Văn Mai Hương nghi bị lộ clip nhạy cảm, bạn trẻ làm gì để bảo vệ mình?

28/12/2019 19:57 GMT+7

Trước thông tin được cho là Văn Mai Hương bị phát tán clip nhạy cảm gây xôn xao mạng xã hội , nhiều bạn trẻ cho rằng nên đổi mật khẩu thường xuyên, còn luật sư khẳng định nên trình báo công an khi không thể kiểm soát.

Mới đây trên khắp diễn đàn mạng lan truyền video clip "nóng” được cho là ca sĩ Văn Mai Hương tại nhà riêng. Trong clip, cô gái thoải mái thay, thử quần áo, chỉ mặc nội y mà không hề để ý có camera đang ghi lại hình ảnh. Nhiều người cho rằng những hình ảnh bị phát tán có lẽ là hình ảnh từ camera an ninh được lắp đặt trong nhà.

Lộ clip nhạy cảm, Văn Mai Hương được hàng loạt nghệ sĩ Việt lên tiếng bảo vệ

Từ vụ việc này đặt ra cho người trẻ nên làm gì để tự bảo vệ mình khi không may bị kẻ xấu phát tán hình ảnh riêng tư lên mạng.

Nên thường xuyên đổi mật khẩu

Bạn Nguyễn Phước Huy (29 tuổi), quản lý một trang thương mại điện tử ở Q.9, TP.HCM, chia sẻ nếu chẳng may mình rơi vào cảnh bị phát tán hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội việc đầu tiên mình sẽ trình báo cơ quan chức năng để truy tìm nguồn gốc phát tán. Đổi mật khẩu tất cả những mạng xã hội đang sử dụng. Đổi mật khẩu các ứng dụng lưu trữ trực tuyến.
Bên cạnh đó, Phước Huy cũng cho rằng nên tự mình liên hệ với các website nhằm gỡ những clip hoặc thông tin cá nhân của mình xuống. Trường hợp các website không thuộc Việt Nam thì phải gửi báo cáo qua kênh liên hệ như Facebook, YouTube, Instagram… đều có mục liên hệ riêng để hỗ trợ trong các trường hợp như thế này.
Nói về cách tự bảo vệ mình trước sự việc như vậy, Phước Huy nói thêm: “Trước tiên, tất cả các ứng dụng lưu trữ tôi đều phải đặt bảo mật 2 lớp, tức là phải xác thực qua điện thoại mới có thể đăng nhập được. Hacker có biết mật khẩu cũng không thể nào truy cập được. Tiếp tôi cài bảo mật trên điện thoại. Khi mất máy tôi sẽ dùng chức năng khóa máy từ xa, xóa hết sạch dữ liệu. Còn camera trong nhà chỉ mua của các hãng uy tín, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Và nhất là tôi không bao giờ chia sẻ nội dung riêng tư qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin”.

Các nạn nhân khi gặp trường hợp này cần phải khẩn trương có đơn tố cáo sự việc yêu cầu cơ quan công an thẩm quyền tiến hành điều tra xử lý ngăn chặn kịp thời các hành vi phát tán clip hình ảnh như trong trường hợp nêu trên

Luật sư Nguyễn Tri Đức

“Không biết phải làm như thế nào”, đó là câu trả lời của bạn Nguyễn Thị Út Nhi (27 tuổi, nhân viên ngân hàng ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) khi được hỏi nếu chẳng may bị kẻ xấu phát tán video clip “nóng” của mình lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, Nhi cho rằng cần bình tĩnh suy nghĩ kỹ hơn và tìm cách đối diện với vấn đề. Nếu đúng là hình ảnh của mình thì Nhi đành phải chấp nhận sự cay nghiệt của dư luận, mạng xã hội.
“Sẽ mất thời gian ổn định lại vì thế nào cũng ảnh hưởng đến tinh thần. Để bảo vệ thông tin của mình thì vài tuần hoặc vài tháng tôi sẽ đổi mật khẩu một lần để tránh bị hacker”, Nhi cho biết.

Nên trình báo công an 

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty luật 360, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền nhân thân được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật bảo vệ theo luật định hiện hành. Mọi hành vi đi ngược lại với điều này là vi phạm pháp luật.
Các nạn nhân khi gặp trường hợp này cần phải khẩn trương có đơn tố cáo sự việc yêu cầu cơ quan công an thẩm quyền tiến hành điều tra xử lý ngăn chặn kịp thời các hành vi phát tán clip hình ảnh như trong trường hợp nêu trên.
Theo nội dung vụ việc hiện tại cho thấy các hành vi của các cá nhân phát tán clip là “hành vi bị cấm” theo Điều 5 Nghị định 72/2013 NĐ-CP. Do đó các cá nhân có hành vi phát tán clip phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng” (khoản 5, Điều 21 Nghị định 72/2013 NĐ-CP).
Biện pháp chế tài hành chính hiện nay “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm… xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” (điểm g, khoản 3 Điều 66 nghị định 174/2013/NĐ-CP)
Bên cạnh biện pháp chế tài hành chính nêu trên, hành vi phát tán clip có thể bị truy tố về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 BL HS hiện hành. Ngoài ra nếu việc phát tán clip gây những hậu quả thiệt hại khác cho nạn nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS hiện hành
Tuy nhiên, luật sư Tri Đức cũng nói thêm, việc áp dụng để khởi tố hình sự hay phạt hành chánh đều phải xét về tính chất, mục đích và hậu quả thiệt hai do các hành vi đó gây nên. Bởi lẽ hậu quả thiệt hại của mỗi trường hợp nói trên (nếu có) và bản chất, mục đích của những người phạm tội đều khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.