Yêu nhau quá để rồi sát hại nhau?

07/06/2018 08:05 GMT+7

Liên tiếp gần đây xảy ra nhiều vụ án sát hại người yêu với lời khai đều là vì quá yêu nên ghen tuông. Nhưng liệu đây có phải là tình yêu? Và yêu nhau để rồi giết nhau?

Nhiều người chưa hết bàng hoàng về vụ việc thầy giáo thể dục tại một trường THPT ở TP.HCM đâm chết người yêu trên đường Trường Sa (TP.HCM), thì tối 4.6 lại xót thương hay tin cô gái bị người yêu ghen tuông rồi sát hại tại căn nhà trọ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) và phân xác đem phi tang tại Tây Ninh.
[VIDEO] Hành trình tội ác của nghi phạm giết người yêu cũ rồi chặt xác
Trước đó, cũng đã xảy ra nhiều vụ yêu nhau không được rồi giết nhau của các cặp đôi, gây rúng động cộng đồng. Nhiều người bàng hoàng, hãi hùng, không thể tin được có một loại tình yêu như thế tồn tại trong xã hội văn minh hiện nay!
Sợ và ngại yêu
Không phải vì yêu mà giết, đó là một loại tình yêu của sự ích kỷ, tình yêu chiếm đoạt
Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên
N.T.K.N, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Hôm qua vừa đọc tin này em đã gửi cho bạn trai xem. Em hỏi anh ấy, sau này có khi nào vì quá yêu em mà anh cũng như thế? Bạn trai em bảo, em bị gì à, chỉ những kẻ không còn nhân tính mới như vậy. Nhưng thật sự em có cảm giác rất run sợ. Hôm nay yêu, ngày mai vì ghen tuông mà giết nhau, chẳng ai biết trước được điều gì, đặc biệt là người mình đã từng rất tin tưởng và yêu thương”.
Nhiều bạn trẻ cũng đang hoang mang và có cùng tâm trạng với N.T.K.N khi liên tục xảy ra các vụ sát hại vì tình.
Ngày 5.6, tôi nhận được tin nhắn của Phạm Thị Phước Mai Trinh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương. Trong tin nhắn, Trinh nói: “Lướt Facebook hôm nay mình thấy rất nhiều bạn bè bày tỏ quan điểm sợ yêu, không muốn yêu. Từ những câu chuyện, thực tế đau lòng như thế này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan niệm về tình yêu của người trẻ. Ai cũng cần được yêu nhưng bây giờ nếu yêu ai, họ sẽ rất dè chừng”.
Đó không phải là tình yêu
Nhìn nhận về thực tế này, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội LHTN VN), cho rằng những lý do mà hung thủ đưa ra là vì quá yêu mà giết chỉ là ngụy biện. “Không phải vì yêu mà giết, đó là một loại tình yêu của sự ích kỷ, tình yêu chiếm đoạt. Chứ nếu là tình yêu thật sự thì sẽ muốn cho người kia hạnh phúc, sung sướng và bình an”.
Bà Hiên nhìn nhận những trường hợp yêu nhau rồi sát hại nhau ngày xưa rất hiếm, nhưng bây giờ càng ngày mức độ càng nhiều. Theo bà Hiên, một bộ phận con người thời nay không hiền lành như ngày xưa do xã hội hiện đại tác động, với những hình ảnh, thông tin, câu chuyện về các vụ bạo lực, giết người đầy rẫy khiến một bộ phận người trẻ bị tiêm nhiễm, nên cách giải quyết vấn đề, tình huống trong tình yêu của họ cũng bị ảnh hưởng bởi sự bạo lực và hủy diệt.
Điểm cốt lõi theo bà Hiên là do quan niệm về tình yêu của một số người trẻ hiện nay bị lệch lạc. “Đó là quan niệm về sự chiếm đoạt, khi yêu nhau cứ nghĩ người mình yêu phải là của mình, yêu nhau là đến được với nhau. Nhưng điều này là không đúng và không phải lúc nào cũng đúng. Chính vì quan niệm sai lệch trong tình yêu, nên khi mất nhau dẫn đến ý muốn không là của tôi thì cũng không được là của ai, không ăn được thì đạp cho đổ”, bà Hiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên gia tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, khẳng định: “Yêu mà càng ích kỷ, lòng sở hữu càng cao thì lòng thù hận càng lớn”.
Khoảng trống trong giáo dục gia đình
Bà Thúy cho rằng cũng giống như cho ai món quà luôn mong người đó phải cảm ơn mình, không cảm ơn thì ghét, nhưng trong tình yêu mức độ không được đáp trả lại còn kinh khủng hơn rất nhiều. “Khi trao tặng tình yêu theo nghĩa vụ lợi dễ dẫn đến tình trạng thù oán nếu không được như ý muốn. Gốc rễ của nhóm người trẻ can tâm giết chết người yêu là họ có một trái tim vô cùng ích kỷ, họ chỉ biết chính bản thân, mà thậm chí bản thân cũng không biết cách yêu chính mình, cho nên mới làm những điều tồi tệ với chính người mà họ đang mong chờ hạnh phúc”, bà Thúy chia sẻ.
Theo bà Thúy, đây là một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn của các bạn trẻ bây giờ, các bạn không được dạy cách yêu thương từ bé. Cứ mang suy nghĩ mọi người phải cung phụng mình, người nào được mình yêu là người may mắn, nên sau này người ta không còn yêu mình nữa thì bắt đầu hận thù. Về vấn đề này, khoảng trống trong giáo dục gia đình là rất lớn.
Bà Hiên nhắn gửi: “Mỗi người trẻ hãy nhìn nhận và quan điểm đúng về tình yêu. Trong tình yêu, quá trình tìm hiểu là quan trọng nhất. Đừng yêu một người quá nhanh vội và dễ dàng. Khi thấy người mình yêu có những biểu hiện của lòng ích kỷ hay muốn chiếm đoạt thì nên cảnh giác và khôn khéo giãn dần ra. Trong tình yêu, khi từ chối một người, hay muốn dừng lại thì cũng đừng quá thẳng thừng, nhiều khi gây nên sự đả kích cho người kia và hậu quả kéo theo sẽ khó lường”.
Ý kiến
“Giết người mình từng yêu là hành động không phải yêu mà là điên cuồng, đó là sự độc ác muốn chiếm hữu. Với tôi, phụ nữ là để yêu thương, luôn cần nâng niu, trân trọng. Hành động đánh phụ nữ đã không chấp nhận được nói chi là sát hại người mình yêu”.
Nguyễn Văn Tiến (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
“Hãy biết cách bảo vệ bản thân khi nhận ra những dấu hiệu bất thường, tiêu cực từ người yêu một cách mù quáng. Nếu cảm thấy bản thân cần được bảo vệ, hãy chia sẻ cùng gia đình, người thân để được giúp đỡ”.
Phạm Thị Phước Mai Trinh (sinh viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương)
“Vì lo sợ cho con gái nên tôi theo con vào đây. Con đi học còn tôi đi làm thuê nuôi con, chứ ở ngoài quê chẳng an lòng được. Khi con đưa cho tôi xem thông tin này, càng lo sợ. Thân gái 12 bến nước, giờ lại thêm những lớp trẻ yêu nhau điên cuồng thế này thì thật sự đứng ngồi không yên”.
Nguyễn Thị Thơm (quê Quảng Ngãi, đang trọ tại Q.3, TP.HCM)
“Tụi nhỏ bây giờ yêu sớm quá, mà cấm đoán cũng không được. Càng yêu sớm thì càng thiếu kinh nghiệm và không kiểm soát được tình cảm của mình. Con gái mới học lớp 7 nhưng tôi rất lo lắng, cứ tưởng tượng con mình mà gặp những kẻ thú tính như vậy chắc tôi chết mất”.
Bùi Thị Hương (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.