Vì sao người trẻ khắp nơi bày tỏ sự yêu thương với Sài Gòn đến thế?

11/07/2021 19:01 GMT+7

Sài Gòn ơi nhanh khỏe nhé, để ta lại được thấy cảnh tấp nập, nhộn nhịp với hàng dài dòng người ngược xuôi trên phố, thấy những ánh đèn lấp lánh về đêm đúng nghĩa của một thành phố không ngủ…

Rất nhiều người trẻ khắp mọi nơi đã bày tỏ như thế khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Sài Gòn diễn biến phức tạp, làm cho Sài Gòn “không được khỏe”, điều này khiến họ cảm thấy thổn thức và vô cùng lo lắng, cứ như chính bản thân mình đang bị tổn thương.

Nhìn Sài Gòn, quê hương thứ hai,  “bệnh”  thương cảm lắm!

Nguyễn Thị Thanh Nga (25 tuổi), giảng viên khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), chia sẻ: "Sài Gòn là thành phố sôi động bậc nhất cả nước, nhắc tới Sài Gòn người ta nghĩ ngay đến nhịp sống trẻ trung và sự náo nhiệt. Dịch bệnh Covid-19 ập đến bắt buộc thành phố phải sống khép mình, mọi thứ trở nên yên ắng và khó khăn hơn. Nếu người ngoài địa phương họ thương cảm vì thấy một thành phố từng sầm uất nay lắng mình chống chọi với dịch bệnh thì những người đang sinh sống tại Sài Gòn sẽ cảm nhận rõ hơn ai hết về nhịp thở của thành phố lúc này. Phố xá vắng người, hàng quán đóng cửa, những hàng rào và dây giăng dài từng ngõ phố, tiếng xe cứu thương qua lại thường xuyên…không buồn làm sao được".

Dây giăng và các sạp hàng bên trong chợ Bến Thành đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Vũ Phượng

Thanh Nga cho biết "Mình rời quê ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến Sài Gòn học tập và chọn nơi này làm việc đến nay đã 7 năm, tình cảm gắn bó với thành phố này chắc chắn cũng đủ lớn và luôn xem đây là quê hương thứ 2. Sài Gòn “bệnh” nhìn thương cảm lắm, thương nhất là những người lao động nghèo. Dịch bệnh khiến cho mỗi người có một nỗi khổ của riêng mình nhưng nhìn những người vô gia cư phải khốn đốn giữa mùa dịch Covid-19 khiến bản thân mình không cầm được nước mắt".

Không quen  một Sài Gòn im ắng lạ thường 

Mặc dù đang ở cách xa ngàn dặm nhưng Phan Văn Tuấn, 27 tuổi, du học sinh tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), mỗi ngày vẫn luôn hướng về Sài Gòn. “Không còn cảnh kẹt xe mỗi sáng, không còn chiếc đòn gánh nặng trĩu trên đôi vai gầy của những người bán hàng rong mỗi ngày để chắt chiu từng đồng cho con ăn học thành tài. Hình ảnh Sài Gòn từ bạn bè tôi mấy hôm nay quá im ắng đến lạ thường. Cảm giác như một người đang khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết bổng nhiên chững lại. Sài Gòn đang không được khỏe…”, Tuấn thổn thức.

Đường phố Sài Gòn vắng lặng. Ảnh chụp trên đường Lê Duẩn, Q,1

Cao An Biên

Tuấn kể: “Hôm trước tôi có gọi điện hỏi thăm vài người bạn đang sống ở Sài Gòn. Bạn tôi bảo: “Lạ lắm mày ạ, tao không quen. Sài Gòn cứ đang như một làng quê vậy…”. Có thể thấy cuộc sống sinh hoạt của họ thay đổi rất nhiều, từ vội vã, tấp nập chuyển sang chậm rãi. Không ai muốn điều đó nên mong dịch sẽ qua nhanh để trở lại trạng thái bình thường. Sài Gòn đang “không khỏe” nhưng tôi tin chắc Sài Gòn không cô đơn và tất cả những người con của đất Việt ở khắp mọi nơi đang ngày đêm hướng về Sài Gòn”.

Sài Gòn, nơi biết bao người thân yêu sinh sống

Nguyễn Trần Thủy Tiên, sinh viên năm 4, ngành quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ: “Nếu là tình cảm về đấng sinh thành thì Đắk Lắk là nhà, là tình yêu thương vô bờ bến của bản thân mình dành cho cha mẹ. Còn nói đến Sài Gòn thì mình dành sự quan tâm chân tình vì Sài Gòn đã cưu mang, bảo bọc các anh chị của mình trưởng thành và có cuộc sống tốt hơn. Mỗi nơi sẽ có những cảm xúc đặc biệt riêng. Trong giai đọan này, Sài Gòn đang gặp dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, chính vì vậy tình yêu thương với Sài Gòn của mỗi người ngày một lớn hơn là điều dễ hiểu”.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) đìu hiu

Trần Duy Khánh

Thủy Tiên cho rằng: “Bản thân em và người trẻ khắp cả nước bày tỏ niềm thương yêu với Sài Gòn nhiều đến thế vì đơn giản nơi ấy có những người thân của chúng em đang sinh sống, là nơi hội tụ mọi giọng nói của con người khắp mọi miền Tổ quốc”.

Nông dân H.Cần Đước (tỉnh Long An) chuẩn bị nông sản nhà trồng để gửi đến người dân Sài Gòn trong mùa dịch Covid-19

Bắc Bình

Sài Gòn luôn bao dung và chấp nhận những khác biệt

Thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: “Ở Sài Gòn chúng ta có thể bắt gặp người dân tứ xứ từ các tỉnh thành trên cả nước về đây làm ăn, sinh sống, học hành và du lịch. Chúng ta cũng có thể dễ dàng thưởng thức các món ăn đặc trưng của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam ngay tại Sài Gòn. Điều đó chứng tỏ vùng đất Sài Gòn là vùng đất mở, văn hóa Sài Gòn là văn hóa mở”.
Thạc sĩ Trần Minh Hải lý giải: "Cái gì mở rất dễ gần gũi, rất dễ gây thiện cảm cho người khác. Chính vì vậy thời gian gần đây khi Sài Gòn “không được khỏe” có rất nhiều bạn trẻ khắp nơi dành tình cảm tốt đẹp, đồng cảm và quan tâm sâu sắc đến Sài Gòn là điều tất nhiên”.

Tập kết nông sản Lâm Đồng trước khi chở về giúp người dân ở Sài Gòn gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Lâm Viên

Chính vì tập hợp nhiều dòng người nối tiếp nhau đến định cư, sinh sống cho nên văn hóa giúp đỡ người khác cũng đã hình thành từ đây. Ra đường phố chúng ta rất dễ dàng quan sát có bình trà đá, tủ bánh mì, tủ đựng khẩu trang ven đường được cung cấp miễn phí cho người thật sự cần đang gặp khó khăn. Thời gian gần đây xuất hiện thêm các điểm phân phát thực phẫm, cây ATM gạo…cung cấp miễn phí cho người khó khăn”, thạc sĩ Trần Minh Hải giải thích thêm.
 
 

Tình cảm của người dân khắp mọi miền đang hướng về Sài Gòn

Bắc Bình

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.