Ca khúc Cô gái vót chông và tiếng hát cao vút của NSND Tường Vi đã lay động trái tim biết bao thế hệ khán giả từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cho đến tận hôm nay.
Nghệ sĩ Tường Vi dạy hát cho các em nhỏ - Ảnh: tư liệu gia đình
|
Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, khi phải chứng kiến những nỗi đau của gia đình, Tường Vi xin được nhập ngũ.
Bà trở thành y tá của Viện Quân y 108 (Hà Nội). Mặc dù gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng từ nhỏ bà đã yêu ca hát và được mọi người ngợi khen có giọng hát cao vút hiếm có. Bà trở thành ca sĩ từ khi chuyển sang đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị vào năm 1956.
Trong thời gian đó, tiếng hát của NSND Tường Vi đã vang dọc các chiến trường. Và cho đến thập niên 1990, tiếng hát ấy vẫn luôn được chờ đón trên sóng phát thanh và truyền hình cùng nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Tường Vi: Bóng cây kơ nia, Tiếng đàn ta lư, Em là hoa pơ lang, Người con gái sông La, Người lái đò trên sông Pô Cô... Hơn 20 năm nay, bà gần như không xuất hiện trên sân khấu ca nhạc.
“Chúng con rình nghe mẹ Vi hát”
Trước khi đến gặp NSND Tường Vi, tôi đã được biết tới những công việc thiện nguyện của bà tại Trung tâm nghệ thuật tình thương ở Hà Nội. Bà trở thành người đỡ đầu nghệ thuật của rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. “Cô gái vót chông” Tường Vi năm xưa tiếp tôi tại ngôi nhà riêng của bà cũng là trung tâm tình thương mà bà đã thành lập. Bà nhớ lại, khi sắp về hưu, bà vẫn luyện thanh đều đặn hằng ngày. “Hôm đó là chủ nhật, khi tôi đang luyện thanh những bài thánh ca thì thấy có tiếng rột rột ngoài cửa. Một đám trẻ con đang ở ngoài đó thấy tôi mở cửa ra thì chạy hết. Tôi hỏi các con làm gì mà chạy ghê thế, ở đâu mà đông thế này. Chúng bẽn lẽn quay lại và nói: Chúng con bên làng mồ côi SOS, chúng con rình nghe mẹ Vi hát. Nghe vậy tôi xúc động lắm, và bảo vào đây mẹ dạy hát cho”, bà kể.
Thấy bọn trẻ yêu ca hát, bà dặn cứ chủ nhật sang nhà bà. Thế rồi, đám trẻ cứ thế bảo nhau, những đứa trẻ ở các làng trẻ khác (Hòa Bình, Thanh Xuân...) cũng tìm đến nhà bà học hát. Sau này, không chỉ có những đứa bé ở các làng trẻ, nhiều nghệ sĩ cũng gửi gắm con mình cho bà dạy.
Một mình nhưng không cô đơn
Trung tâm nghệ thuật tình thương dần trở thành ngôi nhà lớn, được xây dựng cơ sở tại Đà Nẵng, Quảng Nam. NSND Tường Vi nói, bà đủ sống bằng lương hưu, nên dành hết tiền lương của mình tại trung tâm cho các em. Bà bảo, những thầy cô giáo dạy tại trung tâm cũng làm việc xuất phát từ tình yêu thương các em, nên chỉ nhận phần tiền bồi dưỡng nhỏ.
Tôi hỏi bà, điều gì đã khiến bà miệt mài trong suốt hàng chục năm trời với khối lượng công việc lớn đến vậy. Bà giải thích đơn giản rằng: “Cũng không có gì mình phải lo lắng nhiều đâu. Những thứ mình làm xuất phát từ tình yêu thương, mà khi yêu thương thì mình chẳng tính toán gì”. Niềm hạnh phúc của bà là đã giúp được cho các em khuyết tật thành lập các nhóm hát có thu nhập ổn định hằng tháng. Trung tâm nghệ thuật tình thương đã thành lập được 6 đội hát, mỗi đội có một chủ nhiệm tìm điểm diễn, một phó chủ nhiệm lo sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt cho các em.
NSND Tường Vi năm nay đã ở tuổi 78. Bà bảo sức khỏe không còn được tốt, bệnh tiểu đường mỗi lúc nặng thêm dẫn đến biến chứng suy thận. “Tôi vẫn cố gắng khi còn đủ sức. Cho đến hết năm nay hoặc năm sau là tôi nghỉ hưu lần hai thôi”, bà cười bảo. Con trai của bà là nhạc sĩ Trần Hùng và con dâu là ca sĩ Ngọc Anh sẽ là những người tiếp tục công việc của bà. Các con bà đang định cư tại Mỹ nhưng vẫn thường trở về VN để giúp bà các công việc của trung tâm. Đến giờ vẫn còn một điều bà trăn trở: “Tôi muốn có sân khấu cho các em khuyết tật có tài năng được biểu diễn thường xuyên”. Bà nói giờ bà khó có thể làm được nữa, nhưng bà tin rồi trong lớp trẻ sau này, sẽ có người làm.
NSND Tường Vi và nhạc sĩ Trần Chương đã chia tay từ lâu. Ngôi nhà bà ở giờ chỉ có bà và người giúp việc. Chạnh lòng thương bà tuổi già sống một mình. Bà bảo: “Mỗi người một số phận. Tuy tôi và chồng cũ không ở với nhau, nhưng luôn coi nhau như người bạn tốt. Tôi sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Cô giúp việc rất tốt, rất thương tôi. Vừa rồi tôi đi bệnh viện cấp cứu mấy ngày mà bao người đến thăm. Ốm đau là quy luật, khi nào không ốm đau thì vui hơn, khi ốm đau mình phải biết làm thế nào cho đỡ bi quan. Tự mình tìm niềm vui cho mình. Tôi thích nghe nhạc, xem thời sự lắm. Các con tôi ở xa nhưng ngày nào cũng nói chuyện với nhau, nhìn thấy mặt nhau qua máy tính. Mỗi năm, Ngọc Anh vẫn được nhạc sĩ Phú Quang mời về nước biểu diễn, nhân dịp đó các con lại về thăm mẹ”.
Bình luận (0)