Tôi là một học sinh luôn đạt danh hiệu xuất sắc ở trường, từ cấp 1 tới hết bậc đại học. Lúc nào tôi cũng đứng trong top 3 của lớp. Bạn bè ngưỡng mộ tôi, thầy cô yêu quý tôi, tuy nhiên, có thể đó cũng là một điều khiến tôi chủ quan và bị “sốc” khi cầm tấm bằng cử nhân ra ngoài đời xin việc.
Tôi tốt nghiệp khoa báo chí của một trường đại học tên tuổi ở Hà Nội, chuyên ngành tôi được đào tạo là báo điện tử, nhưng tôi chưa từng làm cộng tác viên cho một cơ quan báo chí nào thời sinh viên, do đó, hiểu biết về nghề cũng như mối quan hệ để tôi được ký hợp đồng ngay khi ra trường là một điều không tưởng.
Nhờ một người chị tình cờ quen biết, tôi xin vào một trang báo điện tử chuyên về mua sắm, tiêu dùng. Họ giao cho tôi làm các tin tức nho nhỏ về thị trường như rau củ có lên giá không sau mùa mưa bão, giá hoa hồng ngoài sạp ra sao khi 20.11 sắp đến gần... Tôi làm được vài tháng thì chủ động xin nghỉ, một phần vì 3 tháng mới trả nhuận bút một lần, tiền kiếm được không đủ trả tiền thuê nhà trọ, phần khác quan trọng hơn, tôi không yêu công việc này.
Tôi xin vào một công ty sách, họ tuyển người có giọng đọc tốt để làm sách điện tử. Tôi đọc sách kiếm tiền, mỗi giờ đọc được trả 200.000 đồng, một ngày đọc được 3 giờ thì cũng ngon lành. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có việc đều đặn, nhân viên giành giật nhau để kiếm được nhiều sách đọc, tôi nhìn cảnh đó mà chán nản.
tin liên quan
Bạn trẻ chọn freelancer: Thu nhập cao, sao gọi 'lông bông'?Nhiều bạn trẻ than phiền rằng họ chọn freelancer (làm công việc tự do) thay vì cố định trong một cơ quan, kiếm thu nhập gần 40 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên các phụ huynh cho rằng đây là công việc ‘lông bông’, ‘ăn bám’.
Tôi rải hồ sơ gần 10 nơi, ưu tiên những bên tuyển biên tập viên truyền hình, phát thanh, trong lúc đó thì đọc sách thuê để kiếm tiền mua suất cơm ăn mỗi ngày. Một ngày kia, một công ty gọi tôi phỏng vấn, họ cần giọng đọc nữ cho các bản tin online phát trên điện thoại. Tôi khấp khởi mừng thầm, công ty này khá có tên tuổi, nếu được là nhân viên chính thức của họ, lương thưởng không hề tồi. Tuy nhiên, tôi làm ở đó 3 tháng và dần dần “vỡ mộng”. Chúng tôi chỉ được ký hợp đồng thời vụ, làm bao nhiêu lĩnh thù lao bấy nhiêu, chưa kể bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.
Tôi và nhiều nhân viên trẻ khác luôn luôn hỏi trưởng phòng, bao giờ chúng tôi được ký hợp đồng dài hạn, để được đóng bảo hiểm, hưởng các chế độ khác như một nhân viên. Câu trả lời thường là, “cố gắng đi các em, sắp rồi”. Tôi cố gắng được 1 năm 2 tháng và từ bỏ. “Chúng ta không thuộc về nhau”, trong đầu tôi chỉ là những cụm từ ấy, trong buổi làm việc cuối cùng trong toà cao ốc ấy.
|
Tôi lại quay về công việc đọc sách. Tôi xin đọc ở nhiều công ty sách hơn, chạy một ngày nhiều show hơn, trong lúc đó vẫn tranh thủ các hợp đồng làm MC dẫn chương trình khai trương nhà hàng, kỷ niệm ngày thành lập công ty, rồi ra mắt sản phẩm mới... Tôi vẫn chưa nguôi giấc mơ được làm biên tập viên truyền hình.
Một người anh giới thiệu cho tôi công ty kia tuyển người thuyết minh phim. Xác định càng có nhiều cơ hội càng phải thử sức, tôi nhận lời để thử việc. Tôi được nhận ngay sau đó. Chị giám đốc rất quý mến tôi, tôi làm không hết việc.
Không phải nhân viên chính thức, nhưng tôi có thu nhập nhiều khi còn cao hơn cả những người đã được ký hợp đồng nhân viên tại đây. Ngoài giờ thuyết minh phim, tôi vẫn đi đọc sách, làm MC sự kiện... một ngày làm việc của tôi có khi kéo dài đến cả 12 tiếng đồng hồ. Tôi vui và nhận ra, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mình được làm những điều mình thích.
Giờ thì tôi đã 29 tuổi. Chưa chồng, con, chưa một công ty cố định, chưa nơi nào đóng bảo hiểm xã hội, chưa biết thế nào là ngày nghỉ phép (bởi thích lúc nào nghỉ, tôi có thể tự nghỉ mà chẳng cần đơn từ nào cả)...
tin liên quan
Tôi dành cả tuổi thanh xuân chỉ để yêu thôi!'Em chẳng biết gì, chỉ biết yêu thôi', tôi từng cười vì nghe ở đâu một câu đại loại như thế. Nhưng ngẫm lại, cả tuổi thanh xuân của mình, tôi đã làm được gì, ngoài một chữ 'yêu'?
Tôi cảm ơn cuộc đời đã không dễ dàng với tôi. Tôi cảm ơn tuổi thanh xuân vấp phải nhiều ngang trái với mình. Để từ đó, tôi mạnh mẽ hơn, tự lập hơn và không còn ảo tưởng về bản thân mình.
Tôi hiểu ra rằng, bằng cấp, thứ hạng khi tôi đi học không có nhiều nghĩa lý trong xã hội trọng dụng thực tài như hiện nay. Và chỉ có lao động, tâm huyết, bạn sẽ được trả lại những thành quả xứng đáng.
Tôi chưa nghĩ đến việc sẽ “buộc” tuổi 30 của mình trong một cơ quan cố định, với khoản lương cố định hàng tháng và giờ giấc cố định ra về. 30 mà, tôi còn trẻ lắm, hãy tự do để “bay” với nhiều công ty và những giấc mơ mình còn đang ấp ủ. Biết đâu, ngày mai tôi lại nhảy việc thêm một lần nữa?
Hãy chia sẻ cùng Thanh Niên những năm tháng tuổi trẻ của bạn cùng chuyên mục: “Dành tuổi thanh xuân để làm gì?” tại email: [email protected]. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)