"Người điên" hát trên đồi
Cung Tơ Chiều là một trong những quán cà phê nổi tiếng tại Đà Lạt, không phải vì thức uống ngon hay cảnh quan đẹp để trở thành một địa điểm "sống ảo" của giới trẻ. Nhiều người đến đây, tin rằng cũng vì một mục đích, đó là muốn được thưởng thức tiếng hát của chủ nhân quán này. Đó là bà Xuân Giang, 58 tuổi, người vẫn thường được gọi là "dị nhân" hoặc "Giang khùng" cùng rất nhiều "giai thoại" về tính lập dị của bà.
Tôi đến Cung Tơ Chiều vào một buổi tối cuối tháng 4, cùng một số người bạn. Họ đều là những vị khách đã đến đây 2-3 lần, thậm chí nhiều lần đến mức bà Giang nhớ mặt, nhớ cả kỷ niệm gắn liền với họ. Quán nằm trên một đồi thông lặng lẽ, từ xa đã thấy le lói ánh đèn vàng. Khi chúng tôi bước vào, cánh cổng mở hờ với hơn chục người khách đã ngồi bên trong nhưng không khí lặng như tờ, hoàn toàn khác với những không gian cà phê thường thấy. Thực đơn, ngoài những thức uống khá phổ biến ở Đà Lạt, còn có những nội quy mà thoạt nhìn đã ấn tượng: "Không cười nói lớn hơn tiếng nhạc. Không chụp hình, không ghi âm. Chúng tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào".
|
Hôm ấy, chúng tôi đợi đến hơn 21 giờ, "nữ ca sĩ" vẫn chưa xuất hiện. Sự tò mò càng lúc càng dâng cao. Một số khách cũng bắt đầu sốt ruột, nhưng không dám bỏ về, chỉ hỏi khẽ: "Hôm nay cô ấy có hát không". 21 giờ hơn, Xuân Giang bước ra với một gói thuốc lá trên tay. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bà là một người phụ nữ có mái tóc dài, xõa qua vai, mặc chiếc quần jeans ống loe, dáng người cao và gầy.
Xuân Giang ôm đàn ghita, phá tan không khí im lặng bằng một câu hỏi: "Ở đây có ai biết đàn không?", không ai lên tiếng. Bà lại hỏi: "Hôm nay tôi sẽ hát nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên - Phương... Các bạn muốn nghe nhạc của ai? Nhưng trước hết, có ai hát không, tôi sẽ đệm đàn". Một người trong nhóm chúng tôi quyết định mở đầu bằng ca khúc Buồn ơi, chào mi của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Và cứ thế, không gian âm nhạc dần trở nên cởi mở hơn, không hề giống một buổi trình diễn mà nói đúng hơn là một buổi hát với nhau. Có lúc, tiếng hát của bà hòa vào tiếng của những vị khách có mặt, có lúc, nó được kết hợp với con gái của bà, một cô gái trạc tuổi đôi mươi, ngồi ở một góc khuất, không nhìn rõ mặt. Tiếng hát của Xuân Giang, quả là "danh bất hư truyền", đầy nội lực, ma mị mà nhiều người vẫn ví von với giọng hát của Khánh Ly.
"Hai năm nữa, tôi sẽ đóng cửa quán này"
Khép lại đêm nhạc sau hơn 2 tiếng, Xuân Giang đốt một điếu thuốc nhìn quanh những gương mặt trong quán. Bà bảo: "Tôi đã gầy đi 10kg trong vài tháng qua nhưng sức khỏe vẫn tốt, mọi người đừng lo lắng. Hai năm nữa, tôi sẽ đóng cửa quán này, có khi sớm hơn. Hai năm nữa, tôi 60 tuổi và cũng tròn 20 năm hát ở quán này". Nghe đến đây, ai nấy cũng sững người.
|
Cũng cần phải nói thêm, Cung Tơ Chiều là một trong những quán đầu tiên tại Đà Lạt sau năm 1975 hoạt động dưới hình thức hát mộc, chủ yếu là dòng nhạc tiền chiến. Một điểm vô cùng đặc biệt là chủ quán sẵn sàng "đuổi khách" nếu có những hành động không đúng với quy định, kể cả họ có là quan chức hay đại gia. "Tôi phải khắt khe ngay từ phút đầu vì những người đàn ông vào đây say thì ít, giả đò thì nhiều. Tôi là một người phụ nữ, tôi phải tự nghiêm khắc với chính mình trước đã, thì mới có thể làm gương cho các con", bà Giang chia sẻ.
Xuân Giang không dùng từ "mời", bà dùng thẳng từ "đuổi". Bà từng "đuổi" vợ của một quan chức ra khỏi quán khiến "kỷ luật thép" của quán này đã lan truyền khắp gần xa. "Nhiều khi đang ngồi hát, thấy ngoài cổng đông đúc, ồn ào, tôi sẵn sàng đóng cửa lại, không tiếp khách nữa. Tôi không thích ồn ào, tôi thích giữ mình trong một không gian như thế này", bà rít một hơi thuốc và chia sẻ.
Xuân Giang không phải người "đàn bà điên" chỉ biết hát, ít ra bà đã làm rất tốt việc điều hành một quán cà phê nổi tiếng suốt gần 20 năm qua. Bà nói vui: "Tôi là một người phụ nữ không đẹp, có lẽ vì thế mà nhiều cô vợ mới sẵn sàng cùng chồng đến đây. Bởi nếu tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, có khi cả hai đến đây nghe hát, anh chồng chỉ cần khen hoặc quá chú tâm vào nhan sắc của tôi, vậy là lần sau cô vợ sẽ không cho đến nữa. Thế là tôi mất đi hai người khách".
Phút trải lòng của "người đàn bà điên"
Buổi tối hôm ấy có lẽ là buổi nghe nhạc đặc biệt nhất trong mỗi chúng tôi, kể cả những người lần đầu tiên đến đây như tôi hay những khách quen như một cặp vợ chồng lớn tuổi ở hàng ghế bên trái, một người phụ nữ tóc đã bạc vẫn mê ca hát ở ghế bên phải. Không chỉ là một đêm nhạc, chúng tôi như được chạm đến phần sâu kín nhất trong tâm hồn của một người đàn bà mà bấy lâu vẫn được nhắc đến bằng những từ "lập dị", "gàn dở", "khùng", "điên"...
Cầm điếu thuốc và rít một hơi điệu nghệ, Xuân Giang cho biết đây có lẽ là phút trải lòng hiếm hoi của bà và chúng tôi trở thành những vị khách hữu duyên khi được đích thân "giọng ca điên" vén bức màn "bí ẩn" đằng sau những "huyền thoại" rất ly kỳ về "người đàn bà điên". "Tôi biết, rất nhiều thêu dệt về tôi ngoài cánh cửa kia. Nhưng bạn thấy đấy, tôi chỉ là người đàn bà bình thường, người ta biến tôi thành người lập dị. Tôi có thể trộn hồ, lát đường, đóng bàn, đóng kệ sách cho con. Tôi không bí ẩn. Khi Chúa lấy đi một điều quan trọng của tôi thì Ngài đã cho tôi điều khác, đó là giọng hát để tôi cân bằng lại chính mình. Đây là giây phút tôi thật lòng nhất", bà nói, rất chậm rãi.
|
Xuân Giang từng kết hôn nhưng đã ly hôn và có 3 người con. 15 năm qua, một mình bà nuôi nấng 3 đứa con khôn lớn. Bà có thể cuốc đất, làm vườn như một người đàn ông, cũng có thể đan len như bao người phụ nữ ở xứ sương mù. Con gái của bà được mẹ đặt ra một quy định khá ngặt nghèo, đó là trước 18 tuổi, không được đi đâu ngoài trừ đến trường và về nhà.
"Thời của mình, tôi không được phép ra khỏi nhà, chỉ được phép đi với chồng sắp cưới. Đà Lạt ngày xưa, nhất là con gái, không được phép đi chơi, không bao giờ, điều đó đã ăn vào đầu tôi từ nhỏ. Con gái tôi 18 năm không ra khỏi nhà. Các bạn có con thì các bạn sẽ hiểu", Xuân Giang lý giải.
Đưa mắt nhìn quanh những vị khách một lần nữa, bà Giang bảo: "Tôi là người đề cao gia đình và sự chung thủy. Có những người hôm trước đi với một cô gái khác, hôm sau đến với cô gái khác, tôi đuổi thẳng. Tôi mở quán này vì tôi thấy có những người vợ cuối tuần bị vứt vào xó bếp còn chồng thì đi nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè. Vì sao lúc yêu nhau thường dắt nhau đi nghe nhạc còn lấy nhau rồi thì không? Tôi rất muốn nhìn thấy hình ảnh cặp vợ chồng cuồi tuần đưa nhau đi nghe nhạc".
Nói về quyết định đóng cửa quán trước sự tiếc nuối của chúng tôi, bà Giang tâm sự: "Tôi hạnh phúc vì biết thế nào là điểm dừng. Sau khi đóng cửa quán này, tôi sẽ ở nhà và đan len. Tôi từng nói tôi thuộc 1.000 bài hát nhưng nếu có ai thuộc được 300 bài và biết đàn, tôi sẵn sàng để lại quán này cho họ. Còn không, sẽ đóng cửa mãi mãi". Bà nói vui sẽ đan khăn để tặng hoặc dạy đánh đàn nếu khách có nhã ý nhưng cũng dặn kèm: "Vợ chồng thì tôi mới dạy, còn bồ bịch lăng nhăng thì không!".
Bình luận (0)