ luôn có áp lực đè nặng. "Áp lực chính là trách nhiệm của người đứng ra vận động quyên góp và vai trò người giữ tài sản. Lý do là cộng đồng đòi hỏi thông tin về số tiền quyên góp được sử dụng như thế nào", anh Khoa nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình, anh Khoa nói: “Làm từ thiện là phải có kế hoạch, tổ chức bài bản. Tôi trực tiếp giữ tiền quỹ, nên mọi thứ phải được minh bạch, rõ ràng và cập nhật tình hình liên tục".
"Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa người góp tiền và người đứng ra quyên góp là mối quan hệ hợp tác để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng tôi dùng quỹ kia cho mục đích khác thì phải công khai, hoặc hỏi ý kiến nhiều mạnh thường quân, nhằm đảm bảo việc làm từ thiện không bị méo mó và bền vững”, anh Khoa chia sẻ.
|
Còn T.T.H.T, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM, cho hay cô thường tham gia các hoạt động thiện nguyện và tuỳ theo trường hợp mà góp sức hay tiền bạc. "Chẳng hạn, tôi không góp sức cho đồng bào miền Trung vừa qua nên chuyển tiền ủng hộ. Còn trong các hoạt động về môi trường xanh và nhặt rác, tôi chọn góp sức”, Tiên nói.
|
Tiên cho biết thêm khi ủng hộ từ thiện cô mong muốn tất cả số tiền cũng như vật dụng đến được tay những người thực sự cần. Do đó, cô thường chọn và gửi cho những đơn vị thiện nguyện uy tín. Tuy nhiên, khi gửi tiền cho nhóm thiện nguyện, Tiên cũng như nhiều người trẻ mong muốn số tiền thu chi phải được công khai minh bạch.
Cũng đang hoạt động thiện nguyện, Phạm Huỳnh Minh Tuấn (31 tuổi, tư vấn kinh doanh cho một công ty bảo hiểm) cho rằng việc kêu gọi tiền từ thiện hiện nay xuất phát từ niềm tin và sự tín nhiệm với nhau. Tất cả “giao kèo” về vấn đề ủy thác tiền từ thiện chỉ là cá nhân với cá nhân và trong phạm vi hẹp. Nếu kêu gọi đại trà, nhân rộng hơn với các đối tượng chưa quen biết, có thể xảy ra một số trục trặc ngoài dự kiến.
“Bây giờ nếu có tổ chức từ thiện, tôi chỉ kêu gọi bạn bè quen biết đóng góp với nhau. Hoặc khi có công ty, tổ chức nào tài trợ thì kêu gọi bạn bè tới phụ”, Tuấn cho hay.
|
Luật sư nói gì về tính pháp lý của hoạt động từ thiện?
Nói đến vấn đề minh bạch trong làm từ thiện, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng về hoạt động cứu trợ dành cho các cá nhân tự phát, trong khi Nghị định 64/2008 của Chính phủ không còn phù hợp với thực tiễn.
"Đến nay vẫn còn tranh cãi về việc cá nhân thực hiện hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn…có thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008 không", luật sư Chánh đặt vấn đề.
Việc cá nhân đứng ra vận động, kêu gọi và nhận tiền cứu trợ từ cá nhân, tổ chức là quan hệ dân sự dưới dạng quan hệ “tín thác”. Có thể hiểu các trường hợp này là cá nhân, tổ chức ủy thác cho một cá nhân khác thay mặt mình giúp đỡ cho những người gặp thiên tai...Về mặt pháp lý, nếu người kêu gọi quyên góp tiền, hàng hoá cứu trợ có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015).
“Hiện nay, chính vì chúng ta thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động cứu trợ, từ thiện nên tạo ra những cuộc tranh cãi không hồi kết. Những cá nhân/nhóm thiện nguyện muốn không xảy ra tranh cãi nên minh bạch, nên công khai tất cả các khoản chi tiêu…cũng như lịch trình hoạt động. Còn nhà hảo tâm nên tỉnh táo, tìm những đơn vị uy tín, lựa chọn cách làm từ thiện phù hợp và tốt nhất có thể”, luật sư Chánh nói.
|
Bình luận (0)