Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người trẻ tìm về thiên nhiên, những địa điểm ít người đến, số khác thì chọn về quê và ở yên trong nhà để nghỉ ngơi vào kỳ nghỉ lễ dài ngày năm nay.
Tìm về thiên nhiên
Nguyễn Thanh Hiếu, nhân viên văn phòng (30 tuổi) tại TP.HCM, chia sẻ ngày nghỉ lễ dài sắp tới là khoảng thời gian tuyệt vời để nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc.
“Tôi không có ý định đến những địa điểm du lịch đông người. Tiêu chí của tôi là tìm về thiên nhiên, nơi nào vắng vẻ, yên tĩnh để nghỉ ngơi. Trong dịp lễ, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc, hay Phan Thiết… sẽ rất đông người giữa lúc nguy cơ dịch đang có dấu hiệu bùng phát. Do đó, tôi sẽ dành 2 ngày 30.4 và 1.5 về vùng quê của tôi ở tỉnh Trà Vinh”, anh Hiếu nói.
|
Theo anh Hiếu, vùng quê với vườn ruộng bao la, bà con lối xóm, món ăn mộc mạc dân dã sẽ giúp các con và vợ anh sống gần với thiên nhiên hơn. Hai ngày còn lại, anh Hiếu sẽ trở lại TP.HCM, tìm những quán cà phê nhiều cây xanh, yên tĩnh một chút tại Q.3, Q.2, Q.7 để cùng uống cà phê, chơi với con. Bên cạnh đó, anh Hiếu cũng sẽ đeo khẩu trang để phòng dịch.
Còn Lương Hồng Cúc, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì đã lên kế hoạch đưa mẹ đi Đà Lạt từ trước. Kỳ nghỉ lễ là dịp để mẹ con Cúc quây quần bên nhau sau thời gian đi học xa.
Nữ sinh sẽ cùng mẹ đến những điểm đến cách xa trung tâm và không đông đúc vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. "Hy vọng tất cả mọi người sẽ có một mùa lễ 30.4 thật ý nghĩa và không quên phòng chống dịch", Cúc chia sẻ.
Ở lại thành phố cùng bạn bè
Một số người trẻ chọn cách tận hưởng những ngày nghỉ lễ ngay tại TP.HCM cùng bạn bè.
Chẳng hạn, bạn Nguyễn Thị Ngọc Lam, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết nhóm bạn của cô đã lên kế hoạch đi Vũng Tàu 2 ngày 1 đêm trong dịp lễ nhưng đành phải dời lại vì đang vào học kỳ cuối và tình hình dịch Covid-19. Do vậy, trong 4 ngày lễ này, nhóm bạn của Lam chỉ tổ chức 1 ngày đi chơi, cùng nhau ăn uống tại TP.HCM.
Đề phòng nguy cơ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Lam cùng các bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng khi đến nơi đông người, làm theo thông điệp 5K của chính phủ.
Lam dự tính sẽ đi 1 vòng TP.HCM trong 1 ngày với các điểm đến như khu ẩm thực nổi tiếng cộng với các điểm vui chơi về đêm và tất nhiên không quên đeo khẩu trang, mang theo nước rửa tay khi đi ra ngoài. “Đi như vậy vừa tiết kiệm mà cũng không bị mất thời gian với việc học ở nhà và phòng chống dịch an toàn”, Lam nói.
Về quê, ở nhà để thư giãn
Trong khi đó, Phạm Thị Kim Yến, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, và những bạn trẻ khác lại quyết định về quê và ở nhà.
“Ở nhà cũng như đi du lịch rồi. Nhà tôi ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cũng không quá xa TP.HCM. Ở nhà, tôi được ăn cơm mẹ nấu, sáng ra tập thể dục, chơi với mèo. Tôi có thể rủ bạn bè cũ đến nhà chơi hoặc gia đình sẽ tổ chức tiệc tại nhà. Đó cũng xem như là kỳ nghỉ lễ vui vẻ an toàn nhất trong tình hình dịch này rồi”, Yến nói.
|
Cũng chọn phương án về quê, Phạm Đức Trung, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM, cho biết sẽ không đi du lịch ở bất cứ nơi nào. Lý do là Trung không muốn đến chỗ đông người và chi phí xe, khách sạn, các dịch vụ ăn uống sẽ tăng cao trong dịp lễ cộng với nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại. Trung chỉ muốn tận dụng những ngày lễ để nghỉ ngơi và thư giãn.
Bình luận (0)